Quốc hội thảo luận dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 trong thời gian 1,5 ngày - Ảnh: CTV. |
Đưa tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào Hiến pháp, Quốc hội hoạt động thế nào khi có chiến tranh…, phiên thảo luận sáng 16/11 của Quốc hội đã đặt ra những yêu cầu nặng nề hơn với một công việc hệ trọng: sửa Hiến pháp 1992.
VnEconomy xin giới thiệu ý kiến đóng góp của một số đại biểu Quốc hội, đã được trình bày công khai trước cử tri qua phát thanh và truyền hình trực tiếp, từ phiên thảo luận này.
Cơ hội đã chín muồi
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
“Qua nghiên cứu lời nói đầu của bản dự thảo này, tôi nhận thấy tuy có cô đọng nhưng không có nhiều thay đổi. Những quan điểm, ý chí khi Hiến pháp 1992 ra đời đến nay đã trên 20 năm. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét, khởi dựng lại, ngoài tiêu chí tính khái quát cao, ngắn gọn, súc tích và có ý nghĩa thì trên hết lời nói đầu cần thể hiện một cách mạnh mẽ, đanh thép về ý chí của dân tộc Việt Nam, phải thể hiện một cách mạnh mẽ và dứt khoát quan điểm lãnh đạo của Đảng và sứ mệnh của bản Hiến pháp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo tôi chúng ta cũng cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào trong Hiến pháp. Biết rằng đây là một nội dung nhạy cảm và một cuộc tranh đấu khó khăn lâu dài, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội chín muồi và hết sức cần thiết để chúng ta thể hiện tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền với những chứng cứ lịch sử rõ ràng và sự ủng hộ của phần đông dư luận thế giới.
Có thể hôm nay chúng ta chưa làm được, nhưng với ý chí ngoan cường không dễ bị khuất phục của dân tộc Việt Nam, tôi có niềm tin vững chắc rằng các thế hệ tiếp nối sẽ thực hiện lời tuyên bố của chúng ta hôm nay: toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam là bất tử, là bất khả xâm phạm!”.
Quy định rõ ràng các chế định pháp lý về Đảng
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá)
“Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật cho thấy sau mấy chục năm từ khi thống nhất đất nước đến nay chưa bao giờ Đảng ta đứng trước những khó khăn thách thức trước sự nghiệp của mình và yêu cầu của nhân dân như thế.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chưa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng một cách đúng đắn, vì vậy mới có các vụ việc đổ vỡ, vi phạm ở tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại, các khu đô thị bỏ hoang, vấn đề khiếu kiện đất đai, các tiêu cực tham nhũng nghiêm trọng chưa được đẩy lùi. Tất cả hệ lụy đó đều là do thiếu văn bản hệ thống pháp luật và chế độ pháp lý cho hoạt động của Đảng, các tổ chức Đảng và đảng viên.
Tôi tha thiết đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ ràng các chế định pháp lý về Đảng Cộng sản Việt Nam, và rất cần thiết phải nghiên cứu để xây dựng một số điều đủ khả năng quy định về bản chất của Đảng, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Đảng, của tổ chức Đảng, đảng viên của Đảng trước đất nước, trước nhân dân và trước pháp luật.
Quy định rõ và đầy đủ về Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp sửa đổi là nhằm làm rõ, khẳng định hơn về vị thế, vị trí của Đảng ta. Mặt khác, đó cũng là công cụ pháp lý cực kỳ quan trọng ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, không để tổ chức, cá nhân nào đứng lên trên, đứng ra ngoài Hiến pháp, pháp luật”.
Có chiến tranh, Quốc hội hoạt động thế nào?
Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế)
“Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là khi chiến tranh xảy ra Quốc hội sẽ hành động ra sao, và đặc biệt khi do chiến tranh Quốc hội không thể họp được thì ai sẽ thay thế Quốc hội thực hiện vai trò lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước?
