Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiết kiệm chi phí trong sản xuất giấy


 
Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước hiện nay là phải giảm tới mức thấp nhất chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu cùng loại.

 
Theo Tổng công ty Giấy Việt Nam, quý 4-2008, sản xuất giấy trong nước chỉ bằng 43% so với quý 3. Mặc dù đã giảm giá bán nhưng lượng giấy tồn kho ở các nhà máy đã lên tới 150 nghìn tấn. Riêng tháng 12-2008, sản xuất giấy trong nước chỉ đạt 31 nghìn tấn, bằng 24% so cùng kỳ năm 2007 và chỉ đạt 24% năng lực sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã ngừng sản xuất, doanh nghiệp lớn chỉ sản xuất cầm chừng ở mức từ 30% đến 40% công suất.

Khó khăn từ nhiều phía

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do từ đầu năm 2008 đến nay, thị trường giấy trên thế giới có nhiều biến động về giá. Sau nhiều năm giá bột, giá giấy tăng vùn vụt và ở mức cao chưa từng có, thì từ tháng 6-2008, giá giấy bắt đầu giảm và giá bột cũng giảm theo.

Từ tháng 7-2008 đến nay, giá bột giảm từ 35 đến 50% tùy từng loại. Giá bột BHKP (gỗ keo) giao ngay ở khu vực châu Á đầu tháng 12-2008 chỉ còn 410 USD/tấn so với 810 USD/tấn tháng 7-2008. Giá hộp các-tông cũ (OCC) từ 240 USD/tấn, nay chỉ còn 70 USD/tấn. Hàng loạt dây chuyền bột giấy trên thế giới, hàng loạt máy xeo (hoặc nhà máy giấy) thuộc đủ chủng loại giấy đóng cửa. Lượng giấy và bột tồn kho trên thế giới đã lên đến khoảng 70 triệu tấn và đã ở mức kỷ lục. Trung Quốc là nước có lượng giấy tồn kho lớn với ước tính khoảng gần 20 triệu tấn. Các thị trường lớn về sản xuất và tiêu thụ giấy đều gặp khó khăn.

Ở nước ta, với quyết định của Bộ Tài chính rút ngắn lộ trình thực hiện cam kết WTO về thuế suất nhập khẩu giấy trước bốn năm (theo cam kết là đến năm 2012), từ ngày 1-9-2008 và tiếp theo từ ngày 15-9-2008 thuế nhập khẩu các loại giấy từ các nước ASEAN đã giảm, thậm chí có loại giảm tới 12%. Ðây chính là lý do khiến một lượng lớn các sản phẩm giấy nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước. Lượng giấy nhập khẩu tăng đột biến với mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt tỷ lệ 70% tổng lượng giấy, giấy sản xuất trong nước chỉ còn chiếm 30%.

Sản xuất giấy trong sáu tháng cuối năm 2008 chỉ bằng 75% sản lượng giấy trong sáu tháng trước đó. So với tháng 7-2008, sản lượng giấy của các tháng từ 8 đến 11 lần lượt là 90%, 69%, 55% và 31%. Sản lượng giấy tháng 12 chỉ bằng 26% so với tháng 7-2008.

Từ cuối năm 2007, nhiều cơ sở sản xuất giấy quy mô nhỏ đóng cửa, sang năm 2008 và nhất là nửa cuối năm 2008 càng có nhiều nhà máy đóng cửa vĩnh viễn hoặc tạm thời. Hầu hết các nhà máy còn sản xuất được đều giảm từ 50 đến 60% sản lượng. Theo thống kê của Hiệp hội Bột giấy và giấy trước tình hình sản xuất trong nước gặp khó khăn phải giảm mạnh sản lượng, cho nên hiện đã có hơn 25 nghìn lao động trong ngành không có việc làm. Theo dự báo, năm 2009 sản xuất giấy trong nước tiếp tục giảm sút, giấy nhập khẩu sẽ lấn át giấy sản xuất trong nước. Ở thời điểm này rất khó đưa ra dự báo chính xác nhưng chắc chắn tình hình sẽ không thể sáng sủa hơn, nếu không có giải pháp. Nguy cơ sụp đổ một ngành sản xuất giấy là rất lớn.

Nỗ lực tiết kiệm chi phí sản xuất

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng
tại Công ty giấy Bãi Bằng.

Có nhiều nguyên nhân khách quan gây nên khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp giấy trong nước, nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm giấy trong nước như chất lượng giấy chưa cao, chưa ổn định, mẫu mã không đẹp...

Dù với nguyên nhân nào thì năm 2009, toàn ngành giấy đề ra mục tiêu lớn đó là triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất để bằng mọi cách sản phẩm giấy sản xuất trong nước phải cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, thoát khỏi cảnh bị động khi hàng nhập khẩu ồ ạt vào và đẩy các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước vào thế "thua ngay trên sân nhà".

Theo Tổng công ty Giấy Việt Nam, có năm lĩnh vực mà toàn ngành đặt ra để tìm giải pháp tiết kiệm chi phí đó là: đầu vào nguyên liệu; năng lượng; nước; chi phí quản lý và chi phí cho mạng lưới tiêu thụ. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng đơn vị để áp dụng theo cách tiết kiệm vấn đề nào trước.

