Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ có đưa ra nhiều hỗ trợ cho các nhóm ngành được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế.
Theo đề án, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho năm ngành mũi nhọn, trong đó có dệt may, da giày sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư phát triển thị trường, khoa học - công nghệ, hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực. Các loại nguyên phụ liệu Việt Nam đã sản xuất được, Chính phủ cũng sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu tối đa theo lộ trình cam kết với các nước. Riêng về vốn, doanh nghiệp thực hiện các dự án công nghiệp hỗ trợ sẽ có thể vay tối đa đến 85% tổng vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển... Đề án đang còn chờ được xem xét, tuy nhiên bài học thực tế của những người đã từng tham gia vào ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may vẫn đáng để cho những người chủ trì đề án suy ngẫm. Công ty Đông Hưng là một doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày dép các loại với lực lượng lao động thường trực khoảng 2.000 người ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Giám đốc công ty, ông Hà Duy Hưng, cho biết trong hơn 10 năm gia công giày xuất khẩu, giá bán trung bình chỉ tăng khoảng 10%, trong khi chi phí đầu vào, từ giá nhân công cho đến các loại nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu lại tăng cao hơn nhiều, trung bình 30-40% tùy mặt hàng. Cầm một chiếc giày vải gia công cho một nhãn hiệu của Anh, ông nói: “So với chỉ toàn làm gia công, sử dụng hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu do khách hàng chỉ định như trước đây thì nay các doanh nghiệp giày da Việt Nam đã có thể tự mua nguyên phụ liệu, bán thành phẩm (theo hình thức FOB). Nhưng rất nhiều chi tiết từ da thuộc, vải, khoen khóa cho đến sợi dây giày đều phải nhập khẩu”. Vậy mà khi nhắc đến việc phát triển ngành sản xuất hỗ trợ cho ngành da giày, ông lại buông một câu “có vẻ là đã muộn”. Bản thân ông Hưng nhiều năm trước cũng đã mày mò đi vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng rồi phải chào thua và quay lại với việc nhập khẩu các mặt hàng này. Ông Hưng nói: “Đơn cử nguyên liệu da thuộc, nguồn da trong nước không đủ do chăn nuôi thường nhỏ và phân tán, rồi tiền đầu tư máy móc thiết bị... Qua nhiều công đoạn để có một tấm da thành phẩm được đối tác chấp nhận thì giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với giá nhập từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ, song sản phẩm chưa chắc đẹp hơn”. Sản phẩm làm ra không có hiệu quả kinh tế, không có người mua là nguyên nhân chính khiến các kế hoạch tự sản xuất nguyên phụ liệu của doanh nghiệp bị thất bại. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ vào cuối năm 2009, cho biết mặc dù quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010 đã được phê duyệt, nhưng số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều và do vậy, hiệu quả vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất này không cao khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Các loại phụ tùng máy móc, thiết bị sản xuất da giày, cùng với ngành cơ khí kỹ thuật của Việt Nam sau nhiều năm không đầu tư phát triển, cũng trở nên lỗi thời so với các nước trong khu vực, làm kém đi lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. “Không nói đâu xa, doanh nghiệp da giày đang phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI của Đài Loan, Trung Quốc trong các khu công nghiệp vì họ có trang thiết bị hiện đại chứ không chủ yếu dựa vào sức người như ở các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hưng nói. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, cho biết tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu sản phẩm da giày sau nhiều năm chủ yếu làm gia công vẫn đứng ở con số khiêm tốn 25%, tức là 75% nguyên liệu cho một đôi giày sản xuất trong nước hiện nay phải dựa vào nguồn nhập khẩu. Mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu da giày trong nước đạt 40% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020 hay 30% nguyên phụ liệu dệt may được nội địa hóa như “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, được phê duyệt năm 2007, xem ra vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, đề cương phát triển công nghiệp hỗ trợ lần này dường như chưa giải quyết được khoảng cách giữa quy hoạch và thực tế..
(Theo Thái Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com