Một trong những dấu son đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ (1995- 2010) là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Trong đó, dệt may của Việt Nam đã vươn lên thành nhà cung ứng hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ và giày dép Việt Nam đang có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường nhiều tiềm năng này.
Giày da do Việt Nam sản xuất được ưa chuộng tại Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG |
Thuận lợi: Thị trường
Năm 2009, ngay trong thời điểm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các nước xuất khẩu dệt may, da giày vào thị trường Mỹ đều giảm xuất khẩu ở mức 2 con số. Tuy vậy hàng dệt may, da giày Việt Nam xuất khẩu vào đây chỉ giảm nhẹ khoảng 2% - 3%. Trong 12,3 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2009, ngành dệt may góp hơn 5 tỷ USD, giày dép góp 1 tỷ USD. Việt Nam hiện đã trở thành nhà cung ứng hàng dệt may và da giày lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm đến 57% thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, so với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 90 tỷ USD hàng dệt may vào Mỹ mỗi năm, cơ hội gia tăng thị phần hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ rất lớn và còn nhiều cơ hội. Mặc dù kinh tế Mỹ còn nhiều khó khăn, nhưng trong những tháng đầu năm 2010, hai ngành hàng này đang tiếp tục tăng trưởng. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng gần 20%, dự kiến đạt khoảng 6 tỷ USD (mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2010 là 10,5 tỷ USD).
Giày dép Việt Nam tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Việc gia tăng xuất khẩu giày dép vào Mỹ là một tín hiệu vui, khi thị trường chủ lực và truyền thống ở châu Âu đang gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2009, EU đã bỏ chính sách ưu đãi thuế quan cho các nước nghèo (GSP) đối với da giày Việt Nam, bên cạnh quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam thêm 15 tháng (đến năm 2011). Những chính sách này đã khiến giày dép Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh, giảm sản lượng xuất khẩu vào EU (năm 2005, EU chiếm 60% thị phần xuất khẩu da giày của Việt Nam, năm 2009 chỉ còn 47%).
Do vậy việc doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu giày dép vào Mỹ, gia tăng thị phần ở thị trường này từ 20% của năm 2005 lên gần 26% năm 2009 là điều có nhiều ý nghĩa. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ ước tính, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010 sẽ đạt hơn 14 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2009.
Khó khăn: Năng lực
Mỹ phải nhập khẩu 90% giày dép để tiêu thụ tại thị trường nội địa, đây là điều kiện hấp dẫn để các nước xuất khẩu giày dép có cơ hội gia tăng thị phần. Do nhập khẩu 90% số lượng giày dép, nên khó có chuyện “bảo hộ ngành sản xuất giày dép” tại Mỹ! Trước nay, Trung Quốc vẫn là thị trường thống lĩnh cung ứng giày dép tại Mỹ với thị phần hơn 50%. Trong xu hướng sản xuất hiện nay, miếng bánh thị phần của Trung Quốc đang bị thu hẹp lại và đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu ít hơn như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh gia tăng thị phần. Những thuận lợi về chính sách vĩ mô đã thấy rõ. Tuy nhiên, xét về mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với thị trường, giày dép Việt Nam vẫn còn có nhiều hạn chế cần khắc phục.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp da giày Việt Nam, phần lớn các nhà nhập khẩu giày dép của Mỹ thường đặt hàng với số lượng lớn và sản xuất theo hình thức FOB (mua đứt, bán đoạn). Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực trong đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng như chọn mua vật tư, nguyên phụ liệu. Do vậy, chỉ có các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 60% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giày dép ở Việt Nam) mới có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu sản xuất của nhà nhập khẩu Mỹ.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhận định, cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã rõ, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cũng như đầu tư nhiều cho thị trường này. Hiện tại, chỉ có các thương hiệu giày Thái Bình, Biti’s, Hữu Nghị… có kế hoạch gia tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, với việc đưa vào áp dụng Đạo luật An toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải gia tăng năng lực để có thể kiểm soát được vấn đề an toàn của sản phẩm, khi hầu hết nguyên liệu sản xuất giày dép đều liên quan đến hóa chất.
(Theo Mỹ Hạnh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com