Hội chợ Thời trang 2008 sẽ chính thức khai mạc vào tối nay (19.11), tại cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Các nhà tổ chức hội chợ hy vọng rằng thị trường trong nước sẽ giúp các nhà sản xuất tìm ra lối thoát trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, kéo theo khả năng suy giảm mãi lực tại những thị trường xuất khẩu chính
Hội chợ thu hút sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp dệt may, da giày và nguyên phụ liệu với khoảng 300 gian hàng. Trong ngày 20.11 sẽ diễn ra hai cuộc hội thảo về công tác phát triển thị trường nội địa và giải pháp cho ngành công nghiệp may mặc ngay tại khuôn viên triển lãm.
Các nhà tổ chức cho biết, đây là lần đầu tiên một hội chợ thời trang dệt may và da giày theo hướng chuyên nghiệp được hai hiệp hội ngành hàng này tự đứng ra tổ chức tại Việt Nam. Trước đây, những hội chợ kiểu này thường với mục đích bán hàng là chính.
Các nhà tổ chức hội chợ hy vọng rằng thị trường trong nước sẽ giúp các nhà sản xuất tìm ra lối thoát trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, kéo theo khả năng suy giảm mãi lực tại những thị trường xuất khẩu chính. Cho đến nay chỉ 1/3 hàng dệt may Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn đối với da giày tỷ lệ này còn nhỏ hơn nhiều, chưa tới 10%. Theo điều tra của Vinatex, kích cỡ của thị trường may mặc nội địa năm 2008 là 4,5 tỉ USD, và có thể tăng lên 5,5 – 6 tỉ USD vào 2010.
Chủ tịch hiệp hội Dệt may Lê Quốc Ân cho biết việc đạt được mục tiêu 9,5 tỉ USD giá trị xuất khẩu cho năm 2008 là hết sức khó khăn. Còn theo tổng thư ký hiệp hội Da giày Nguyễn Thị Tòng, sở dĩ mục tiêu 4,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu đạt được là do các đơn hàng từ châu Âu tập trung nhiều cho năm 2008. Từ 1.1.2009 Việt Nam sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ GSP khi xuất khẩu sang thị trường EU, trong khi đó mức thuế chống phá giá (10%) vẫn bị áp cho ít nhất đến giữa năm sau mới được xem xét lại.
“Về thiết kế hàng hiệu phải đợi đến lúc GDP trên đầu người vượt trên 2.000 USD, chứ còn đối với đa số (70 triệu người tiêu dùng Việt Nam mức thu nhập bình quân đầu người 450 USD/năm) giá cả vẫn là điều quan trọng”, phó tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nói. Theo ông Trường, hội chợ tập trung vào hai mục tiêu khả thi hơn là hình thành kênh phân phối và giới thiệu thời trang người Việt Nam thiết kế dựa trên điều kiện nhân trắc học của người Việt Nam, coi đó là những thế mạnh trong cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Hiện nay, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam vẫn là hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Trong lĩnh vực dệt may, hàng Trung Quốc chiếm 20% thị phần, so với 30% thị phần dành cho các nhà sản xuất dệt may nội địa có đăng ký và 40% thị phần của các nhà may lẻ ở khắp nơi, nhất là vùng nông thôn. Trong ngành da giày tỷ lệ hàng Trung Quốc trên thị trường là hoàn toàn áp đảo.
Các nhà tổ chức hội chợ cũng cho biết nếu giảm thiểu được chi phí phân phối và thiết kế hợp lý, các nhà sản xuất Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt được với hàng Trung Quốc do họ không có hệ thống phân phối tốt, cũng như giá nhân công ở Trung Quốc không còn rẻ như trước nữa. “Bằng chứng là để giảm chi phí nhân công các nhà máy dệt may và da giày Trung Quốc đang phải chuyển từ bờ đông sang phía tây, nơi kém phát triển hơn. Đây lại là một lợi thế nữa mà chúng ta cần tận dụng ngay, trong khi họ chưa kịp ổn định lại sản xuất”, ông Trường nói.
(Theo sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com