Quản lý bằng hành động - bài học từ nước ngoài
![]() |
GS. Chu Hảo: Quản lý cần bằng hành động, chứ không phải dựa trên chủ trương và nghị quyết. Ảnh: Cao Nhật |
Câu chuyện thứ nhất:
Những năm 70, Tổng thống Park Chung hee có một cuộc gặp với Huyndai. Ông nói:
- Trong phủ tổng thống, người ta nói phải phát triển công nghệ tàu thủy để đón đầu thế giới trong tương lai. Tôi nghe nói anh là người tài, vậy trong vòng 1 tháng, anh viết cho tôi chiến lược phát triển tàu thủy trong 2 năm tới của đất nước.
Một tháng sau, ông Huyndai lên trả lời với Tổng thống là không làm được.
- Tôi tưởng anh là người tài như người ta nói. Vậy hóa ra không phải? - Tổng thống nói.
Một tuần sau, Huyndai mang lên trình Tổng thống đề án xây dựng ngành đóng tàu cho Hàn Quốc trong 2 năm.
Hai năm sau, 2 con tàu trọng tải lớn nhất lúc đó được hoàn thành, nhưng người đặt mua từ chối mua lại con tàu. Huyndai đứng trước nguy cơ phá sản do đã vay vốn để đóng tàu. Ông lo ngại lên gặp Tổng thống. Park Chung hee vỗ vai ông, nói: "Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đất nước giao. Việc còn lại là của tôi".
Sau đó, Tổng thống Park Chung hee trình lên quốc hội, xin nhà nước bỏ tiền ra mua 2 con tàu đó, giao lại cho Huyndai kinh doanh.
Ngành đóng tàu của Hàn Quốc đã cất cánh bằng một quyết định như thế, một cách đầu tư như thế.
![]() |
Nghiên cứu khoa học ở khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: VietNamNet |
Câu chuyện thứ 2:
Lúc Lý Quang Diệu lên cầm quyền ở Singapore, ông dẫn một đoàn đi một vòng các thành phố lớn để học cách quy hoạch đất nước mình. Về nước thảo luận, ông đưa ra kết luận: người ta xây dựng công viên trong thành phố, còn chúng ta sẽ xây dựng thành phố trong công viên.
Ngay từ đó, Singapore đã có chế độ quản lý cây cối cực kì chi tiết và cẩn thận. Tất cả các cây đều nằm trên danh bạ quản lý. Một hôm, Lý Quang Diệu dừng ở chỗ nào đó, gọi điện cho một cán bộ môi trường: có một cái cây ở chỗ ấy bị vàng mấy cành, sắp chết.
Anh cán bộ môi trường tra ngay trên máy tính lý lịch cái cây nọ và có chế độ chăm sóc kịp thời. Toàn đất nước Singapore là một công viên, và người ta đã xây dựng thành phố trong công viên đó.
Đó là những bài học về quản lý bằng hành động, chứ không phải quản lý dựa trên chủ trương và nghị quyết.
Ở ta, chủ trương táo bạo - kết quả nghèo nàn
Chủ trương "Cùng với giáo dục, coi Khoa học và công nghệ (KH &CN) là quốc sách hàng đầu" được chính thức bắt đầu từ Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII (12/1996).
5 quan điểm chủ đạo trong Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII rất "tròn trịa": KH&CN là quốc sách hàng đầu; Là nội dung then chốt của phát triển; Là sự nghiệp cách mạng của quần chúng; Phát huy nội lực kết hợp với tiếp thu từ ngoài; Gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
![]() |
Quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: metvuong.com |
Có thể nói những điểm trên là rất táo bạo. Nếu thực hiện đúng, KH&CN sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển. Nhưng thực tế thì KH&CN đã không là "quốc sách hàng đầu", thể hiện trên tất cả các mặt.
Các mục tiêu chính của Nghị quyết này là: 1. Xây dựng lý luận CNXH của VN; 2. Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng có định hướng: nhập khẩu và nắm vững công nghệ nền tảng (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...); 3. Đến 2020 công nghệ sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; 4. Đến 2020 có một số phòng thí nghiệm viện nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Mục tiêu thứ nhất - Xây dựng lý luận CNXH của VN - có thể nói là không đạt được. Đã hơn hai nhiệm kì 5 năm, những câu hỏi lớn là: Sau khi Liên Xô và hệ thống cũ sụp đổ, thì mô hình đích thực VN đi theo là gì? Và con đường đi đến đó như thế nào? - Vẫn không ai trả lời được. Ta đã không theo mô hình cũ với các đặc điểm như: công hữu, chuyên chính vô sản, kế hoạch hóa tập trung, phân phối theo lao động... Nhưng mô hình mới đang xây dựng là gì thì chưa có văn bản nào nói rõ. Đó là một đại vấn đề.
Mục tiêu thứ 3 và thứ 4 thì còn quá xa vời.
Cho đến nay, trình độ công nghệ VN vẫn ở trong giai đoạn 1 - quá trình tích tụ công nghệ, sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn của người nước ngoài. So với hơn 100 nền kinh tế, trình độ của ta thuộc nhóm xếp hạng thấp nhất, từ bậc 80 trở lên, tính cho đến 2004.
Tất cả các trường Đại học VN có số bài báo công bố quốc tế ít hơn 1 trường đại học của Thái Lan (Chulalongkorn, Mahidol..). Số đăng kí giải pháp, sáng chế phát minh hiện nay tại VN chủ yếu là của nước ngoài, còn của người VN chỉ chiếm khoảng 15% tổng số.
