Hàng dệt may và giày dép đang đóng vai trò quan trọng số một trong xuất khẩu, có ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc phát triển bền vững ngành hàng này phải được coi là công việc “cần làm ngay”, không chỉ lúc này, mà ngay từ ngày đầu của kế hoạch 2011-2015.
Nhanh nhưng chưa mạnh
“Hàng may mặc” theo nghĩa hẹp là chỉ quần áo may sẵn, nhưng theo nghĩa rộng, như ở nhiều nước khác, còn bao gồm cả mặt hàng giày dép mũ nón, túi xách... Ngành may mặc ở Việt Nam ra đời trong công cuộc đổi mới, đã và đang phát triển nhanh chóng và đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội…, nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 15 năm, từ 1995-2010, kim ngạch xuất khẩu giày dép đã tăng gấp hơn 15 lần. Và hiện nay, 9 tháng đầu năm 2010, với kim ngạch đạt trên 3,62 tỷ USD, mặt hàng giày dép là mặt hàng lớn thứ 3, chỉ đứng sau hàng dệt may và dầu thô. Tương tự, sau 15 năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cũng tăng gấp hơn 12 lần và đã vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn, triển vọng năm nay đạt và vượt ngưỡng 10 tỷ USD.
Cả hai mặt hàng này năm 1995 chiếm tỷ trọng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đến các năm 2000, 2005 và 2010 chiếm tỷ trọng lần lượt là 23,2%, 24% và 22,2%. Nhìn chung, ngoài việc đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của thị trường nội địa với trên 80 triệu người tiêu dùng, hai ngành hàng này đã và đang đóng góp khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, như năm 2010 ước đạt trên 15 tỷ USD.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong tổng kim ngạch nêu trên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) hiện chiếm tỷ trọng hơn 60%. Mặt khác, số liệu còn cho thấy, trong thời kỳ 2000-2005, mức chênh lệch về kim ngạch giữa hai ngành hàng này chưa lớn lắm, nhưng vài ba năm nay, hàng dệt may đã bứt lên, đạt kim ngạch lớn gấp gần 2 lần kim ngạch hàng giày dép.
Vì sao?
Phát triển trong hơn 20 năm đổi mới, hai ngành dệt may và giày dép của Việt Nam đã có vị trí đáng kể trên thương trường quốc tế, như ngành giày dép Việt Nam đang được xếp thứ 4 trên thế giới.
Nhưng rất đáng suy ngẫm lời nhận xét sau đây của ông Peter T. Mangione, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược tiếp thị Global Footwear Partnerships LLC (Hoa Kỳ) sau cuộc thị sát một số cơ sở sản xuất giày dép mới đây: Nhiều DN giày dép Việt Nam vẫn đang áp dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và cần nhiều nhân công. Những công nghệ này đã được sử dụng tại Đài Loan cách đây gần 20 năm và hiện nhiều nơi khác đã không còn sử dụng.
Cần nhớ rằng, nhận xét này không chỉ nhằm vào những DN thuần túy Việt Nam mà cũng ích dụng cả với những DN FDI, những DN chuyển sang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu dựa vào giá nhân công rẻ.
Vì vậy, theo ông Peter T. Mangione, không chỉ thiếu vắng những loại giày đặc chủng, giày thể thao chuyên dụng cao cấp, giày y tế và giày thời trang đẳng cấp cao…, mà việc sử dụng nhiều nhân công làm thêm giờ và tiêu tốn nhiều nguyên liệu (phần lớn là nguyên liệu nhập khẩu) khiến năng suất lao động không cao, đe dọa khả năng cạnh tranh trong tương lai của mặt hàng này trên thị trường quốc tế.
Đó là câu chuyện của ngành giày dép, còn với hàng dệt may thì thách thức lớn nhất hiện nay là những quy định về sử dụng hóa chất của EU (Reach), mà dệt may là một trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều hóa chất. Việc tẩy rửa những hóa chất để không làm nguy hại tới sức khỏe con người theo quy định Reach đòi hỏi phải có những thiết bị kỹ thuật cao.
Hiện nay, thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng dệt may Việt Nam là Mỹ, rồi đến EU và Nhật Bản…, còn nhập hàng giày dép thì số một thuộc về EU, rồi đến Mỹ, Nhật… Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tăng 22%, sang Nhật tăng 15%, nhưng sang EU chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, hẫng hụt so với mức tăng hàng năm 12-13% trong những năm trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2010 của hàng dệt may ước tăng 20%, của hàng giày dép ước tăng 23%.
Bước sang năm 2011, hai mặt hàng này liệu còn giữ được phong độ tăng trưởng như hiện nay?. Và nếu hai ngành hàng này bị “hạ bậc” trên thương trường thì bức tranh ngoại thương nói riêng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung sẽ ra sao?. Đó là vấn đề cần được lo liệu từ bây giờ, chứ đừng “nước đến chân mới nhảy”./.
(ven)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com