Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. |
Cho rằng là một “sáng kiến”, song chưa thể đưa được vào nghị quyết. Đó là câu trả lời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đề nghị dành số tiền 40.000 tỷ đồng có thể vượt thu từ dầu khí để đầu tư cho giao thông của vị “tư lệnh” ngành giao thông vận tải.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 tại phiên họp sáng 10/11 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng “cũng là một sáng kiến cần được xem xét trong quá trình phân bổ ngân sách”.
Tuy nhiên, chưa nên quy định trong nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước nội dung này, vì trên thực tế giá dầu thô diễn biến rất phức tạp, khó lường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, an ninh… trên thế giới.
Do vậy, nếu đưa vào nghị quyết khoản dự ước tăng thu từ giá dầu thô để phân bổ cho một lĩnh vực cụ thể nào đó thì chưa thật hợp lý, khó bảo đảm tính ổn định của quy định.
Mặt khác “không chỉ giao thông mà còn có lĩnh vực khác cũng rất khó khăn như thủy lợi”, Chủ nhiệm Hiển nhấn mạnh.
Trao đổi với VnEconomy, ông Hiển cũng cho biết, trước đây cũng đã có một số ý kiến đề nghị đưa các khoản tăng thu từ dầu thô vào quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc dành để giảm bội chi nhưng khoản này chi như thế nào thì phải được quyết định theo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, đều phát sinh khó khăn nhất định khi đề nghị đưa các khoản tăng thu từ dầu thô vào hai mục đích như ông Hiển đã nêu.
Vì vậy, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận ý kiến của đại biểu để xem xét trong quá trình phân bổ số tăng thu, trong trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung ngân sách cho lĩnh vực giao thông thì sẽ điều chỉnh bằng nghị quyết của Ủy ban theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”, báo cáo nêu rõ.
Nhận xét phần giải thích tại báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “chưa thỏa đáng lắm”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc - một trong hai vị đại biểu tỏ thái độ đồng tình với Bộ trưởng Thăng ngay tại phiên thảo luận về ngân sách - cho rằng cần phân tích sâu hơn những cơ sở của đề nghị đó để câu trả lời thuyết phục hơn.
“Đại biểu - Bộ trưởng Thăng rất cân nhắc mới phát biểu như vậy. Mà theo đề nghị của tôi thì bất cứ ý kiến nào, dù chỉ là của một đại biểu cũng cần được ghi nhận và giải trình thật đầy đủ. Vì đại biểu khi phát biểu không còn là ý kiến cá nhân mà là đại diện cho cả một ngành hay cả khu vực cử tri.
Hơn nữa, Bộ trưởng là đại biểu đặc biệt, đành rằng là thành viên Chính phủ, khi Thủ tướng quyết định rồi, họ chấp hành ý kiến của Chính phủ nhưng họ có quyền bảo lưu ý kiến cá nhân, vì họ không chỉ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng mà còn chịu trách nhiệm trước Quốc hội nữa”, ông Phúc nhấn mạnh.
Từ câu chuyện cụ thể về đề nghị của Bộ trưởng Thăng, ông Phúc cũng cho rằng nếu ý kiến đó được thảo luận rồi thấy xác đáng thì có thể tiếp thu, nếu không tiếp thu được toàn bộ mà có thể được một phần thì rất hay.
Bởi cơ sở để Bộ trưởng Thăng đề xuất tăng vốn cho giao thông chính là khả năng có thể tăng thu từ dầu thô.
Ông Thăng cho biết, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) thì giá dầu thô tính bình quân của 10 tháng, cũng như dự kiến của hai tháng cuối năm tháng 11, tháng 12 dự kiến là 115 USD/thùng, so sánh với giá tính trong báo cáo là 102 USD/thùng là chênh 13 USD. Vì vậy nếu tính đủ 115 USD/thùng thì tổng thu ngân sách của năm 2011 sẽ tăng thêm gần 30.000 tỷ đồng.
Với năm 2012 giá dầu dự kiến là 85 USD/thùng nhưng theo tính toán của Petro Vietnam cũng như công tác dự báo thì dự kiến sẽ khoảng trên 100 USD/thùng. Tính hệ số an toàn thì khoảng 90 USD/thùng, như vậy sẽ chênh 5 USD/thùng và tăng thêm được khoảng 11.500 tỷ. Như vậy tổng số thu của hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Với thông tin này, Phó chủ nhiệm Phúc cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách nếu thấy sát thực tế thì có thể điều chỉnh để có thể có số thu sát hơn và đưa vào ngân sách. Vì thường Chính phủ dự toán giá dầu ở mức an toàn, song chỉ cần điều chỉnh 1 USD/thùng thì đã tăng hàng nghìn tỷ đồng rồi.
“Trước đây, có lúc làm dự toán ngân sách, Chính phủ dự kiến về giá dầu hơi thấp, sau đó Ủy ban chuyên môn của Quốc hội đề nghị tăng lên thì Chính phủ cũng nghe”, ông Phúc nhớ lại.
Việc thay đổi cách tính giá dầu, cũng theo ông Phúc là một trong vài thứ mà có thể bàn ở Quốc hội chứ “không bao giờ có thể ra hội trường làm ngân sách được”.
“Vì Quốc hội đã quyết định ngân sách ngay từ khi ban hành luật và cùng Chính phủ ban hành tiêu chí, vì vậy các khoản thu đã định hình trong luật còn phân bổ ngân sách thì theo tiêu chí định mức rồi”, ông Phúc nói.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com