Thành tích nổi bật của KH&CN VN từ năm 2000 đến nay là tạo ra 142 giống cây trồng mới, nhiều giống thủy sản mới và làm chủ một số công nghệ, đơn giản hóa công việc của người nông dân và đưa lại những hiệu quả trực tiếp cũng như các hiệu quả tiềm năng (như tạo giống cây mới, giải mã gen H5N1...). Từ năm 1996 đến 2005 có 140 kết quả ứng dụng tiến bộ KH&CN bao gồm các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và y tế.
Đầu tư không hiệu quả
Bắt đầu từ năm 2001, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN là 2,1%, năm 2008 là : 2,04%
Trong cơ cấu đầu tư cho KH&CN ở VN có 2 loại: đầu tư phát triển (đề tài nghiên cứu, mua sắm thiết bị...) và chi thường xuyên (đầu tư cho bộ máy, lương, sửa chữa xây dựng, đào tạo...). Ngược với nước phát triển, khoản chi lương cho bộ máy của ta quá nhiều so với các khoản chi cho đầu tư phát triển.
Bức tranh đầu tư trên giấy là 2% ngân sách nhà nước, nhưng địa phương rất ít thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư cho phát triển phân bố cho các cơ quan TƯ nhiều hơn địa phương. Không có địa phương nào chi đủ mức quy định cho KH&CN (2%), nhiều lắm cũng chỉ là 1%. Đối với ngân sách từ TƯ đưa xuống, địa phương cũng chỉ chi nhiều nhất cho KH&CN là 85%.
Chúng ta có chủ trương lớn để xây dựng: một số phòng thí nghiệm trọng điểm - trung tâm nghiên cứu mạnh, làm chỗ dựa cho nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, phát triển công nghệ nền. Nhưng thực tế chưa thấy rõ kết quả của các phòng thí nghiệm này.
Số vốn lớn được đổ vào các doanh nghiệp quốc doanh, trong khi các doanh nghiệp này chưa có nhu cầu thực sự đến KH&CN. Trái lại, khu vực doanh nghiệp tư có nhu cầu và có đủ năng lực tiếp thu công nghệ mới thì không có đủ vốn để đầu tư. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhập một dây chuyền công nghệ có lợi hơn là đặt hàng cho các nhà khoa học trong nước.
KH&CN có trở thành quốc sách hàng đầu hay không, không đơn giản chỉ là các chủ trương trên giấy. Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược phải chỉ đạo thực hiện.
Quản lý KH&CN nặng tính hành chính
Quản lý KH&CN của chúng ta mang nặng tính hành chính và cơ chế xin cho.
Đã có những đề nghị xóa hết chương trình đề tài cấp nhà nước, chỉ thành lập quỹ phát triển KH&CN như của Mỹ, hoạt động không theo niên hạn, có ban thư kí xét duyệt và xếp hạng. Từ đó, vốn phải rót trực tiếp cho người có đề án, chứ không phải qua hàng chục khâu trung gian khác. Hiện nay, Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia đã được thành lập - theo một cách đại trà, không giống như đề nghị, và chưa đi vào hoạt động chính thức.
Nghị định 115 về tự chủ tài chính cho nghiên cứu khoa học được nhiều người cho là chỉ khuyến khích các nghiên cứu mỳ ăn liền, còn về lâu dài là tiêu diệt các nghiên cứu căn bản.
Bên cạnh đó, chủ trương đưa các viện nghiên cứu về các trường đại học - biến trường đại học thành một môi trường nghiên cứu chuyên sâu, khoa học - đã không thực hiện được, do các nguyên nhân về biên chế nhân sự và chế độ tiền lương.
(trình bày tại Hội thảo "10 năm khoa học và công nghệ Việt Nam", Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ngày 19/12/2008)
Vừa qua tôi nghe tin Viện khoa học xã hội được Huân chương Sao vàng. Theo logic thì khoa học xã hội của ta phải đến mức nào đó nên Viện mới được Huân chương Sao vàng chứ?! Hay ta phải hiểu khác như thế nào? Phải nhìn nhận rằng, đại đa số những người từng đi học Liên Xô trước kia trở về, khi được giao nhiệm vụ quản lý, đã từ bỏ luôn công tác làm khoa học. Thủ tướng Nga Putin nói với nhân dân Nga: "Có hai thứ làm hại chúng ta: tham nhũng và thiếu chuyên nghiệp". Có lẽ ở VN cũng thế. Thử hỏi có nước nào nhiều tham nhũng mà nước đó lên được không? Còn những nước thụt lùi thì tình hình tham nhũng nặng thế nào? Trong khoa học và giáo dục, để tham nhũng "bước vào" thì khoa học chỉ có thể "bước ra" thôi. Bao nhiêu năm KH&CN nước nhà yếu kém là do lỗi ở đâu? Sâu xa là do bộ máy lãnh đạo quản lý khoa học, từ sau thời Tạ Quang Bửu, không thấy có người nào giỏi cả. Tạ Quang Bửu không có phát minh về bất cứ ngành khoa học nào, nhưng ông là một học giả, một nhà quả lý khoa học tuyệt vời. Chúng ta chưa có lại được một nhà quản lý khoa học như thế nữa. |
(Theo báo VietNamNet)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com