Theo số liệu của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 9/2010 ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng đầu năm lên trên 8 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là tháng thứ hai liên tiếp trong năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Xét về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất. Cụ thể, XK sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch 3,94 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2009, sang EU đạt 1,18 tỷ USD, tăng 6,7% và sang Nhật Bản đạt 691 triệu USD, tăng 14,3%. Tổng kim ngạch hàng dệt may xuất sang 3 thị trường này đạt 5,81 tỷ USD, chiếm 83,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng đầu năm.
Liên tiếp trong 3 tháng qua, xuất khẩu dệt may đã lấy lại đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, một số thị trường có mức tăng trưởng đột biến như Hàn Quốc, tăng 64% trong 8 tháng đầu năm. Nguyên nhân là do tác động của Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn quốc. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do với đề xuất phía Hàn quốc chấp nhận ưu đãi cho Việt Nam hai công đoạn cắt và may.
Một điểm đáng lưu ý từ kết quả xuất khẩu của tháng 8 và tháng 9/2010 là đều đạt trên 1 tỷ USD và dự kiến 3 tháng còn lại của năm 2010 cũng sẽ mang lại kim ngạch trên 3 tỷ USD xuất khẩu dệt may.
Tuy nhiên, theo một số phân tích của chuyên gia, mức tăng trưởng này không phải do nhu cầu thi trường tăng mà chủ yếu do sự chuyển giao các đơn hàng từ Trung Quốc. Tron gkhi đó khả năng đáp ứng các đơn hàng của các DN hiện nay không cao do tình trạng biến động về lao động thường xuyên xảy ra, đặc biệt là đối với các DNNVV. Trước tình hình đó, một khuyến cáo được đưa ra là các doanh nghiệp cần tính toán cẩn thận trước khi ký kết đơn hàng, không nên nhận nhiều đơn hàng nếu không chủ động được nguồn lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động phân tích và dự báo diễn biến tình hình giá cả thị trường để quyết định thời điểm ký hợp đồng và giao hàng nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh XK dệt may đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào. Đó là việc giá bông thế giới đang ở ưmcs cao nhất trong vòng 15 năm (1900-2000 USD/tấn), tăng tới 45% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Một số nước có tiềm lực đã nhập khẩu bông để dự trữ do dự đoán giá bông sẽ vẫn tiếp tục tăng cao. Điều này càng làm tăng sự mất cân đối cung cầu, khiến giá bông khó giảm trong thời gian tới.
Do sản xuất bông trong nước mới đáp ứng được 5% nhu cầu của ngành dệt may, nên hàng năm toàn ngành phải nhập khẩu một lượng bông lớn. Theo số liệu của hiệp hội Dệt may, năm 2009, ngành đã phải nhập khẩu 300.000 tấn bông để phục vụ cho sản xuất hàng XK và tiêu dùng nội địa. Từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã nhập khẩu 260.000 tấn bông, với tổng trị giá 500 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay, cả nước ước sẽ nhập khẩu gần 370.000 tấn bông.
Ngoài ra, đối với việc các hãng tàu đơn phương áp đặt mức cước, lệ phí với các container XK hàng dệt may đi một số thị trường, Bộ Công Thương đã giao cho Hiệp hội Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng tìm cách giải quyết.
Vinanet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com