Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày có thể đạt 5,4 tỷ USD và đang đứng trong tốp 5 nước xuất khẩu giày lớn trên thế giới. Tuy nhiên, ngành vẫn đối diện nhiều trở ngại.
Ảnh minh họa |
Điều khó khăn của ngành Da giày là phương thức sản xuất vẫn chủ yếu là gia công và lệ thuộc vào nguyên phụ liệu, công nghệ và cả vốn đầu tư từ nước ngoài.
Vẫn còn nhiều bất cập
Trong khi đó, với trên 60% nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu là nguyên liệu chính, giá trị thặng dư mà ngành da giày thu về thực chất không đáng là bao so với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm.
Thực tế này sẽ chưa chấm dứt khi mà nguồn nguyên liệu của ngành da giày Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nước ngoài.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, ngành Da giày không thể làm gia công mãi được mà phải thêm giá trị gia tăng vào mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không phải dễ bởi có tới 90% sản phẩm của ngành được xuất khẩu, trong đó chủ yếu là EU và Bắc Mỹ.
Ngành Da giày cần một nhà máy thuộc da để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, tuy nhiên không địa phương nào cấp phép đầu tư vì ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết nghịch lý trên tại buổi họp báo Hội nghị quốc tế da giày lần thứ 29 tại TP.HCM ngày 18/8 vừa qua. Ông Thuấn cho biết thêm, Chính phủ đã chấp thuận cho Lefaso đầu tư nhà máy thuộc da bằng vốn ODA, song hiệp hội này không thể tìm ra địa điểm để xây dựng nhà máy. Công nghệ thuộc da rất quan trọng với ngành da giày, song hiện rất khó khăn để phát triển, bởi đi tới đâu, ông Thuấn cũng bị cơ quan cấp phép đầu tư từ chối vì lý do ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP. HCM cho rằng, ngành Da giày phải đẩy mạnh đầu tư vào khâu thiết kế. Đây là điểm yếu nhất của ngành hiện nay, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho ngành Da giày của nước ta mặc dù luôn đứng trong tốp 10 nước xuất khẩu da giày hàng đầu thế giới trong khoảng 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chỉ làm gia công.
Theo ông Khánh, việc nâng cao trình độ thiết kế sẽ giúp các doanh nghiệp làm ra những sản phẩm mới có mẫu mã cạnh tranh. Đó mới chính là điều kiện giúp các DN tăng giá thành, tăng lợi nhuận.
Ba giải pháp để phát triển bền vững
Để khắc phục những tồn tại trên, Lefaso vừa trình lên Chính phủ phê duyệt chiến lược mới phát triển ngành từ nay đến năm 2020, với nhiều giải pháp quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nguyên phụ liệu trong nước.
Mục tiêu chiến lược là đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 50% hiện nay lên 60%-70% và đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.
Theo dự kiến, nguồn vốn đầu tư mở rộng năng lực sản xuất từ nay đến năm 2020 khoảng 18.800 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào sản xuất khuôn mẫu, phom, đế và đặc biệt là dự án cơ sở dữ liệu thiết kế thống kê các ni số phom giày từ trẻ em đến người lớn.
Các giải pháp mà Lefaso đề ra là đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Từ chỗ lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường là EU, ngay từ giữa những năm 2000, Mỹ là thị trường được các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam nhắm đến như một thị trường chiến lược với tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, từ mức 20% của năm 2005 đã tăng lên 25,6% vào năm 2009.
Bên cạnh đó, rất nhiều thị trường nhỏ như Đài Loan, Úc, Nam Mỹ, châu Phi, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ... đã được mở ra trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm hóa giải tình trạng lệ thuộc vào một thị trường. Nhóm thị trường nhỏ này đã chiếm đến gần một phần tư thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam.
Giải pháp khác là nâng dần tỷ lệ nguyên liệu nội địa. Cuối những năm 1990, tỷ lệ này chỉ là con số rất khiêm tốn, chưa đến 20%, nhưng đến năm 2009 đã được các chuyên gia trong nước đánh giá là đã đạt những thành quả khá cao.
Cụ thể, các loại nguyên liệu và mức độ mà ngành Da giày Việt Nam đã chủ động được trên 30% các loại nguyên liệu da, giả da, nguyên liệu tổng hợp cho sản phẩm cấp trung; trên 50% các loại phụ liệu như nhãn mác, chỉ, ruy băng, giấy carton tăng cường, các loại keo, dung môi...; trên 70% các loại vải dùng cho các loại giày cấp trung và thấp như canvas, các loại đế giày, gót giày, form giày và bao bì các loại như thùng, hộp, bao PE, giấy lót, giấy gói...
Hiện nay, Việt Nam chỉ nhập khẩu các loại da, vải cao cấp, nguyên liệu tổng hợp cao cấp, các loại keo dán, hóa chất đặc biệt.
Lefaso cũng đặt ra giài pháp thâm nhập và đứng vững trên thị trường nội địa. Đây là một điểm nhấn đáng khuyến khích, từ chỗ bỏ quên thị trường nội địa cuối những năm 1990, đến nay, người tiêu dùng Việt Nam đã biết đến nhiều thương hiệu như Biti’s, Bitas, Vina Giày, T&T, Hồng Thạnh, Long Thành... Tuy thương hiệu giày dép chưa nhiều như ngành Dệt may nhưng giày dép Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường nội địa với tỷ trọng được đánh giá là chiếm lĩnh gần 40%.
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com