Đã chốt giá, không thể quay đầu
Bất chấp suy thoái kinh tế năm 2009, xuất khẩu dệt may vẫn về đích như kế hoạch đề ra và tăng trưởng xuất khẩu vẫn tiếp tục trong bốn tháng đầu năm. Theo thống kê chính thức, đến thời điểm hiện nay, xuất khẩu dệt may đã hoàn thành một phần ba chỉ tiêu kế hoạch năm, khiến cho mục tiêu cả năm là 10,5 tỉ đô la Mỹ là hoàn toàn có cơ sở.
Nhưng chính những người trong cuộc lại lo lắng về mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vì càng xuất khẩu càng lỗ, kể cả khi đơn giá đặt hàng của các doanh nghiệp hiện đã tăng bình quân từ 5-7% so với thời điểm cuối năm 2009 và tăng gần 15% cũng so với cùng kỳ.
Vấn đề là giá nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào tăng quá cao nên việc tăng giá đầu ra thêm vài phần trăm không bù đắp được các chi phí đầu vào đã có mức tăng mạnh hơn nhiều lần. Dệt may Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc đến 90% vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, giá sợi nhập khẩu cũng đã tăng 34,3% so với cùng kỳ. Tất cả những lý do này khiến cho tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may (có thêm phần của da giày) đã lên đến 738 triệu đô la qua bốn tháng, dẫn đầu nhóm hàng nhập khẩu cho sản xuất của nhóm ngành công nghiệp nhẹ.
Có điều, các hợp đồng xuất khẩu đã ký và chốt giá từ đầu năm nên việc điều chỉnh giá gần như là không thể đàm phán lại. Và đó là nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến việc các doanh nghiệp lo cân đối giá đơn hàng đầu vào - đầu ra đã là một bài toán khó nên việc ký thêm các đơn hàng mới cho vụ sản xuất cuối năm 2010, đầu năm 2011 cần được cân nhắc kỹ.
Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn lo đơn hàng tăng nhưng lao động lại thiếu. Bởi hiện tại, vấn đề thiếu nhân công đã làm giảm năng lực sản xuất chung của ngành may mặc khoảng 10% so với năm trước.
Không chủ động, khó nói chuyện cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu hiện nay không chỉ nằm ở giá, mặc dù giá rẻ ở đầu vào hay đầu ra vẫn đóng một vai trò quyết định. Các lợi thế hiện bao gồm cả thời gian giao hàng, chất lượng gia công sản phẩm, quy trình sản xuất khép kín... Hay nói khác đi là đối tác sẽ cân nhắc chọn bạn hàng dựa trên khả năng chủ động sản xuất. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khi gia công phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và không chủ động được nguồn hàng, cộng với thời gian làm thủ tục hải quan lâu nên gặp khó khăn lớn.
Tình trạng phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ còn kéo dài và chỉ giảm đi khi nhà máy sản xuất sợi polyester, công suất 160.000 tấn/năm do các doanh nghiệp phía Nam đầu tư và một nhà máy sản xuất xơ của nước ngoài cũng đầu tư tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), công suất 60.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2011.
Vinanet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com