Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp dệt may lo vì... nhiều đơn hàng

picture
Xuất khẩu hàng dệt may sáu tháng đầu năm đã mang về kim ngạch 4,87 tỷ USD.
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều đã ký được đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí là đến hết năm, nhưng...

Sáu tháng đầu năm 2010, xuất khẩu hàng dệt may đã mang về 4,87 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng tới 15%, Nhật Bản có mức tăng 10%...

Tiếp tục đà tăng trưởng của những tháng đầu năm, theo ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những tháng cuối năm, lượng đơn hàng tăng khá mạnh. Về giá nhiều hợp đồng xuất khẩu cũng tăng 10-15% so với cùng kỳ.

Hiện các doanh nghiệp lớn như Việt Tiến, May 10, An Phước, Nhà Bè… đã ký được hợp đồng tới cuối năm, còn hầu hết đều đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý 3.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban Nghiên cứu và Xúc tiến thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: năm 2009, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các nhà phân phối hàng dệt may trên thế giới phải tạm dừng nhiều đơn hàng để bán hết lượng còn trong kho. Sang năm nay, tiêu dùng đã tăng khá mạnh trở lại.

Thêm vào đó, nhiều nhà nhập khẩu hàng dệt may trên thế giới có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, do sự chênh lệch về giá giữa hai nước.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm, theo nhận định của Vitas ngành dệt may nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với một số khó khăn do vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (lượng nguyên nhập khẩu hiện chiếm khoảng 80%, thậm chí có những mặt hàng phải nhập đến 95%).

Từ quý 2/2010, giá nguyên phụ liệu có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là nguyên liệu bông tăng tới 40% so với cùng kỳ 2009, đã làm cho chi phí đầu vào tăng cao.

Tuy nhiên, “không thể lấy lý do các chi phí đầu vào đều tăng để tăng giá đơn hàng thêm nữa vì khách hàng vẫn có thể chuyển hợp đồng sang các quốc gia khác có chi phí thấp hơn như Bangladesh, Pakistan…”, bà Phạm Thị Liễu, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh MSA- Hapro chia sẻ.

Thêm nữa, mặc dù đã là trung tuần tháng 7, nhưng tình trạng mất điện vẫn tiếp tục diễn ra tại các địa phương, khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp bị đẩy lên khá nhiều.

Do đó, dù “ngập” trong đơn hàng, công ty của bà Liễu cũng chỉ dám nhận lượng hàng “vừa sức”. Nhưng với một nhà máy ở Hưng Yên, mỗi tuần vẫn bị cắt điện hai ngày, để kịp tiến độ giao hàng, doanh nghiệp buộc phải chạy máy phát, dù chi phí nhiên liệu cao hơn khoảng 6 lần so với sử dụng điện.

Trên thực tế, chi phí trên vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với việc công ty không không đảm bảo tiến độ. Bà Liễu dẫn ra: vì ký đơn hàng FOB (Free on Board) nên doanh nghiệp không phải chịu cước nếu giao hàng theo đúng thời gian. Còn nếu lỡ tàu, doanh nghiệp buộc phải giao hàng bằng đường hàng không. Cước vận chuyển đối với lượng hàng tương đương một container 40 feet tới Mỹ là khoảng 100 triệu đồng.

Theo đó, bà Liễu cho rằng hiện nay khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp trong ngành vẫn là sự thiếu hụt lao động.

Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc công ty DHA, đơn vị chuyên may gia công cho quần áo trẻ em, người lớn theo các đơn hàng của các nhà bán lẻ Mỹ thì nhận định: nếu tình trạng mất điện và thiếu hụt lao động tiếp tục xảy ra, chỉ cần vài chuyến phải giao hàng bằng máy bay cho khách, doanh nghiệp có thể phải đóng cửa.

Mặc dù gần đây, mức lương bình quân của công nhân ngành dệt may tại các tỉnh phía Bắc đã được nâng lên 1,8- 2,2 triệu đồng/tháng. Nhưng giá cả tiêu dùng ở mức khá cao, đã khiến cho người lao động chưa thực sự chuyên tâm vào công việc. Điều này đã khiến cho thời gian qua trên 10% lao động của ngành đã chuyển sang làm những công việc khác.

Ông Sơn phân tích, làm trong các nhà máy xí nghiệp, người lao động được đóng bảo hiểm và được hưởng các chế độ chính sách khác, nhưng do đa phần là lao động trẻ nên họ không nhìn thấy những điều này. Trong khi với các công việc khác như chạy chợ, làm người giúp việc… hàng tháng họ vẫn có thể kiếm được khoản tiền tương đương.

Vì vậy, thời điểm này các doanh nghiệp như của ông Đô, bà Liễu còn tuyển cả những người chưa biết nghề vào vừa học vừa làm nhưng vẫn không đủ lao động.

Trước thực trạng trên, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp nên di dời cơ sở sản xuất về nông thôn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Còn theo bà Tín để tăng thu nhập cho người lao động, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến việc nâng cao nâng suất lao động, cắt giảm các chi phí. Bên cạnh đó, cần tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm thay vì chỉ nhận may gia công như trước đây.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container