Bắt đầu từ ngày 1/1/2009, các sản phẩm da giày Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ không còn được hưởng mức ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Thay vì chịu mức thuế suất 4,5% như hiện nay, giày mũ da xuất khẩu sẽ phải chịu mức thuế mới là 8%, đối với giày giả da từ 7,5-8% lên 11,5% và từ 11,5% lên 17% đối với giày vải.
Trong thời điểm các DN vẫn đang phải chịu thuế chống bán phá giá 10% đối với 33 mã hàng giày có mũ da từ năm 2006, thì việc EU quyết định bỏ ưu đãi thuế quan phổ cập càng làm tăng thêm gánh nặng với các DN trong việc tìm kiếm đơn hàng, bảo đảm duy trì hoạt động, lợi nhuận và thu nhập cho người lao động.
Thực tế, thuế chống bán phá giá đã tác động tiêu cực đến ngành da giày Việt Nam, khiến thị phần xuất khẩu vào EU giảm (66% năm 2004 xuống còn 54% năm 2007). Cộng thêm việc không được hưởng GSP, da giày Việt Nam còn mất lợi thế cạnh tranh về giá (chủ yếu là do nhân công rẻ), người lao động trực tiếp trong ngành có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập.
EU hiện là thị trường lớn nhất của ngành da giày Việt Nam, chiếm tỷ trọng 54-55% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 3,994 tỷ USD, cặp túi xách các loại trên 500 triệu USD. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu giày dép có khả năng đạt 4,5 tỷ USD, cặp túi xách gần 700 triệu USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2007.
Theo bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), các DN trong ngành và Lefaso phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ vụ kiện chống bán phá giá không chỉ trên thị trường các nước EU, mà trên tất cả các thị trường khác. Nhiều DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, khiến người lao động mất việc làm, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác. Người tiêu dùng và những người lao động trong ngành thương mại, dịch vụ tại các nước EU cũng chịu nhiều thiệt hại. Bản thân ngành công nghiệp tại các quốc gia khiếu kiện không cải thiện được tình hình.
TS. Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) nhận định, việc EU quyết định bỏ ưu đãi thuế quan đối với Việt Nam từ ngày 1/1/2009 thực sự là một khó khăn lớn đối với ngành da giày Việt Nam. Theo tính toán sơ bộ, với kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD vào EU mỗi năm và với mức thuế suất trên, các DN sản xuất, xuất khẩu giày dép Việt Nam sẽ thiệt hại một khoản kinh phí không nhỏ.
Trước đây, mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường EU được áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam bằng 70% mức thuế thông thường. Tùy từng chủng loại giày dép, mức thuế được ưu đãi dao động từ 3,5 đến 5,5%. Thời gian qua, ngành da giày đã tiếp nhận sự chuyển dịch sản xuất mạnh mẽ từ các nước trong khu vực, từ các nhà đầu tư nước ngoài do có lợi thế về mức thuế ưu đãi nêu trên.
Vì vậy, khi lợi thế này không còn, sức cạnh tranh và nội lực của các DN sẽ yếu hơn, ngành sẽ phải đối mặt với sức ép từ sự di dời của các nhà đầu tư nước ngoài sang các nước khác, nhiều DN trong nước cũng sẽ đầu tư sang lĩnh vực khác.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cao, đứng thứ ba trong những ngành xuất khẩu lớn, sau dầu thô và dệt may, nhưng thực chất, các DN vẫn chỉ làm gia công là chính. Tuy nhiên, mức giá gia công hiện tại rất thấp, chỉ 1,1 USD/đôi. Nếu DN giữ nguyên mức giá này thì e rằng sẽ khó đảm bảo đủ chi phí đầu vào, nhưng tăng lên thì không chắc giữ được chân khách hàng. Đây là bài toán hóc búa của các DN sản xuất da giày Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, trong tháng 1/2009, đoàn chuyên gia của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ bắt đầu tiến hành điều tra thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam. Ông Bùi Sơn Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, đây là lần rà soát cuối cùng để xem xét việc có dỡ bỏ lệnh chống bán phá giá hay không và dự kiến EC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào giữa năm 2009.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo các DN cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, khai thác triệt để kinh nghiệm làm gia công và lao động rẻ, tăng khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và sản phẩm (tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động...), khôi phục thị trường nội địa vốn bị bỏ ngỏ lâu nay…
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com