Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để ngành da giày Việt Nam vững tiến trên thế giới

Khách hàng chọn mua sản phẩm da giày tại một hội chợ tổ chức ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

Năm 2010 ngành da giày Việt Nam tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập. Thật ra việc sản xuất và kinh doanh giày dép tại Việt Nam đã có từ lâu đời nhưng phần lớn là sản xuất bằng phương pháp thủ công với những cơ xưởng vài mươi nhân công.

Việc thành lập ngành da giày Việt Nam cách đây 20 năm là mốc đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp da giày sản xuất theo phương thức hiện đại trên dây chuyền công nghiệp, từ đó hình thành những nhà máy có quy mô từ vài trăm đến hàng chục ngàn lao động và tham gia vào việc xuất khẩu giày dép ra thế giới.

Vào những năm đầu thập niên 1990, ngành giày Việt Nam chủ yếu gia công sản xuất mũ giày cho các nước Đông Âu theo Hiệp định 19/5, tuy nhiên việc gia công này đã sớm sút giảm do thị trường Đông Âu bị biến động mạnh.

Vì vậy, vào giữa những năm 1990, các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam phải tự tìm kiếm thị trường và chuyển dần xuất khẩu sang các nước Tây Âu. Đến cuối năm 2000, số liệu xuất khẩu cho thấy cả ngành da giày lúc bấy giờ đã đạt mức 1.471 triệu đô la Mỹ.

Từ đầu những năm 2000 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước giúp cho các doanh nghiệp da giày trong nước cơ hội phát triển, cộng với đầu tư của nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày từ Hàn Quốc, Đài Loan... góp phần thay đổi nhanh chóng bộ mặt của ngành da giày Việt Nam.

Đến hết năm 2008, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt đến 4.767 triệu đô la Mỹ, tăng 3,2 lần so với năm 2000 và tăng đều đặn với tỷ lệ khá cao, trên 18% mỗi năm.

Trong nước, ngành da giày được xếp hàng thứ ba trong các ngành xuất khẩu lớn, chỉ đứng sau dệt may và dầu khí. Bên ngoài, Việt Nam được xếp hàng thứ tư trong số các nước xuất khẩu da giày lớn trên thế giới. Điều này cho thấy những chính sách đúng đắn đã có tác động tích cực vào ngành da giày.

Tuy nhiên, đến năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã có dấu hiệu chững lại với mức xuất khẩu là 4.067 triệu đô la, giảm 14,6% so với 2008, khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành và những người quan tâm đến ngành da giày Việt Nam cảm thấy lo ngại.

Đã có nhiều lý do được đưa ra như: (1) Sự sút giảm chung của thị trường nhập khẩu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; (2) Do tác động của việc đánh thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam nhập khẩu vào EU cũng như việc bãi bỏ chế độ ưu đãi thuế quan (GSP) đối với tất cả sản phẩm giày Việt Nam nhập vào thị trường này; (3) Sự vươn lên mạnh mẽ của một số nước sản xuất giày trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia hoặc Bangladesh... đã chia sẻ bớt thị trường xuất khẩu da giày của thế giới.

Các lo ngại này là có cơ sở và dù có lý giải như thế nào, thực tế luôn đặt ra cho ngành da giày Việt Nam một câu hỏi lớn: Làm sao duy trì được sự phát triển cũng như vị thế của ngành da giày Việt Nam với nền kinh tế đất nước cũng như với thế giới? Đây là bài toán khó cho ngành da giày Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, cần đến một chiến lược phát triển và những giải pháp hiệu quả, đồng bộ.

Từ nhiều năm qua, Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) luôn đưa ra nội dung thảo luận về giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành.

Gần đây nhất, Lefaso đã kết hợp cùng Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam xây dựng một chiến lược phát triển cho ngành da giày Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2025.

Đây là việc làm kịp thời để ngành da giày nói chung, từng doanh nghiệp sản xuất da giày, phụ liệu trong nước nói riêng, có dịp rà soát, nhìn nhận những điểm mạnh, yếu, để từ đó xây dựng nên một con đường phát triển bền vững với những giải pháp cụ thể là:

- Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm: từ chỗ lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường là EU, ngay từ giữa những năm 2000, Mỹ là thị trường được các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam nhắm đến như một thị trường chiến lược với tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, từ mức 20% của năm 2005 đã tăng lên 25,6% vào năm 2009.

Bên cạnh đó, rất nhiều thị trường nhỏ như Đài Loan, Úc, Nam Mỹ, châu Phi, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ... đã được mở ra trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm hóa giải tình trạng lệ thuộc vào một thị trường. Nhóm thị trường nhỏ này đã chiếm đến gần một phần tư thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam. Bảng số liệu của Hiệp hội Da giày Việt Nam bên cạnh cho ta thấy được hình ảnh đó.