Tại Công ty cổ phần Giấy Tân Mai, một trong những đơn vị lớn ngành giấy, lựa chọn cách tiết kiệm năng lượng được đưa lên hàng đầu. Tân Mai đã đầu tư thay thế động cơ với hiệu suất cao hơn để giảm tiêu hao điện năng. Nâng cao tốc độ chạy máy nhằm tăng hiệu suất sử dụng điện năng, tăng sản lượng. Về vấn đề tiết kiệm nguyên liệu, Tân Mai chọn cách đầu tư dây chuyền thu hồi lại lượng xơ sợi lẫn trong nước thải khi xeo giấy bằng cách sử dụng thiết bị lọc lưới nhiều cấp, vừa tận thu thêm nguồn nguyên liệu, vừa giảm chi phí xử lý nguồn nước thải ra môi trường.

Công ty cổ phần Giấy An Bình chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất bột từ giấy các loại của áo. Dây chuyền này chú trọng đến khâu nghiền, lọc và tách sợi. Những sợi dài trong khi xử lý sẽ được tách  ra khỏi những sợi ngắn và được sử dụng để sản xuất những sản phẩm giấy cao cấp, có giá bán cao hơn.

Ở một số doanh nghiệp như Bãi Bằng, Ðồng Tiến... áp dụng cách tiết kiệm nguyên liệu đầu vào là nước với cách thức bảo lưu nước trong sản xuất giấy. Ðể làm ra được một tấn giấy cần có hơn 300 m3 nước, nếu áp dụng theo cách cũ thì cứ sau mỗi tấn giấy thành phẩm có 300m3 nước bị thải ra môi trường và nhà máy lại phải bổ sung nước để sản xuất tiếp. Hiện Bãi Bằng và nhiều doanh nghiệp khác trong ngành giấy đang áp dụng cách thức đầu tư dây chuyền công nghệ thu hồi lại nước nội vi và ngoại vi để có thể tái sử dụng, nâng cao lượng nước tuần hoàn. Việc tái sử dụng nguồn nước bên cạnh tiết kiệm chi phí cho sản suất (mỗi tấn giấy cần chi phí khoảng 1,2 triệu đồng cho nước) mà còn có lợi là không thải ra môi trường một lượng lớn nước thải với những chất gây hại như COD, BOD, TSS...

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ trước đến nay, thường thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới chỉ chú trọng đến tiết kiệm chi phí trong lĩnh vực nguyên liệu, năng lượng... còn ít quan tâm đến lĩnh vực chi phí cho năng lực quản lý. Trên thực tế, ngoài những doanh nghiệp có quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại  chú trọng đến đội ngũ quản lý, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, làng nghề vẫn quản lý ở quy mô gia đình.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bột giấy và Giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo, trong ngành giấy đang rất thiếu lao động bậc cao, những doanh nghiệp lớn sẵn sàng trả mức lương rất cao để có được lao động đáp ứng được yêu cầu của dây chuyền hiện đại. Hiện tại, một số doanh nghiệp trong ngành giấy  đang phải thuê người nước ngoài vận hành những thiết bị hiện đại hoặc mời các chuyên gia nước ngoài  làm cố vấn cho các dự án  đầu tư với mức lương rất cao. Cách thuê lao động bậc cao của nước ngoài mới chỉ là biện pháp tình thế, về lâu dài cần tìm hướng chủ động trong đào tạo kỹ sư, công nhân bậc cao trong ngành giấy.

Về mạng lưới tiêu thụ, các doanh nghiệp trong ngành giấy làm khá tốt. Hệ thống tiêu thụ được bố trí hợp lý, trải khắp theo đặc thù sản phẩm của từng doanh nghiệp. Công ty Giấy Sài Gòn có hơn 40 điểm tiêu thụ sản phẩm trên cả nước; Công ty Giấy  Việt Trì do đặc thù là sản xuất các sản phẩm bao bì công nghiệp nên hệ thống thu gom và tiêu thụ sản phẩm được bố trí rộng khắp ở các khu công nghiệp lớn... Việc gây dựng và bố trí hợp lý hệ thống mạng lưới tiêu thụ cũng góp phần  quan trọng để các doanh nghiệp tiết kiệm  chi phí chung cho đầu ra sản phẩm.

Ngành giấy đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, năm 2009 được dự báo là một năm không mấy sáng sủa cho các doanh nghiệp giấy trong nước. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ngành giấy rất cần sự giúp đỡ từ các bộ, ngành và cơ quan chức năng về các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp giấy trong nước sẽ vượt qua được khó khăn, giành lại thế chủ động về sản xuất và cung ứng giấy ở thị trường trong nước và tự tin xuất khẩu giấy ra các thị trường khu vực và quốc tế.
 

(Theo nhân dân)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Năm 2009, ngành Công Thương phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 18-19%
  • Thành lập trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp
  • Tính chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp theo cách mới
  • Năm 2008: Sản lượng muối đạt 850.000 tấn
  • Cần tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu giấy tái chế để phục vụ ngành giấy trong nước
  • Giấy tái chế-nguyên liệu chính cho ngành giấy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container