Việc có hiến định rõ vai trò các thành phần kinh tế hay không là vấn đề được tranh luận suốt quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. |
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định các thành phần kinh tế đều bình đẳng, song một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng không thể có chuyện này, kinh tế nhà nước vẫn phải là chủ đạo.
Làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế và không hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được nhiều ý kiến cho là điểm rất tiến bộ tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khi công bố lấy ý kiến nhân dân.
Báo cáo tổng hợp các góp ý về dự thảo mở đầu hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, Trưởng ban biên tập Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến cho rằng vẫn nên hiến định nội dung kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, để làm rõ vao trò của kinh tế nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban biên tập, không hiến định vai trò của từng thành phần kinh tế không có nghĩa là Việt Nam xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc quy định khái quát bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo cơ sở hiến định cho sự vận động, phát triển của nền kinh tế trong tương lai, bảo đảm tính ổn định lâu dài của các quy định trong hiến pháp.
Lý giải này, dù vậy, dường như chưa đủ thuyết phục một số vị đại biểu Quốc hội.
Không phải là đầu tiên, cũng không phải là duy nhất, song phản biện của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long có lẽ là mạnh mẽ nhất.
“Có nhiều ý kiến cho rằng điều 53 (về chế độ kinh tế - PV) Hiến pháp sửa đổi là một sự tiến bộ vượt bậc cao hơn cả cương lĩnh Đại hội Đảng XI, tôi nghĩ ngược lại, không phù hợp với cương lĩnh. Cương lĩnh ổn định hơn Hiến pháp và Hiến pháp cũng phải thể chế hóa cương lĩnh”, ông Long phát biểu.
Với nhận định nếu không có kinh tế nhà nước thì “chưa chắc nền kinh tế của Việt Nam đã được phát triển như hôm nay”, vị đại biểu này cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm ngược lại với nhiều ý kiến cho rằng kinh tế nhà nước hiện nay chưa đóng vai trò chủ đạo.
“Kinh tế nhà nước, sở hữu nhà nước không đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước. Sân bay, bến cảng, vận tải hàng không, hàng hải, tiền tệ, tài chính quốc gia, đầu tư của nhà nước vào các công trình công cộng… nếu không phải là sở hữu của nhà nước thì làm sao có được nền kinh tế như hiện nay?”, ông Long minh chứng.
Khẳng định “chúng ta chỉ có thể tồn tại và phát triển chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa trên nền tảng sở hữu toàn dân, không thể khác được”, đại biểu Long cũng cho rằng, “không thể có chuyện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”. “Chúng ta đã xác định chế độ xã hội chủ nghĩa thì đương nhiên các thành phần khác phải phục tùng, phải chịu sự tác động của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”, ông Long nói tiếp.
Nhấn nút đăng ký phát biểu lần hai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị phải thống nhất quan điểm những cái gì thì đưa vào Hiến pháp, những cái gì thì đưa vào luật, “chứ nếu không ta lại đổ cho nhau là không bám sát cương lĩnh hoặc khác cương lĩnh”.
“Trong quy định về thành phần kinh tế, không ghi vào đây không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”, ông Phúc lập luận.
“Vai trò vị trí của sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước đã được xác định ở điều 15, điều 16, điều 19 của Hiến pháp hiện hành tại sao hôm nay bỏ? Có phải là cương lĩnh mới thay đổi cái đó không?”, Phó chủ nhiệm Trần Đình Long ngay lập tức hỏi lại.
Kết thúc hai ngày thảo luận, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc có hiến định rõ vai trò các thành phần kinh tế hay không là vấn đề được tranh luận suốt quá trình xây dựng dự thảo. Và đến bây giờ, cả Trung ương và Quốc hội đều nhất trí với dự thảo ở quy định về chế độ kinh tế. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, muốn để vai trò của từng thành phần kinh tế trong các luật cụ thể, để trong từng chính sách của mình.
Tuy nhiên, dường như ông cũng có chút băn khoăn, khi điểm lại ý kiến nói rằng nếu như không ghi rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước “thì anh bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa chỗ nào? Đây là Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com