- Nâng dần tỷ lệ nguyên liệu nội địa: cuối những năm 1990, tỷ lệ này chỉ là con số rất khiêm tốn, chưa đến 20%, nhưng đến năm 2009 đã được các chuyên gia trong nước đánh giá là đã đạt những thành quả khá cao.

Cụ thể, các loại nguyên liệu và mức độ mà ngành da giày Việt Nam đã chủ động được là: trên 30% các loại nguyên liệu da, giả da, nguyên liệu tổng hợp cho sản phẩm cấp trung; trên 50% các loại phụ liệu như nhãn mác, chỉ, ruy băng, giấy carton tăng cường, các loại keo, dung môi...; trên 70% các loại vải dùng cho các loại giày cấp trung và thấp như canvas, các loại đế giày, gót giày, form giày và bao bì các loại như thùng, hộp, bao PE, giấy lót, giấy gói...

Hiện nay, Việt Nam chỉ nhập khẩu các loại da, vải cao cấp, nguyên liệu tổng hợp cao cấp, các loại keo dán, hóa chất đặc biệt.

- Thâm nhập và đứng vững trên thị trường nội địa: đây là một điểm nhấn đáng khen ngợi, từ chỗ bỏ quên thị trường nội địa cuối những năm 1990, đến nay, người tiêu dùng Việt Nam đã biết đến nhiều thương hiệu như Biti’s, Bitas, Vina Giày, T&T, Hồng Thạnh, Long Thành... Tuy thương hiệu giày dép chưa nhiều như ngành dệt may nhưng giày dép Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường nội địa với tỷ trọng được đánh giá là chiếm lĩnh gần 40%.

Từ những giải pháp và nỗ lực đó, ngành da giày Việt Nam đã sớm có dấu hiệu phục hồi ngay từ đầu năm 2010, số liệu xuất khẩu trong các tháng đầu năm 2010 đều cho thấy có sự tăng trưởng từ 6-7% so với năm 2009. Cuối tháng 5 vừa qua, toàn ngành đã xuất khẩu được 1.784 triệu đô la Mỹ, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2009. Có thể nói rằng đây là một nỗ lực rất lớn của ngành da giày Việt Nam trong bối cảnh mà các nước nhập khẩu liên tục sử dụng các đòn chống bán phá giá nhằm cản trở sự thâm nhập của giày dép Việt Nam.

Vì thế những sự kiện như Cuộc bình chọn doanh nghiệp da giày tiêu biểu năm 2010, việc tổ chức Hội nghị Da giày Quốc tế lần thứ 29 tại TPHCM (29th International Footwear Conference - IFC), lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ngành... sẽ là những hoạt động góp phần gắn kết các doanh nghiệp trong ngành da giày Việt Nam, giúp tạo thêm động lực cho sự phát triển.

Ngoài ra, nhiều giải pháp khác mà Lefaso đã đề ra để nâng cao khả năng phát triển của ngành có thể nhắc đến là:

- Tập trung chăm lo hơn nữa đời sống của người lao động để ngành thực sự là nơi nương tựa của một lực lượng lao động luôn gắn bó với nghề.

- Bám sát công nghệ của thế giới, đặc biệt quan tâm đến công nghệ tự động hóa trong các công đoạn may, bôi keo, tạo form, gò dán...

- Tham gia thường xuyên cuộc thi đua sáng tác mẫu mã mà IFC tổ chức hàng năm nhằm nâng cao khả năng thiết kế mẫu, giúp ngành thoát dần cơ chế gia công.

Mục tiêu chiến lược ngành được phác thảo đến năm 2020 là xuất khẩu 13-14 tỉ đô la Mỹ sản phẩm giày dép các loại, chủ động đến 80% nguyên phụ liệu, chiếm lĩnh trên 60% thị trường nội địa quả là khá cao. Tuy nhiên, nếu không cùng nhau nỗ lực để đạt mục tiêu này thì ngành da giày Việt Nam sẽ khó có được vị trí bền vững trong làng giày thế giới cũng như vị trí là một trong ba ngành kinh tế xuất khẩu lớn nhất nước.

Tất cả đang còn ở phía trước, tuy nhiên, một quy luật của muôn đời là “mọi nỗ lực sẽ luôn được đền đáp một cách xứng đáng”, điều đó chắc chắn cũng đúng với nỗ lực của ngành da giày Việt Nam.

_______________________

(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam.

(Theo Diệp Thành Kiệt (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Ngành dệt may “thiệt” 300 triệu USD do thiếu điện
  • Èo uột công nghiệp thời trang Việt
  • DN dệt may: Dửng dưng với đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu
  • Ấn Độ sẽ là thị trường nguồn cho dệt may Việt Nam
  • Hai mục tiêu của ngành dệt may
  • Giá ngoại tệ biến động: Doanh nghiệp dệt may có ảnh hưởng?
  • Ngành may mặc thu hút FDI - Mừng và lo!
  • Ngành dệt may - Châu Á thống lĩnh thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container