Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dệt may VN: Vẫn còn “bị động” khi hội nhập

Năm 2008, ngành dệt may VN đang phấn đấu lọt vào top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, với xuất phát điểm còn thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, lại đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc sản xuất dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… khiến cho ngành dệt may VN  phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức.

 Đặc biệt là hội nhập vào nền kinh tế thế giới, dệt may VN không những phải cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa khi mở cửa, thuế nhập khẩu dệt may đã giảm xuống 2/3 (chỉ còn ở mức 5-20%).

 Doanh nghiệp dệt may chưa lường hết những thách thức khi hội nhập

 Sáng nay (18/11), tại hội thảo “Phát triển ngành dệt may VN sau hai năm gia nhập WTO và những giải pháp để tăng tốc” do Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Văn phòng Ủy ban quốc gia Hợp tác Kinh tế Quốc tế, và Công ty Thanh niên phối hợp tổ chức; Đại diện từ Hiệp hội dệt may VN đã đánh giá: Các doanh nghiệp chưa nhận thức hết những thách thức, áp lực cạnh tranh khi hội nhập, dẫn đến việc thiếu chuẩn bị, thiếu phương án đối phó khi sản xuất kinh doanh khó khăn và khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đặc biệt, từ 1/1/2009, VN sẽ mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài, sức ép cạnh tranh sẽ càng lớn hơn.

 Bên cạnh đó, một vấn đề mới nổi lên với ngành dệt may là do đầu tư nước ngoài tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động có kỹ năng tay nghề cao. Tại nhiều xí nghiệp may tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ lao động biến động lên tới 25-30%. Tình trạng chảy máu chất xám, “săn đầu người” diễn ra khá phổ biến và các doanh nghiệp đang rất lúng túng trong việc duy trì đội ngũ quản lý, kỹ thuật giỏi của mình.

 Do kho khăn về đời sống và nhiều nguyên nhân khác, các cuộc đình công trong ngành dệt may, đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung và các thành phố lớn liên tục xảy ra, gây đảo lộn kế hoạch sản xuất giao hàng của nhiều doanh nghiệp, tạo ra hình ảnh xấu đối với các nhà đầu tư kinh doanh thế giới. Theo các chuyên gia, đây là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển của ngành dệt may VN hiện nay.

 Bên canh đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là cơ chế của Hoa Kỳ giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ VN và nguy cơ tự khởi kiện điều tra chống bán phá giá. Mặc dù, Chính phủ, các Bộ ngành và Hiệp hội Dệt may VN đã kiên quyết đấu tranh chống lại cơ chế này và thường xuyên tiếp xúc, giải thích, vận động để các khách hàng Hoa Kỳ yên tâm đặt hàng tại VN nhưng một số công ty lớn như Macy, Hagel vẫn rút toàn bộ đơn hàng tại VN để chuyển sang nước khác. Sức ép này còn làm cho nhiều công ty VN, công ty nước ngoài không dám đầu tư vào ngành dệt may vì sợ rủi ro…Đến nay, mặc dù qua hai lần công bố kết quả giám sát vào thành 10/2007 và tháng 5/2008, phía Hoa Kỳ phải thừa nhận không tìm thấy bằng chứng về việc VN bán phá giá vào Hoa Kỳ nhưng do sức ép, có khả năng cơ chế này tiếp tục được phía Hoa Kỳ gia hạn thêm ít nhất một năm nữa, gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu bán lẻ Hoa Kỳ cũng như các nhà sản xuất VN do rủi ro cao.

Một điểm yếu khác của ngành dệt may VN cũng được nhiều đại biểu đề cập đến là trong ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế. Ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển, 70% nguyên phụ liệu trong ngành phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá trị gia tăng không cao, thiếu linh hoạt và hạn chế khả năng đáp ứng nhanh. May xuất khẩu phần nhiều vẫn theo phương thức gia công, thiết kế mẫu mốt chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, hiệu quả sản xuất thấp.

 Đâu là giải pháp phát triển vững chắc?

Theo các chuyên gia, trong những năm tới phát triển ngành dệt may phải đặt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất từ các nước phát triển và công nghiệp mới. Các doanh nghiệp phải chú ý xây dựng và tăng cường mối liên kết hợp tác với các tập đoàn phân phối, bán lẻ trên thế giới, từng bước tham gia vào chuỗi liên kết của họ; Liên kết với các nhà sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu chung là phát triển ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2008, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may VN đạt 9,2-9,3 tỷ USD, đưa VN lọt vào top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Đến năm 2010, dự kiến doanh thu toàn ngành đạt từ 13-15 tỷ USD, xuất khẩu đạt 10 – 12 tỷ USD, sử dụng 2,5 triệu lao động; Đến năm 2015, doanh thu dự kiến đạt 18-21 tỷ USD, xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD, sử dụng 3,5 triệu lao động.

 Để có thể đạt được kết quả trên, ngành dệt may phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao về quản lý, kỹ thuật công nghệ, thiết kế thời trang…: Mở rộng hợp tác với nước ngoài, cải tiến phương pháp đào tạo; Xây dựng quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động với người lao động; Có chính sách thỏa đáng bồi dưỡng và thu hút nhân tài làm việc cho các doanh nghiệp. Hiệp hội dệt may VN cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất may mặc về các thị tứ, vùng nông thôn nhằm giải quyết bài toán lao động, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm vào các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải; xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu…

 Ông Phạm Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may phát triển, nhà nước sẽ có chính sách tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển về nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ (xây dựng phòng thí nghiệm, nghiên cứu..), xử lý nước thải, xúc tiến thị trường… Mặt khác, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội dệt may VN, các nhà nhập khẩu, bán lẻ, các đối tác Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại cơ chế giám sát nhập khẩu và chống bán phá giá của Hoa Kỳ; giảm thiểu tác động của cơ chế này đối với ngành.

 Thực tế, trong thời gian qua, theo phản ảnh của bà Nguyễn Thị Hồng Tín – Trưởng ban Nghiên cứu Xúc tiến Thị trường (Tập đoàn dệt may VN), do Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện cơ chế giám sát đối với hàng dệt may nhập khẩu từ VN, một số DN xuất khẩu VN đã “lùi lại” để tạo độ an toàn bằng việc thực hiện gia công thuần túy các đơn hàng. Đó là một bước thụt lùi đáng buồn đối với ngành dệt may VN. Theo bà Tín, để tránh thực trạng trên, các doanh nghiệp dệt may VN phải chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giảm tỷ lệ hàng gia công, tăng dần sản xuất FOB khi nền kinh tế thế giới đi vào ổn định….

 Ngành dệt may VN đang cần tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên “bản đồ” các cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới và cả thị trường nội địa bằng những bước đi vững chắc, hiệu quả hơn

( theo báo Hà nội mới )

  • Dệt may sau 2 năm gia nhập WTO và giải pháp tăng tốc
  • Ngành dệt may VN chưa tạo được thương hiệu mạnh
  • Dệt may: Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ
  • Giải pháp tăng tốc để phát triển ngành dệt may hậu WTO
  • Indonesia mở rộng Chương trình sản xuất công nghiệp sang ngành giày dép
  • Dệt may Campuchia sẽ lâm vào khủng hoảng từ đầu năm 2009
  • Dệt may trên “sân nhà”: Hai vấn đề cần giải quyết
  • Đa dạng hoá thị trường - giải pháp để nâng cao xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container