Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sử dụng giấy phế liệu làm nguyên liệu chính cho ngành giấy

Theo Hiệp hội bột giấy và giấy Việt Nam, giải pháp sử dụng giấy phế liệu làm nguyên liệu chủ yếu cho ngành sản xuất giấy hiện đang được các doanh nghiệp (DN) trong ngành lựa chọn. Không chỉ mang lại cho DN lợi ích về mặt kinh tế như giảm chi phí sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu... mà việc tái chế giấy phế liệu còn có tác động tốt đến môi trường, tiết kiệm năng lượng...

Theo tính toán, nếu sử dụng nguyên liệu giấy phế liệu cho sản xuất giấy thì một tấn giấy sẽ giữ được 17 cây gỗ, 1.700 lít dầu, 26,5 m3 nước và 3,3 m3 đất để chôn lấp chất thải. Các chuyên gia trong ngành giấy cho rằng, giấy có thể tái chế sáu lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ nên lợi ích về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường là rất lớn. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các DN sản xuất giấy, đó là làm thế nào để thu gom được nguồn nguyên liệu một cách có hiệu quả. Trên thực tế, hiện cách thu gom phổ biến nhất vẫn là qua hệ thống thu mua phế liệu đơn lẻ như những người thu gom riêng lẻ, các công ty vệ sinh, những người bới rác, các trạm thu mua trung gian, chứ chưa có công ty chuyên doanh giấy thu hồi.

 

Thống kê năm 2008 cho thấy, giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính để sản xuất giấy (giấy làm bao bì, giấy in báo, giấy tissue...) chiếm 70% trong tổng số nguyên liệu  sử dụng của ngành giấy, trong đó thu gom trong nước 50% và nhập khẩu 50%. Mặc dù chiếm khối lượng lớn trong nguồn nguyên liệu sản xuất giấy nhưng đến nay, nước ta chưa có bất kỳ quy định nào về thu gom và tái chế các vật liệu có thể tái chế được, kể cả giấy đã qua sử dụng, trừ phong trào "Kế hoạch nhỏ". Chính vì thế, nước ta mới chỉ tái chế được 25% giấy tiêu dùng trong nước. Mặc dù được đánh giá việc tái chế giấy mang lại nhiều lợi ích nhưng đáng tiếc là trong Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, được phê duyệt năm 2007, vấn đề thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng cũng chưa được coi trọng.

 

Tại một cuộc hội thảo bàn về vấn đề làm thế nào để sử dụng nguồn giấy phế liệu trở thành nguyên liệu chính trong sản xuất giấy, các DN sản xuất giấy trong nước đều có chung trăn trở về việc tỷ lệ giấy đã sử dụng thu hồi được so với tổng lượng giấy tiêu dùng còn quá thấp, chỉ ở mức 24-25% và tỷ lệ giấy phế liệu thu hồi trong nước so với giấy phế liệu nhập khẩu chỉ ở mức 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do cách hợp thức hóa trong chi phí sản xuất đối với việc mua giấy loại thu gom trong nước còn nhiều bất cập, chỉ những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ có thể chấp nhận được. Các cơ sở sản xuất quy mô lớn cho rằng, thà mua giấy phế liệu nhập khẩu, dù đắt nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao hơn về thời gian và chi phí (vì có hóa đơn GTGT khi nhập hàng). Hơn nữa, chất lượng giấy phế liệu nhập khẩu cao hơn giấy phế liệu trong nước, số lượng ổn định, mà giá không cao hơn nhiều. Mặt khác ở các nước xuất khẩu, giấy phế thải đều có tiêu chuẩn về giấy loại, chủ yếu dùng trong giao dịch thương mại (phục vụ mục đích tái chế) và ngăn cản chất thải không thể tái chế. Phần lớn tiêu chuẩn giấy thu gom của các nước đều tương đồng và thịnh hành nhất là tiêu chuẩn Mỹ (nước xuất khẩu giấy thu gom lớn nhất thế giới), của EU và Nhật Bản.

 

Mặc dù lượng giấy phế thải thu gom trong nước và nhập khẩu hiện chiếm tới 70% tổng lượng nguyên liệu dùng để sản xuất giấy ở Việt Nam nhưng đây vẫn là tỷ lệ thấp nhất trong ASEAN và tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở nước ta cũng thuộc loại thấp nhất, chỉ đạt 25%. Theo Hiệp hội bột giấy và giấy Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, nhiều dây chuyền hiện đại, đồng bộ sản xuất bột từ giấy phế liệu được lắp đặt ở Việt Nam (công suất 160.000 tấn/năm). Năm 2009 sẽ đưa vào hoạt động ít nhất năm dây chuyền sản xuất mới với tổng công suất 190.000 tấn/năm. Những dây chuyền cũ sẽ được nâng cấp chủ yếu tăng cường khâu nghiền, sàng bột và tách xơ sợi, đem lại hiệu suất bột cao hơn và chất lượng bột tốt hơn. Việc đầu tư mới và nâng cấp hệ thống dây chuyền trên tạo điều kiện sử dụng giấy loại thu gom trong nước nhiều hơn, nâng cao chất lượng bột giấy và sẽ kích thích việc thu gom giấy phế liệu trong nước.

 

Các DN sản xuất giấy trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn do giá giấy trên thế giới giảm mạnh, nhu cầu sử dụng giấy cũng giảm nên hầu hết các DN đều giảm sản lượng từ 30% đến 50%. Trong bối cảnh này, việc sử dụng giấy phế liệu làm nguyên liệu chủ yếu thay thế cho các nguồn nguyên liệu khác sẽ giúp các DN ngành giấy giảm được chi phí sản xuất đáng kể. Ðể làm được điều đó, theo Tổng Thư ký Hiệp hội bột giấy và giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo, cần có cách đánh giá lại về giấy phế thải, nên xem giấy phế thải là nguyên liệu sản xuất chứ không phải là rác. Trong Quy hoạch phát triển ngành giấy nên bổ sung nội dung thu gom và tái chế giấy loại. Bên cạnh đó, phải có chính sách khuyến khích thu gom và tái chế giấy phế liệu... Nên chăng có một chương trình quốc gia thu gom và tái chế giấy. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư công  nghệ cao cho quá trình tái chế giấy.

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Tính chỉ số phát triển công nghiệp theo phương pháp mới
  • Tiết kiệm chi phí trong sản xuất giấy
  • Năm 2009, ngành Công Thương phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 18-19%
  • Thành lập trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp
  • Tính chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp theo cách mới
  • Năm 2008: Sản lượng muối đạt 850.000 tấn
  • Cần tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu giấy tái chế để phục vụ ngành giấy trong nước
  • Giấy tái chế-nguyên liệu chính cho ngành giấy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container