Hiến pháp hiện hành của chúng ta quy định chưa rõ nội dung này. Phải chăng các nhà lập hiến cho rằng trong chiến tranh Quốc hội vẫn hoạt động bình thường, hoặc có người còn lầm tưởng là khi đại bác đã gầm lên thì pháp luật im tiếng, luật lệ sẽ không còn cần thiết nữa?
Chúng tôi cho rằng chiến tranh với đặc trưng là đấu tranh vũ trang có tổ chức theo những quy tắc nhất định, một khi đã xảy ra thì các hoạt động khác như chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa xã hội tuy có đảo lộn nhưng vẫn cần và theo sự điều chỉnh của pháp luật. Vấn đề đặt ra, là Hiến pháp phải tiên liệu được khi chiến tranh xảy ra chớp nhoáng hoặc khi chiến tranh kéo dài Quốc hội không thể họp được, thì những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội ai sẽ làm thay?
Thực tế trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, khi Quốc hội không họp được thì Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách người đứng đầu cơ quan hành pháp đã ban hành hàng loạt sắc lệnh để điều hành đất nước. Tôi cho rằng nên làm rõ nội dung này trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, là trong trường hợp có chiến tranh Quốc hội không thể họp được, thì Hội đồng Quốc phòng và An ninh được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội quy định tại điều 84, ngoại trừ quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.
Quy định như vậy sẽ biến Hội đồng Quốc phòng và An ninh thành một chế định Hiến pháp độc lập, được Hiến pháp trao quyền khi có biến chứ không chờ Quốc hội. Ngộ nhỡ khi có chiến tranh xảy ra, chiến tranh kéo dài Quốc hội không thể họp được thì Hội đồng Quốc phòng và An ninh có thể căn cứ vào Hiến pháp để hành động không vi hiến. Dĩ nhiên Hội đồng Quốc phòng và An ninh phải báo cáo Quốc hội những việc đã làm của mình tại phiên họp gần nhất của Quốc hội”.
Bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội
Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang)
“Trong dự thảo, cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực được thể hiện chưa đầy đủ, chưa triệt để so với các cơ chế phân công và phối hợp quyền lực. Để có cơ chế kiểm soát trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn làm cơ sở hiến định cho việc ban hành Luật Tổ chức bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, tôi có 4 đề nghị như sau.
Một là bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, bởi vì theo quy định là cơ quan hành pháp Chính phủ đương nhiên triển khai thực hiện các nghị quyết, luật của Quốc hội hay nói cách khác hành pháp đã bao gồm chấp hành.
Hơn nữa thuật ngữ "người chấp hành" dễ bị hiểu nhầm Chính phủ là cơ quan cấp dưới của Quốc hội, trái với nguyên tắc phân công và kiểm soát thực hiện quyền nhà nước.
Hai là nghiên cứu, bổ sung hoặc chuyển một số cơ quan thành cơ quan trực thuộc của Quốc hội để tăng thẩm quyền giám sát của Quốc hội như là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền giám sát tối cao. Cần nghiên cứu trao cho Quốc hội những công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát kiểm soát của mình đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp.
Như cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan bảo hiến có chức năng giải thích Hiến pháp và tài phán, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trực thuộc Quốc hội với các văn phòng ở địa phương để giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương và trực thuộc Quốc hội như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện, để Quốc hội có công cụ hữu hiệu trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, không để tình trạng rất nhiều quyết định trong chính sách tiền tệ, tín dụng, các khoản chi rất lớn, đặc biệt lớn nhưng Quốc hội chúng ta không biết.
Ba là rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan phù hợp với chức năng, không để Quốc hội thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng hành pháp, không để các cơ quan Chính phủ thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng lập pháp và các cơ quan tư pháp, tòa án thực hiện các quyền hạn, chức năng hành pháp.
Bốn là bổ sung khoản 4, điều 10 dự thảo giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao chức năng giải thích luật, bao gồm cả ban hành án lệ, là cơ quan có chức năng áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật, bản án có hiệu lực của tòa án là cách thể hiện đúng đắn nhất quy phạm pháp luật được áp dụng”.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com