Đến hết quý III-2010, phần lớn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) của ngành dệt may (DM) đã có đủ đơn hàng XK cho năm 2010 và đang nỗ lực thực hiện để giao hàng đúng hẹn. Tuy nhiên, ngành DM trong nước vẫn phải đối mặt với bài toán nan giải về thiếu hụt lao động và nguyên liệu.
Theo Hiệp hội DM Việt Nam, XK hàng DM 9 tháng qua có nhiều yếu tố thuận lợi, như đơn hàng nhiều, giá XK tăng 15-20%. Do đó, kim ngạch XK hàng DM 9 tháng ước đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ thị trường EU phục hồi chậm, tăng trưởng thấp, còn lại các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản đều đạt tăng trưởng cao, gia tăng thị phần XK. Thêm vào đó, do tận dụng được ưu thế của các hiệp định thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc mà XK DM của nước ta vào những thị trường này tăng cao, trong đó Hàn Quốc tăng 80%, Nhật Bản 15%.
Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, đơn vị không chỉ ký được đơn hàng XK cho cả năm 2010, mà còn ký được hợp đồng nguyên tắc đến hết quý I-2011 với các bạn hàng truyền thống như Nhật Bản, Đức, Mỹ... Tổng Công ty CP May Việt Tiến cũng đang đàm phán với đối tác về đơn hàng XK sang Mỹ trong năm 2011, với giá trị khoảng 100 triệu USD. Riêng Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã hợp tác với Nhật Bản từ 20 năm nay và đã ký được hợp đồng XK thêm 10 năm nữa. Để có sức cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Băngla Đét, các DN DM cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển những mặt hàng chiến lược, có thế mạnh của mình, như Công ty CP X20 sản xuất quần áo đua mô tô; Việt Tiến may áo sơ mi, veston cao cấp dành cho nam giới…
Thuận lợi về đơn hàng đang tạo cho ngành DM nhiều cơ hội hoàn thành chỉ tiêu XK trong năm nay và chỉ tiêu tăng trưởng trong những năm tới theo lộ trình. Tuy nhiên, để vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng XK, vừa bảo đảm được chất lượng tăng trưởng lại là việc không dễ đối với nhiều DN, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí lao động tăng cao như hiện nay. Giá bông trên thị trường thế giới hiện ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua đang làm "đau đầu" các DN DM trước bài toán lợi nhuận, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán gần như không thay đổi. Đầu tháng 9 năm nay, giá bông nhập khẩu đã ở mức 1,9-2 USD/kg (1.900-2.000 USD/tấn), tăng 9% so với tháng 8 và tăng tới 45% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến giá bông nhập khẩu tăng là do Ấn Độ hạn chế XK bông, trong khi nhiều nước sản xuất bông lớn khác như Pakistan, Trung Quốc... bị thiên tai. Trong khi sản xuất bông trong nước mới đáp ứng được 5% nhu cầu của ngành DM nên hằng năm, toàn ngành phải nhập khẩu một lượng bông lớn từ Mỹ, Ấn Độ, châu Phi... Theo số liệu của Hiệp hội DM Việt Nam, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã nhập khẩu 260.000 tấn bông, tổng trị giá 500 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, năm nay, cả nước sẽ nhập khẩu gần 370.000 tấn bông. Bên cạnh đó, vấn đề biến động, thiếu hụt lao động vẫn tồn tại buộc các DN trong ngành phải nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tinh gọn để giảm áp lực về lao động, chủ động tiết kiệm để giảm chi phí. Đại diện Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, điều đáng lo ngại nhất của nhiều DN lúc này không phải là không có đơn hàng, mà là không có đủ lao động để thực hiện những đơn hàng đã ký.
Các chuyên gia trong ngành khuyến cáo, DN cần tính toán kỹ trước khi ký kết đơn hàng, để tránh bị động trong sản xuất. Thời gian tới, giá XK sẽ theo xu hướng tăng, nên DN cần nghiên cứu kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng. Đồng thời, chủ động đàm phán với khách hàng để chia sẻ những khó khăn trong sản xuất...