Năm 2009 là năm thứ tư nước ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010, thực hiện nhiều cam kết khi gia nhập WTO. Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế nước ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Vượt lên những khó khăn thách thức, ngành công nghiệp vẫn duy trì được sự phát triển, góp phần quan trọng duy trì mức tăng trưởng kinh tế cả nước.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, năm 2009 nhu cầu tiêu dùng ở thị trường trong nước và ngoài nước đều bị sụt giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và xuất khẩu. Giá cả nhiều loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm tăng đã ảnh hưởng đến sức mua của dân cư. Một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng khiến cho một bộ phận người lao động thiếu việc làm đời sống gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời có Nghị quyết 30/2008/NQ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết 01/2009/NQ-CP đề ra nhiều giải pháp, chính sách quyết liệt nhằm tập trung kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo... Với sự thống nhất, quyết tâm cao trong lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân, nền kinh tế nước ta vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng tuy thấp nhưng vẫn đạt mức khá so với khu vực.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành công thương tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất - lưu thông - tăng cường xuất khẩu. Trong những tháng đầu năm, chịu những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra từ năm 2007, 2008 và kéo dài sang năm 2009, ngành công nghiệp Việt Nam phát triển chậm, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) chỉ tăng 2,7% trong quý I. Tuy nhiên, bước sang quý II, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, công nghiệp Việt Nam cũng khả quan hơn, với tốc độ tăng trưởng GTSXCN đạt 4,6%. Trong quý III, ngành đạt tốc độ tăng trưởng GTSXCN là 6,4% và dự kiến quý IV tăng 9,5%. Như vậy, cả năm 2009 dự kiến sẽ đạt mức tăng 7,2%. Tương ứng với mức tăng này, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sẽ đạt khoảng 3,8% (công nghiệp và xây dựng tăng 5,4%).
Nhiều sản phẩm công nghiệp có mức tăng đáng kể như: điện sản xuất tăng 10,0%; dầu thô khai thác tăng 7,4%; thép cán tăng 5,9%; phân hóa học (đạm, lân,...) tăng 4,0%; xi-măng tăng 19,5%; vải lụa các loại tăng 14,2%; bia các loại tăng 5,4%... đã góp phần đáng kể trong việc bảo đảm cung ứng, đáp ứng đủ nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, cụ thể là các sản phẩm công nghiệp như: than đá, dầu thô, điện, phân bón, thép. Tham gia vào công tác điều tiết thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt hàng cục bộ, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.
Ngành công nghiệp cũng đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có lợi thế xuất khẩu để nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay của Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra, thậm chí còn giảm 9,9% so với năm 2008, chủ yếu do mặt bằng giá xuất khẩu giảm, tuy nhiên đây là mức giảm rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Thị trường trong nước nhìn chung tương đối ổn định và duy trì được nhịp độ phát triển khá cao. Hàng hóa phong phú, bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của sản xuất và đời sống. Thị trường miền núi, hải đảo vẫn được cung cấp các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng đã hạn chế nhập siêu và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường kịp thời, đặc biệt là đối với những mặt hàng trọng yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt giá" trầm trọng và kéo dài
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng và chi tiêu ngân sách năm 2009, phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, Bộ Công thương, các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc bộ đã tích cực rà soát, sắp xếp lại và phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, dự án nhóm A để sớm đưa vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành, như: các dự án thủy điện Pleikrông, Sông Ba Hạ, Sông Côn; tổ máy 1 nhiệt điện Ô Môn, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh, nhiệt điện Sơn Ðộng, nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Nhơn Trạch 1; dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án DAP Hải Phòng (công suất 330.000 tấn/năm); dự án nhà máy bia Mê Linh (công suất 200 triệu lít/năm)... Quan trọng nhất là ngành đã trình Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận và thủy điện Lai Châu, đây là bước khởi đầu để phát triển ngành điện theo hướng mới, mở ra khả năng đáp ứng được cao hơn nữa nhu cầu về điện của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đặc biệt khi chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành cũng bộc lộ một số điểm yếu. Ðó là, tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành thấp, không chỉ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, mà chủ yếu do tỷ lệ gia công trong các sản phẩm công nghiệp quá nhiều, chưa chú trọng đầu tư cho công nghệ để sản xuất sản phẩm chế biến sâu. Việc phụ thuộc nhiều vào những thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, EU) đã làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn khi nhu cầu tại những thị trường này đột ngột suy giảm. Nhiều dự án đầu tư còn chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.
