Là một ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực, luôn giữ vị trí số 2 sau kim ngạch xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, dưới tác động khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu, dệt may Việt Nam năm 2009 được dự báo là sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chỉ tiêu xuất khẩu cũng không được như “kịch bản” ban đầu.
Ông Vũ Đức Giang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận định: Năm 2009, nhu cầu hàng hoá cho hai thị trường Mỹ và EU giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ sẽ giảm trên 15% nhập khẩu hàng dệt may. Bên cạnh đó, giá bán các sản phẩm cao cấp giảm rất mạnh, hệ thống siêu thị Mỹ đóng cửa rất nhiều trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, ngành dệt may xuất khẩu khó có thể duy trì được mức tăng trưởng 5% như các năm trước. Dự kiến chỉ có thể đạt được kim ngạch 9,5 – 10 tỷ USD, trong khi kịch bản cũ là 11,5 tỷ USD.
Đại diện Hiệp hội Dệt May kiến nghị trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, Chính phủ cần có ngân quỹ cho nhập khẩu công nghệ, thiết bị, tạo điều kiện cho DN có lợi thế phát triển khi khủng hoảng đi qua. |
Theo nhiều chuyên gia, việc dệt may Việt Nam phải giảm kim ngạch xuất khẩu là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu mà phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Giang, riêng về phụ liệu chúng ta đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước: chỉ rút, dây kéo, các loại bao bì đóng gói... Còn ở lĩnh vực vải, nhuộm hoàn tất chúng ta chỉ đáp ứng khoảng 28% - đây là con số còn khiêm tốn, nhưng vấn đề là các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào các nhà máy may, tận dụng lao động rẻ của Việt Nam chứ không “mặn mà” đầu tư vào lĩnh vực sợi, làm vải, nhuộm hoàn tất... do cần đầu tư vốn rất lớn. Chính vì vậy, cái khó khăn nhất trong ngành dệt may là các DN Việt Nam đều phải tự đầu tư.
Giai đoạn 2007 – 2008 vừa qua, ngành dệt may đã triển khai và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy lớn như khánh thành nhà máy lụa hoàn tất tại khu Hòa Khánh, Đà Nẵng 1.400 tỷ đồng mới khánh thành ngày 5/12/08; giai đoạn 2 nhà máy nhuộm và xử lý nước thải ở khu Yên Mỹ, Hưng Yên trị giá 500 tỷ; nhà máy nhuộm hoàn tất, dệt vải, dệt thoi tại khu Hòa Xá ở Nam Định khoảng 500 tỷ; nhà máy xử lý nước thải tại khu công nghiệp Nhơn Trạch , Đồng Nai khoảng 1.100 tỷ đồng, động thổ ngày 26/11/2008. Đặc biệt là 1 dự án cốt lõi của ngành dệt may Việt Nam là nhà máy sản xuất... tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng trị giá 4.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dệt May và Tập đoàn Dầu khí bỏ vốn đầu tư. Tất cả những nhà máy này hầu như DN của tập đoàn Dệt May phải tự vay vốn, bảo toàn vốn và đầu tư chứ Nhà nước không có ưu đãi. Chính vì vậy, theo ông Giang, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, ngành dệt may bên cạnh việc triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư và các chi phí quản lý hành chính trong sản xuất kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết sử dụng nguyên liệu, vật liệu chung, giảm tồn kho toàn hệ thống, giảm vốn lưu động, thì trong ngắn hạn chấp nhận làm gia công xuất khẩu để giảm áp lực vốn lưu động cho nguyên vật liệu.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com