Các doanh nghiệp may mặc đang lo lắng khi đơn hàng dồn dập nhưng lại thiếu lao động trầm trọng, kéo theo nhiều thiệt hại khác.
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 5,8 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 80%, nhờ giảm thuế theo hiệp định ASEAN – Hàn Quốc. Tiếp theo là Mỹ tăng 23%, ASEAN tăng 30% và Nhật Bản tăng 15%...
Hàng càng nhiều càng lo lỗ
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2010. Một số DN dệt may tại TPHCM còn ký cả hợp đồng cho mùa xuân năm sau. Như vậy, nếu căn cứ theo mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và số lượng hợp đồng đơn hàng đến quý I/2011, có thể thấy đây là thời điểm thuận lợi nhất của ngành dệt may VN sau hơn một năm chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Thế nhưng, trái ngược với tình hình khả quan trên, các DN dệt may đang rất lo lắng trước tình trạng thiếu hụt lao động. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) Vũ Đức Giang thống kê trong 6 tháng đầu năm, lao động của ngành giảm khoảng 17%; trong đó, các DN thuộc Vinatex giảm khoảng 7%.
Còn Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng, cho rằng hơn 200 DN thành viên của hội đang thiếu khoảng 10% lao động. Tuy nhiên, con số chính xác của mỗi DN còn cao hơn rất nhiều.
Phó tổng giám đốc một DN may xuất khẩu lớn tại TPHCM cho biết DN này đang cần tuyển khoảng 30% lao động so với con số hiện tại là 1.300 lao động nhưng đến nay hơn một tháng vẫn không đủ số lượng. Đã vậy, rất hiếm lao động đạt trình độ tay nghề để sau khi tuyển dụng có thể thực hiện ngay các đơn hàng xuất khẩu...
Tình trạng thiếu hụt lao động tác động đến nhiều mặt của DN. Đại diện Công ty Liên doanh MSA – Hapro làm phép tính: Đối với những đơn hàng FOB, nếu DN thực hiện giao hàng đúng hẹn thì sẽ không phải chịu cước vận chuyển bằng tàu. Nhưng khi trễ tàu, để hàng đến nước nhập khẩu đúng thời hạn, DN buộc phải vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí một container 40 feet đến châu Âu và Mỹ dao động từ 80 triệu - 100 triệu đồng.
Như vậy, hàng càng nhiều mà thiếu hụt lao động, DN sẽ càng lỗ. Phó tổng giám đốc một DN dệt may khác tại TPHCM thừa nhận: Chỉ trong hai tháng 7 và 8, DN này đã phải vận chuyển 5 container hàng đi Mỹ bằng đường hàng không với tổng chi phí xấp xỉ 500 triệu đồng. Nắm chắc phần lỗ nhưng vì giữ uy tín với đối tác nên không có cách nào khác.
Chưa có lối ra
Ông Phạm Xuân Hồng cho biết một trong những giải pháp trước mắt là hội đang khuyến khích các DN đàm phán với đối tác để nâng giá đơn hàng lên 10% bù vào chi phí sản xuất cũng như tăng mức lương cho người lao động. Về phương án tăng lương nhằm giữ chân lao động, theo ông Vũ Đức Giang hiện mức lương bình quân của lao động trong các DN thuộc Vinatex khoảng 3,35 triệu đồng/tháng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng tình trạng lực lượng lao động bị xáo trộn vẫn xảy ra.
Bên cạnh giải pháp về lương, một số DN còn tìm cách mở thêm cơ sở sản xuất tại các tỉnh để từng bước chuyển hướng về nông thôn nhằm tận dụng lực lượng lao động địa phương.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thành công vì một số DN sau thời gian thực hiện thí điểm đã đối mặt với trở ngại lớn là phần lớn lao động địa phương không có tay nghề, DN phải đầu tư chi phí đào tạo. Sau khi được dạy nghề, lao động lại bỏ việc tìm nghề khác có mức lương cao hơn. Bà Huỳnh Cúc Phương, Giám đốc sản xuất Công ty Huỳnh Hiền (chuyên sản xuất đồ lót nam), cho biết: “Cuối năm 2009, DN mở thêm một cơ sở sản xuất tại một địa phương gần TPHCM. sau 2 tháng, chúng tôi đào tạo được 300 công nhân nhưng họ chỉ gắn bó được 2 tháng, sau đó lên TPHCM tìm việc khác. Sau vài lần đào tạo với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng mà không đạt kết quả, chúng tôi đành rút về TP”.
(Người Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com