Bước sang năm 2010, dự báo tình hình kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chứa đựng nhiều rủi ro, khó lường. Xu hướng bảo hộ của các nước ngày càng gia tăng. Những vấn đề hậu khủng hoảng như bảo hộ mậu dịch, biến động giá cả, lạm phát, khan hiếm nguyên liệu, năng lượng... có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của những nước đang phát triển như nước ta.
Trong nước, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế năm 2009; các cân đối vĩ mô chưa thật ổn định; hoạt động của hệ thống tài chính còn nhiều rủi ro; lạm phát có nguy cơ tăng lên; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp tuy có được cải thiện nhưng còn ở mức thấp. Năm 2010 cũng là năm nhiều cam kết gia nhập WTO đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam; Hệ thống thương mại trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và kinh doanh trong tình hình mới. Ðây là những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến việc phấn đấu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong năm 2010.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp cũng có nhiều thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển trong năm 2010. Kinh tế thế giới tuy còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, nhưng năm 2010 dự kiến sẽ có cải thiện, chuyển biến tích cực hơn. Nhiều cơ chế, chính sách ban hành đã đi vào cuộc sống, góp phần giải phóng sức sản xuất, huy động nhiều hơn các nguồn lực cho phát triển và giải quyết tốt hơn các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường. Nhờ tích cực đẩy mạnh công tác đầu tư trong những năm trước nên năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã được tăng thêm. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm về hội nhập kinh tế quốc tế thu được trong thời gian vừa qua, nhất là sau khi gia nhập WTO, sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tận dụng tốt hơn lợi thế so sánh, phát huy những mặt tích cực trong quá trình hội nhập. Việc mở rộng các hợp tác song phương của Việt Nam sẽ tạo thêm môi trường và thị trường cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Ðồng thời, cũng phải kể đến thuận lợi quan trọng, đó là sự ổn định chính trị của đất nước và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao là điều kiện rất quan trọng để có thể huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Trên cơ sở tình hình phát triển công nghiệp năm 2009 và những đánh giá về khó khăn và thuận lợi trong năm 2010, ngành công nghiệp đặt ra những mục tiêu phát triển cơ bản trong năm cuối thực hiện kế hoạch năm năm 2006-2010, đó là: Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12% so với năm 2009; Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 6% so với thực hiện năm 2009 (công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%); Ðẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp để góp phần nâng cao xuất khẩu hàng hóa, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hơn 6%; Tiếp tục bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo mục tiêu Chính phủ đề ra (dưới 10%).
Ðể thực hiện được các mục tiêu trong năm 2010, ngành công nghiệp đề ra năm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện:
Một là, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Hai là, các doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế là điện, than mỏ, phân bón, thép xây dựng, động cơ máy móc phục vụ nông nghiệp, ô-tô tải...; một số sản phẩm tiêu dùng như sản phẩm may mặc, giày dép, sữa, dầu thực vật...và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... Tập trung sắp xếp lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu theo hướng có lợi thế, hiệu quả, hướng ra xuất khẩu. Ðồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, tranh thủ hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm chi phí sản xuất, đồng thời tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án để nâng cao năng lực sản xuất trong năm tới.
Ba là, đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu:
Tiếp tục giữ vững các thị trường hiện có bằng cách duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng sang các thị trường tiềm năng; Theo dõi các rào cản thương mại, đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường để thỏa mãn yêu cầu của các thị trường khó tính. Áp dụng mọi biện pháp kỹ thuật-công nghệ và quản lý để hạ giá thành sản xuất, kết hợp với nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đồng vốn; Tiết giảm chi phí hợp lý cần kết hợp với bảo đảm đời sống để người lao động có thể yên tâm phục vụ sản xuất lâu dài, đặc biệt đối với các ngành có sự dịch chuyển lao động lớn hiện nay như dệt may, da giày...
Bốn là, rà soát và quản lý tình hình phát triển ngành theo các quy hoạch đã được xây dựng, có giải pháp đối với những ngành phát triển không theo quy hoạch, tùy theo yêu cầu để có thể bổ sung hoặc xây dựng quy hoạch mới.
Năm là, nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương (Nhân Dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com