Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Đảng bộ huyện về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Phù Cát đã tập trung xây dựng các cụm công nghiệp, mời gọi đầu tư; đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống (LNTT), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn…
Sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu ở Công ty TNHH Phước Thịnh, khu công nghiệp Hòa Hội, Phù Cát. Ảnh: Trần Quang |
Theo ông Nguyễn Đình Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát: Trong năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo tiếp tục củng cố hạ tầng kỹ thuật, mở rộng diện tích cụm công nghiệp (CCN) Gò Mít, giải quyết một số tồn tại trong đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, sử dụng đất và xử lý môi trường. Đến nay, CCN này đã có 23 dự án đầu tư; trong đó, 22 cơ sở đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 320 lao động. Ngoài ra, CCN Cát Nhơn đã cơ bản xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, bước đầu đã thu hút 4 doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư, trong đó có 3 DN đã hoạt động. Huyện đã tập trung thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khu công nghiệp Hòa Hội đợt 1, trên 76 ha với số tiền trên 15 tỉ đồng; hoàn thành thủ tục chi trả đợt 2, trên diện tích 91 ha với số tiền khoảng 23 tỉ đồng; đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích 30 ha. Huyện cũng đã hoàn thành phương án bồi thường GPMB Nhà máy may Nhà Bè tại CCN Cát Trinh.
Bên cạnh đó, huyện Phù Cát đã khôi phục, phát triển các LNTT nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động lúc nông nhàn. Đến nay, tỉnh đã công nhận 8 LNTT trên địa bàn huyện, gồm: làng nghề dệt chiếu cói ở Cát Chánh và Cát Tiến; làng nghề nhang, bánh tráng và nón ngựa ở Cát Tường; làng nghề đan đát Trung Chánh (Cát Minh), Phú Hiệp (Cát Tài); làng nghề bún, bánh tráng An Phong - thị trấn Ngô Mây. Các làng nghề này bước đầu đã được đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, tổ chức các lớp dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cải tiến mẫu mã… tạo điều kiện cho sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Việc tập trung xây dựng các CCN, khôi phục các ngành nghề truyền thống, cùng với những chủ trương khuyến khích thỏa đáng, bước đầu Phù Cát đã thu hút và tạo điều kiện cho 30 DN, trên 1.700 cơ sở sản xuất cá thể và hơn 2 ngàn hộ làm các ngành nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng ngàn lao động ở địa phương.Măc dù, trong điều kiện chịu sự tác động chung của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng trong năm qua, CN-TTCN trên địa bàn cơ bản được duy trì, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện lên trên 186 tỉ đồng, đạt 91,6% kế hoạch, tăng 14,5% so với năm trước…
Có thể nói, phát triển sản xuất CN-TTCN ở Phù Cát trong năm qua, đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, tốc độ phát triển CN-TTCN ở Phù Cát còn chậm so với yêu cầu. CCN Gò Mít chưa phát huy hết hiệu quả. Công tác GPMB tại các khu, CCN còn gặp nhiều khó khăn…
Ông Nguyễn Đình Quảng cho biết: Trong năm 2010, huyện Phù Cát tập trung công tác đền bù, đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Hòa Hội, các CCN Cát Trinh, Cát Nhơn. Tranh thủ các nguồn vốn cấp trên và vốn địa phương để xây dựng hạ tầng và đào tạo nghề cho lao động; tăng cường chỉ đạo các cơ sở đẩy mạnh sản xuất, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện…
(Theo Hoài Trung // Bình Định Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com