Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các ngành công nghiệp tăng tốc sản xuất, đón đầu cơ hội

Vừa hết tết, không khí hoạt động sản xuất tại hầu hết doanh nghiệp đã trở nên khẩn trương. Hàng loạt đơn hàng được cấp tốc triển khai nhằm đảm bảo tiến độ hợp đồng xuất khẩu ngay những ngày đầu xuân đang dự báo tín hiệu lạc quan cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp.

Được đi làm sớm...

Công nhân Công ty dệt may Gia Định sản xuất vải may màn cửa, màn trang trí. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Sáng mùng 9 Tết (nhằm ngày 3-2), tại Nhà máy tinh chế đồ gỗ xuất khẩu Satimex thuộc Công ty cổ phần Satimex có hơn 1.200 công nhân (CN) của 9 phân xưởng đã tập trung đúng lịch làm việc. Sau ít phút hỏi thăm, chúc nhau năm mới những điều tốt lành và nhận lì xì từ lãnh đạo nhà máy, các CN ai nấy trở về vị trí làm việc.

“Năm nay kinh tế khó khăn, nhiều CN ở những công ty sản xuất đồ gỗ bị mất việc, mà công ty tụi em lại có đơn hàng làm gấp từ đầu năm nên ai cũng mừng. Do đó dù còn ảnh hưởng của không khí tết nhưng ai cũng hào hứng làm việc”, CN Nguyễn Chí Thanh, phụ trách bộ phận lắp ráp thành phẩm ở xưởng 4, Nhà máy Satimex vừa đưa tay quẹt mồ hôi trán vừa hồ hởi nói.

Kế bên xưởng lắp ráp thành phẩm là xưởng sơn, có khoảng 200 CN tay đeo găng, miệng mang khẩu trang để ngăn bụi gỗ, sơn nhưng vẫn vui vẻ cười đùa, kể với cho nhau nghe những câu chuyện ở quê nhà sau những ngày về tết gặp lại…

Ông Nguyễn Văn Chính, phụ trách nhân sự Nhà máy Satimex cho biết, so với các năm trước, năm nay số lao động trở lại làm việc sau tết đúng lịch khá đông, hơn 95%. Chỉ số ít CN quê xa tận miền Trung, Bắc vì đón xe, tàu khó khăn nên xin phép trễ 1 - 2 ngày.

“Có nhiều đơn hàng như bàn, kệ học sinh… xuất đi Nhật vào đầu tháng 2-2009, do đó ngay sau ngày khai trương nhà máy phải tổ chức lao động tăng ca để đảm bảo tiến độ giao hàng theo hợp đồng”, ông Nguyễn Văn Chính nói.

Tương tự, Chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở Công ty Dệt may Gia Định Liêu Sanh Thu Cúc cho biết, theo báo cáo, 14 đơn vị thành viên với hơn 14.000 lao động đều đã đồng loạt ra quân sản xuất.

Trong đó, ghi nhận tại 3 phân xưởng với gần 500 CN của Công ty cổ phần Dệt may Gia Định Phong Phú trực thuộc Công ty Dệt may Gia Định, không khí làm việc diễn ra khá khẩn trương. Khoảng 100 CN xưởng may chỉ được nghỉ ăn trưa trong vòng 1 giờ đồng hồ, sau đó trở lại làm việc bình thường. Xưởng dệt sát bên tiếng máy vẫn hoạt động đều, còn CN trực thay cho nhau để tranh thủ ăn trưa…

Giám đốc Xí nghiệp May Quang Trung thuộc Công ty cổ phần Dệt may Gia Định Phong Phú Kim Mạnh Tuấn cho biết, đơn vị đang tập trung làm gấp đơn hàng áo thun trị giá hơn 70.000 USD xuất khẩu đi Mỹ, Anh, Nhật trong tháng 2-2009, do đó phải tăng cường làm việc để giao hàng đúng hẹn cho khách hàng.

Không lo thiếu đơn hàng

Theo ông Bùi Ngọc Qưới, Giám đốc Satimex, kinh tế thế giới suy thoái là khó khăn, thách thức chung cho ngành kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu gỗ vẫn có nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là hiện nay giá vật liệu giảm mạnh, đồng Việt Nam khá mạnh so với USD. Mặt khác, Việt Nam vẫn là nước có thị phần xuất khẩu gỗ khá cao.

Trong khi đó, nếu đem thực lực của sản phẩm gỗ trong nước so với Trung Quốc - nước có mặt hàng xuất khẩu gỗ tương đối cao-về mặt chất lượng, giá cả thì chúng ta hoàn toàn tự tin, nếu không muốn nói là hơn hẳn họ. Đơn cử, những khách hàng rất khó tính như Nhật, Mỹ… đều chấp nhận sản phẩm của chúng ta với những đơn hàng rất lớn, phục vụ cho hầu hết lĩnh vực từ trang thiết bị trong trường học như tủ, kệ…, đến nội thất khách sạn cao cấp 4-5 sao.

Ông Qưới cũng cho hay, ngay đầu năm, đơn vị đã ký được hợp đồng 200.000 USD xuất khẩu nội thất sang thị trường Mỹ, nâng số đơn hàng hiện có lên khoảng trên 2,4 triệu USD, trong đó Nhật chiếm 70%, Mỹ 30%, đủ hàng sản xuất đến hết tháng 4-2009. Ngoài ra, công ty cũng đang đàm phán khá nhiều đơn hàng xuất khẩu và đạt được những khả quan bước đầu.

Ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch HĐQT Imeco cũng rất lạc quan khi cho biết, đơn vị đã ký được đơn hàng đủ sản xuất đến hết tháng 6-2009. Theo ông Hải, năm 2009 rất thuận lợi cho ngành sản xuất cơ khí, bởi hiện nay việc cho vay đối với ngành này khá “dễ thở”, đến 85% giá trị hợp đồng.

“Chúng tôi không lo thiếu đơn hàng. Ngược lại, chúng tôi mong các doanh nghiệp cơ khí liên kết với nhau chặt chẽ hơn để có thể làm vệ tinh, chia sẻ cho nhau khi cần sản xuất những đơn hàng lớn, gấp”, ông Hải khẳng định.

Trong khi đó, bà Thanh Thị Huệ, Phó TGĐ Gia Định cũng cho rằng, nếu làm tốt việc đánh giá, rà soát lại thị trường, khách hàng truyền thống thì cơ hội cho doanh nghiệp vẫn rất lớn đối với ngành dệt may, đan thêu…

(Theo báo Sài gòn giải phóng)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Giấy hạ giá tới mức tối thiểu để kích cầu
  • Phát triển các ngành CN có lợi thế cạnh tranh
  • Sử dụng giấy phế liệu làm nguyên liệu chính cho ngành giấy
  • Tính chỉ số phát triển công nghiệp theo phương pháp mới
  • Tiết kiệm chi phí trong sản xuất giấy
  • Năm 2009, ngành Công Thương phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 18-19%
  • Thành lập trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp
  • Tính chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp theo cách mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container