Với nhiều người, tiếng chuông reng reng của điện thoại quay số trở thành một biểu tượng của dĩ vãng. Nhưng với một số người, thanh âm xưa cũ ấy vẫn vang lên mỗi ngày như một nguồn sống không thể xa rời…
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, trú tại Khu tập thể Kim Liên, Hà Nội, được coi là người khơi nguồn cho một thú chơi mới ở Thủ đô: sưu tầm điện thoại quay số.
Đây là thú chơi khá kén người bởi không phải ai cũng hiểu được vẻ đẹp của các thiết kế cổ điển, của động tác quay số khoan thai với tiếng rọt rẹt từ bàn quay và đặc biệt là những tiếng chuông như xoáy vào ký ức.
“Những âm thanh rất đỗi tự nhiên này đưa tôi trở về với cảm giác êm đềm hồi trẻ con, khi còn được nắn nót quay vòng quay số”, anh Sơn tâm sự.Một tủ điện thoại quay số ở nhà anh Sơn.
Người trẻ chơi điện thoại cũ Chiếc bên trái là “sừng hươu” GZ 9 do Trung Quốc sản xuất năm 1960 phỏng theo mẫu mã của người Anh để lại. Chiếc bên phải là “sừng hươu” Đức W38 sản xuất trong giai đoạn 1950-1955, có giá gấp đôi. “Sừng hươu” là loại điện thoại được dân sưu tầm rất ưa chuộng vì dáng vẻ cổ điển đầy quyến rũ. Những chiếc máy này thường có tuổi thọ trên dưới 50 năm. Chiếc “Nga lùn” này được xuất xưởng ở Liên Xô năm 1978. Ngoài “Nga lùn”, hàng Liên Xô còn có Nga tròn, Nga cao, Nga treo tường và Nga không quay số (loại điện thoại dùng cho các mạng nội bộ). Điện thoại treo tường Contempra xuất xưởng năm 1970 tại Canada có kiểu dáng khá cách tân. Chiếc điện thoại màu vàng ở giữa được sản xuất tại Úc, một xuất xứ rất hiếm gặp ở Việt Nam. Ở hai bên là 2 chiếc Ericson của Thụy Điển. Chiếc điện thoại WE này có 2 màu đen trắng. Đó là 1 trong serie gồm 12 màu điện thoại khác nhau, xuất xưởng năm 1965 tại Mỹ. Chiếc điện thoại có vẻ ngoài giản dị này được gọi nôm na là Nhật “chuông thanh”. Thay vì sử dụng chuông gõ dạng quả, nó sử dụng hệ chuông gồm hai thanh kim loại hoạt động theo nguyên lý kéo - đẩy những cánh tay đòn. Ngoài nấc chỉnh cường độ chuông kêu to hay nhỏ như các điện thoại khác, nó còn có cả nấc chỉnh âm thanh chuông trầm hoặc bổng. Máy tổng đài RFT của Đức có thêm một số nút bấm phục vụ công tác quản lý đường dây. Chiếc điện thoại Mỹ này đã “tiến hóa” từ hệ quay số sang hệ bấm nút, nhưng vẫn giữ bộ chuông cơ khí có âm thanh trong trẻo và thiết kế kiểu cổ điển. Ruột của chiếc “sừng hươu” này đã trở thành linh kiện thay thế giúp nhiều chiếc “sừng hươu” khác được hồi sinh.
Ra đời từ thập niên 80 trở về trước, những chiếc điện thoại quay số hoạt động trên hệ analog theo nguyên lý đếm số theo chu kỳ, sử dụng hệ thống âm thanh chuông gõ bằng rơle từ tính. Điện thoại kiểu này vẫn tương thích với mạng điện thoại cố định ngày nay.
Bắt đầu sưu tầm điện thoại quay số từ 6 năm trước, anh Sơn có lúc sở hữu trên 400 chiếc. Chia sẻ dần với những người cùng sở thích, giờ đây anh còn khoảng 100 cái. Bù lại, hội những người chơi điện thoại quay số ở Hà Nội lên đến con số 30. Nhiều “tay chơi” trong số họ còn trẻ, có người đang là sinh viên.
Vào chiều thứ 7, căn hộ của anh Sơn trở thành điểm đến của hàng chục anh em yêu thích điện thoại cổ. Họ hào hứng trao đổi về những mẫu điện thoại mới sưu tầm được, về kinh nghiệm sửa chữa…
Điện thoại quay số có mặt tại Việt Nam được sản xuất ở nhiều quốc gia. Mỗi nước có nhiều dòng điện thoại tùy từng hàng hãng và từng thời kỳ. Mỗi dòng điện thoại lại có những màu sắc khác nhau… Sở hữu một bộ sưu tập hoàn chỉnh là một điều không tưởng, nhưng những “tay chơi” vẫn không ngơi tìm kiếm, sửa chữa điện thoại quay số.
Đồ cổ “ngủ” trong hàng đồng nát
Nguồn cung cấp điện thoại quay số cho giới sưu tầm chủ yếu là những người thu mua phế liệu. "Nếu may mắn, có thể bới được chiếc điện thoại ưng ý từ những điểm tập kết đồng nát với giá khá rẻ. Nếu không sẽ phải mua lại từ tay những tay buôn đồ cũ ở chợ Trời với giá cao hơn nhiều", anh Sơn cho biết.
Hiếm có chiếc điện thoại “đồng nát” nào còn nguyên vẹn 100%, nhưng cũng chẳng có cái nào là bỏ đi hoàn toàn vì ít ra cũng vớt vát được một vài linh kiện nào đó. Cứ ba cái đem về từ hàng đồng nát, qua quá trình kiểm định, tháo lắp, sửa chữa, anh Sơn sẽ cho ra đời một chiếc điện thoại “sống”.
Từ một món đồ bị bán tống bán tháo cho các bà đồng nát, điện thoại quay số được tái sinh, trở thành món đồ giá trị. Loại phổ thông của Nga và Nhật Bản có giá từ 200.000 đồng trở lên, trong khi điện thoại “sừng hươu” của Đức đắt gấp 10. Hàng “độc” có giá đặc biệt.
Theo anh Sơn, so với điện thoại đời mới hoạt động bằng hệ bấm số và chuông điện tử thì điện thoại quay số bền hơn rất nhiều do hoạt động chủ yếu theo nguyên lý cơ học, trừ một vài dòng như điện thoại RFT của Đức không phù hợp với điều kiện ẩm ướt của khí hậu nhiệt đới.
Linh hồn của điện thoại quay số luôn luôn là tiếng chuông. Phần lớn sản phẩm xưa cũ này có chuông dạng quả làm bằng đồng. Chỉ có một vài ngoại lệ, như "sừng hươu" W38 có chuông thủy tinh, một dòng điện thoại của Nhật Bản có chuông dạng thanh...
Mỗi dòng điện thoại có một tiếng chuông riêng. Say mê với những âm thanh mộc mạc này, giờ đây chỉ cần nghe chuông đổ, anh Sơn cũng có thể biết điện thoại thuộc dòng nào, xuất xứ từ đâu…
Tiếng chuông của những chiếc điện thoại cũ kỹ đem lại vẻ sinh động và cảm giác mới mẻ trong thời đại kỹ thuật số.
Sau đây là hình ảnh một số mẫu điện thoại cổ:
(Theo Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com