Loạt bài “Xuất khẩu dệt may: Nỗi buồn quán quân!” vừa qua cho thấy thực trạng của ngành dệt may Việt Nam (VN) - một ngành kinh tế mang về kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng có rất nhiều điểm yếu. Đã gắn bó với ngành dệt may một thời gian dài, ông Diệp Thành Kiệt, nêu một số ý kiến về vấn đề này.
Cải thiện thu nhập là cách để công nhân gắn bó với doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG |
Giữ người chứ không tìm người
Nghiên cứu tại một số DN dệt may VN cho thấy, nhiều DN đã có những giải pháp sống chung với tình trạng thiếu lao động một cách rất hiệu quả. Trước hết, đừng để mất lao động.
Theo nghiên cứu trước đây của Trung tâm Đào tạo dệt may quốc tế (IGTC), khi mất một lao động có tay nghề, DN phải tốn trên 1.000 USD (gần 20 triệu đồng) để đào tạo ra một lao động mới. Do vậy, chính sách đối với lao động phải là chính sách giữ người chứ không phải tìm người như phần lớn các DN đưa ra.
Thử đặt câu hỏi tại sao DN lại sẵn sàng bỏ tiền để tìm người rồi tốn chi phí đào tạo nhưng lại tiếp tục mất nữa. Chi phí này không nhỏ nhưng vì đã mất lao động nên chủ DN phải chi bằng mọi giá để tìm người.
Trong tình hình hiện nay, DN hãy suy nghĩ ngược lại, cố gắng chuyển các chi phí đó vào lương, vào phúc lợi nhằm tăng thêm nguồn thu nhập để người lao động không bỏ DN. Kế đó, DN phải thường xuyên cải thiện môi trường làm việc, đầu tư các thiết bị chuyên dùng, áp dụng các giải pháp tăng năng suất để liên tục tăng thu nhập cho người lao động.
Hiện nay, chương trình Better work (làm việc tốt hơn) là một chương trình hỗ trợ DN dệt may do hai tổ chức quốc tế là IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) và ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) thành lập nhưng có nhiều DN chưa biết và chưa tham gia.
Khi nói đến chủ động nguồn nguyên phụ liệu (NPL), nâng cao giá trị sản phẩm trong nước, chúng ta thường nghĩ đến việc phải sản xuất mọi thứ trong nước. Điều sai lầm này sẽ dẫn đến việc đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực, những sản phẩm mà chúng ta không có lợi thế cạnh tranh.
Do vậy, cần đánh giá đầy đủ những chủng loại NPL nào cho ngành dệt may mà VN sẽ có lợi thế hơn các nước khác. Tức nếu sản xuất tại VN, nguyên liệu đó sẽ có giá thành hạ hơn và giúp tạo nên khoản chênh lệch về giá và từ đó tạo nhiều giá trị gia tăng. Còn nếu sản xuất tất cả các chủng loại vật tư và sản xuất bằng mọi giá chỉ càng làm tình hình xấu thêm.
Xây dựng ngành công nghiệp thời trang
Ngành dệt may VN hiện nay vẫn là ngành công nghiệp sản xuất đơn thuần. Giá bán hàng thường xây dựng theo công thức như một sản phẩm công nghiệp. Đó là: Giá bán sản phẩm công nghiệp = giá vật tư + giá tiền công + một phần lãi cố định do khách hàng chấp thuận (thường rất thấp).
Do vậy, với tình hình giá nhân công tăng nhanh trong thời gian qua và những năm sắp tới, nếu một ngành công nghiệp sản xuất đơn thuần, kể cả kinh doanh theo phương thức mua đứt, bán đoạn (FOB), cũng chỉ đủ ăn, không thể nào có được những tích lũy cần thiết để tái đầu tư. Đó là chưa nói đến việc mở rộng hoặc nâng cao công nghệ sản xuất.
Cho nên cần khai thác hai lợi thế ngành dệt may VN hiện nay, để có thể chuyển thành một ngành công nghiệp thời trang. Thứ nhất, VN đã có thời gian khá dài tiếp cận với những thương hiệu lớn của thế giới khi họ đến đặt hàng gia công, mua bán tại VN. Thứ hai, trong nước đã và đang hình thành một đội ngũ các chuyên viên thiết kế, các nhà thời trang được đào tạo bài bản hơn, thậm chí được đào tạo từ cái nôi của ngành thời trang nổi tiếng thế giới như Ý, Pháp…
Tuy nhiên, đội ngũ này lại đang đứng bên cạnh, thậm chí đứng ngoài ngành công nghiệp dệt may VN và gần như mạnh ai nấy làm. Những nhà thiết kế vẫn chưa có sự phối hợp cần thiết để thời trang thâm nhập vào ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm thời trang.
Chỉ cần có một cơ chế để hai nhân tố này kết hợp vào nhau thì trong 10 năm tới, ngành công nghiệp thời trang dệt may VN sẽ có chỗ đứng trên thị trường khu vực. Khi đó giá bán của sản phẩm dệt may VN sẽ không phải tính bằng công thức như hiện nay mà sẽ có công thức: Giá bán = giá thành sản phẩm công nghiệp + thương hiệu + giá trị của thiết kế + giá trị thời trang.
Giữ vững thị trường nội địa là một giải pháp mà khá nhiều DN dệt may VN đã thành công như Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè… Sự thành công tại thị trường trong nước sẽ giúp DN nhanh chóng tạo nên giá trị gia tăng cao, sản xuất ổn định, có điều kiện đổi mới công nghệ để tăng tính cạnh tranh hàng xuất khẩu.
Theo tôi, việc chọn giải pháp nào phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của DN sẽ là vấn đề có tính sống còn mà bản thân từng DN cân nhắc. Sự phát triển của cả ngành có bền vững hay không là do sự nỗ lực từ cả ba phía: nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp.
Diệp Thành Kiệt
(Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM)
(Theo SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com