Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lợi ích nhóm và ủy ban độc lập

Lợi ích nhóm và ủy ban độc lập
Quan ngại về lợi ích nhóm đã trở đi trở lại ở diễn đàn Quốc hội - Ảnh: CTV.

Có lẽ, chưa có một kỳ họp Quốc hội nào hai cụm từ lợi ích nhóm và ủy ban độc lập lại được nhắc đến nhiều và liên tục như tại diễn đàn của kỳ họp Quốc hội thứ tư.

Lợi ích nhóm, có thể không còn xa lạ trong suy nghĩ và suy đoán của nhiều đại biểu và cử tri, song cụm từ này đã được sử dụng  mạnh dạn hơn sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nêu đích danh “nhóm lợi ích” trong bài phát biểu kết thúc hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 10/10/2011.

Và, ngay ở phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ tư, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, lần đầu tiên xuất hiện cụm từ “lợi ích nhóm” ở quan ngại về những yếu kém trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.

Và, quan ngại này càng dài thêm, sâu sắc hơn với tần suất xuất hiện ngày càng dày ở các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai và cả ở các chất vấn của các vị đại diện cho dân.

Khó có thể liệt kê hết đã có bao nhiêu lần cụm từ lợi ích nhóm với hoàn cảnh xuất hiện của nó, song nếu sử dụng công cụ tìm kiếm một cách đơn giản nhất cũng có thể thấy ngay title của hàng ngàn bài báo có cụm từ này, chỉ riêng ở mối liên quan đến phần giải trình và các phiên chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tại diễn đàn của kỳ họp thứ tư.

Đấy là chưa kể, các chất vấn bằng văn bản được gửi đến Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng gay gắt câu hỏi về lợi ích nhóm. Theo khẳng định của Thống đốc thì lợi ích nhóm đã phát sinh và đã tác động tiêu cực đến sự an toàn, hiệu quả của ngân hàng, nhưng không có lợi ích nhóm trong độc quyền vàng miếng SJC.

Tuy nhiên, các vị nhận được trả lời bằng văn bản chưa dễ đồng ý với ông Bình. Cũng như nhiều đại biểu khác, dù mạnh mẽ lên tiếng về tác động tiêu cực của lợi ích nhóm, song để nhận diện và ngăn chặn tác động không mong muốn từ các nhóm lợi ích thật chẳng hề đơn giản.

Không phải trường hợp nào cũng có mối liên quan, và cũng không hẳn là lý do duy nhất, song lợi ích nhóm hoặc các diễn biến tương tự chính là một trong các nguyên nhân rất quan trọng để liên tục các đề xuất về ủy ban độc lập hay cơ quan chuyên trách mang tính độc lập cao ra đời.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần thành lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Vì ông không tin một bộ, một ngành riêng lẻ có thể lo từ việc tái cơ cấu ngân hàng đến cứu doanh nghiệp…

Còn “ông nghị” Trần Hoàng Ngân lại muốn có ủy ban độc lập để cắt khối u nợ xấu.

Nợ xấu không phải là việc của ngân hàng nữa rồi, vì nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản là bất động sản mà thị trường này đang đóng băng, được bảo đảm bằng uy tín của doanh nghiệp nhà nước mà sau lưng là tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì làm sao thu hồi nợ được, vậy nên cần có ủy ban độc lập, ông Ngân lý giải với VnEconomy.

Đồng lòng nhất, kiên quyết nhất, nhiều phương án nhất chính là ý kiến về một ủy ban độc lập về phòng chống tham nhũng. Với báo cáo công tác phòng chống tham nhũng được đưa lên ngay phiên khai mạc, với quyết tâm thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chỉ trong một kỳ họp, thời lượng để bàn thảo về nội dung này đã được dành đáng kể, với sự sốt ruột của các vị đại biểu đã lên đến cao độ.

Ủy ban này có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước nhưng cần độc lập với Chính phủ là quan điểm được nhiều vị đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Mã Điền Cư thì ủy ban độc lập này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tham nhũng, có quyền đề nghị truy tố đối tượng tham nhũng. “Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Quốc hội, ngân sách do Quốc hội phê duyệt, hoàn toàn độc lập với Chính phủ”.

Nhận định đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng, đại biểu Trần Đình Nhã phác thảo mô hình cơ quan này giống như Kiểm toán Nhà nước, chỉ tập trung xử lý tố giác tội phạm tham nhũng.

Vẫn mạch tư duy phát huy vai trò của các thiết chế độc lập, gần đây nhất,  thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhiều ý kiến đã tán thành rất cao với sự cần thiết thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập cũng như bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Kỳ họp thứ tư đã đi qua ba phần tư thời gian của một tháng làm việc. Lợi ích nhóm, đương nhiên chẳng thể nào có câu trả lời cho thấu đáo. Bởi, lĩnh vực được cho là biểu hiện rõ rệt nhất của vấn đề này là chống tham nhũng, thì như nhận xét của đại biểu Dương Trung Quốc, 7 năm qua tựa như “đánh trận giả”.

Còn ủy ban độc lập, để giải quyết các vấn đề khác nhau, cũng có thể chỉ nằm trong phần tiếp thu giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết các nghị quyết hoặc dự án luật có liên quan.

Nhưng dẫu thế, cử tri vẫn có thể và có quyền hy vọng nhiều hơn vào các vị đại diện của mình, khi nghị trường đã không còn né tránh những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang yêu cầu, đang đòi hỏi.

(Theo Vneconomy)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
  • Bỏ quy định chi tiền phạt bồi dưỡng cảnh sát giao thông
  • “Có chiến tranh, Quốc hội hoạt động thế nào?”
  • Tổng nợ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là bao nhiêu?
  • Lương “khủng” của Petrolimex: “Sẽ báo cáo bằng văn bản”
  • Bộ trưởng lý giải chuyện “thuốc Trung Quốc nhưng giá Mỹ”
  • 6 ngành ngốn gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu
  • Quốc hội chấp thuận tăng lương từ 1/7/2013
  • Đại biểu Quốc hội đề nghị minh bạch chính sách vàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi