Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai

Sau khi thảo luận (ở tổ chiều 22/5) và tại hội trường (sáng 02/6), UBTVQH cho biết về cơ bản các đại biểu QH đều nhất trí với tờ trình  của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra  của Uỷ ban Kinh tế và nội dung của Dự án luật. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến tập trung vào một số vấn đề  như: sự cần thiết, đối tượng được sở hữu nhà, số lượng nhà được sở hữu, quyền và nghĩa vụ của người mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất.

 


Giải trình về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật này và sự ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong nước đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban thường vụ QH cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai vừa là đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của đông đảo bà con kiều bào và nhằm tiếp tục cụ thể hóa cho đầy đủ hơn, toàn diện hơn chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước đối với người VN định cư ở nước ngoài, góp phần tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn bó với quê hương và thuận lợi khi về VN làm ăn sinh sống, tạo tâm lý yên tâm để họ về nước đầu tư kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Hơn nữa việc ban hành Dự án Luật này cũng tạo sự tương thích với các chính sách của nhà nước đối với người nước ngoài được mua nhà và sở hữu nhà ở tại VN theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN.

 


Về ảnh hưởng của dự thảo luật đến thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho biết: hiện nay nguồn cung về nhà ở trong nước là khá lớn, qua thống kê về tình hình phát triển về nhà ở trong 5 năm trở lại đây cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước xây dựng được khoảng 37 triệu m2 nhà ở, riêng năm 2008 cả nước xây dựng được khoảng 50 triệu m2, trong đó tại đô thị là 28 triệu m2, riêng tại TP.Hồ Chí Minh mỗi năm xây dựng được khoảng 5 - 6 triệu m2, Hà Nội gần 2 triệu m2. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy khi Luật này được ban hành thì không phải tất cả hơn 3 triệu người VN định cư ở nước ngoài đều có thể mua nhà ở tại VN, mà chỉ có số đối tượng có nhu cầu, thực sự có năng lực tài chính và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới có thể mua được nhà ở tại VN.


Cùng với nó, Nhà nươc đã ban hành nhiều đạo luật có liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở như các  Luật về thuế (gồm thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp), Luật kinh doanh BĐS và trong thời gian tới QH sẽ xem xét thông qua Luật thuế nhà, đất. Nếu chủ sở hữu có hành vi kinh doanh như mua, bán, cho thuê nhà ở thì phải đăng ký kinh doanh và nộp các loại thuế cho Nhà nước. Mặt khác, trong dự thảo luật cũng đã ghi rõ: chỉ được “sở hữu nhà để bản thân và gia đình sinh sống tại VN”. Theo đó, Chính phủ sẽ phải quy định cụ thể các điều kiện khi chủ sở hữu được bán hoặc cho thuê nhà ở, điều này sẽ hạn chế đối với việc lợi dụng chính sách để đầu cơ, mua đi, bán lại kiếm lời.


Sáng nay 18/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ QH về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ Luật. Với 429 đại biểu tán thành, bằng 87,02%  tổng số số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai./.

 


Điều 126 của Luật nhà ở được sửa đổi, bổ sung như sau:


“Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài


1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:


a) Người có quốc tịch Việt Nam;


b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.


2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

 


Điều 121 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau:


“Điều 121. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam


1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.


2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:


a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này;


b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở  tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;


c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;


d) Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam;


đ) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.”

( Theo Thu Hiền // Báo xây dựng )

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi