Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành dệt may: Thấp thỏm nhiều mối lo

Kết thúc năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 10,5 tỷ USD và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2011, với giá trị xuất khẩu đạt 2,15 tỷ USD, tăng tới 54,2% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là thắng lợi đến rất sớm với ngành dệt may, song ngành cũng đang đối mặt với vô vàn khó khăn trong năm 2011 này.
 
Những thuận lợi đến sớm

Theo đánh giá của Bộ Công thương, với kết quả nói trên, dệt may tiếp tục trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 24 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay.

Không những thuận lợi về mặt kinh doanh, ngành dệt may đang vượt qua các ngành khác cả về sức thu hút lao động. Nếu như nhiều ngành khác đầu năm 2011 đều phải tuyển lao động mới, do lao động “nhảy nghề” thì ngành dệt may vẫn tấp nập đón công nhân lên sau kỳ nghỉ Tết. Theo lý giải của lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2011 khá đặc biệt so với những năm gần đây. Sau Tết Nguyên đán, lao động của ngành, của tập đoàn quay trở lại làm việc tương đối tốt, đặc biệt là khu vực miền Trung và Nam Trung bộ. Nhiều nơi chiếm tới 98% công nhân trong đơn vị quay trở lại làm việc. Nhiều nhà máy, công nhân đi làm lại từ mùng 4 Tết, tới mùng 6 thì làm đủ cả 3 ca. Có được kết quả đó là bởi, trong năm 2010, các doanh nghiệp có nhiều động thái cải thiện tiền lương, điều kiện sinh sống cho người lao động. Hầu hết các công ty đều tổ chức đưa công nhân vùng xa về tận các trung tâm huyện lị. Kinh phí này được bao cấp hoàn toàn.

Đánh giá về những “cái được” của ngành dệt may, Tổng kiểm toán Nhà nước – ông Vương Đình Huệ, tại cuộc họp báo cáo kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty năm 2010 cho biết: Nếu như đến 31-12-2009, tổng tài sản của Vinatex chưa đến 1 tỷ USD nhưng họ đã giải quyết công ăn việc làm cho 140.000 lao động với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.  “Với năng lực của mình, tập đoàn Dệt may Việt Nam luôn cạnh tranh sòng phẳng với khu vực và quốc tế”. Trước những thắng lợi có thể nói là đến từ rất sớm, Phó Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang tiếp tục phấn đấu chinh phục cột mốc xuất khẩu 13 tỷ USD. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may đã nhận được một khối lượng đơn đặt hàng lớn. Có những đơn vị có thương hiệu tốt có đơn hàng đến hết quí III năm nay.
 
Vẫn đối mặt với nhiều khó khăn

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may cũng đang phải đối mặt với những khó khăn do biến động dồn dập về giá cả, tỷ giá USD và lãi suất vay vốn.

Đại diện Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến tỏ ra lo lắng khi những tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành của sản phẩm dệt may. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ta chưa mạnh, nên nguồn vốn chủ yếu là đi vay, nhưng với lãi suất cho vay cao ngất (từ 17 đến 19%), doanh nghiệp không thể làm ăn có lãi được. Một số công ty may đành phải chấp nhận giữ giá bán một số sản phẩm và chịu giảm lợi nhuận, một số sản phẩm khác nếu có tăng giá thì cũng chừng mực. Nhiều ý kiến cho rằng, với tỷ giá hiện nay, những doanh nghiệp may nào không xuất khẩu mà chỉ nhập nguyên phụ liệu về sản xuất tiêu thụ nội địa sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Hiện, ngành dệt may đang phải  nhập một khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào và còn đang đối mặt với một nghịch lý. Sợi sản xuất ra hiện nay 2/3 phải xuất khẩu. Trong khi ngành may lại phải nhập tới 5,3 tỷ USD tiền vải từ nước ngoài (khoảng 70%). Đây sẽ vẫn là một bài toán khó khi ngành công nghiệp dệt sợi, in, nhuộm trong nước hiện vừa yếu và thiếu về cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ sản xuất.

Bên cạnh đó, những dự báo về việc thiếu điện trong mùa khô cũng là một lực cản đối với ngành này. Chẳng hạn như, việc thực hiện các đơn hàng mùa Hè của ngành lại vào đúng mùa khô, mùa phải tiết giảm điện. Dệt may hiện lại đang dịch chuyển nhiều về khu vực miền Trung, nông thôn, trong khi khu vực này lại chiếm tỷ lệ bị cắt điện rất lớn. Do đó, doanh nghiệp không còn cách nào khác hơn là phải triệt để tiết kiệm, cải tiến thiết bị, tăng năng suất lao động để giảm đơn giá tiền công của một đơn vị sản phẩm. Mặt khác, phải nhanh chóng cải tiến quy trình sản xuất, dự báo tầm xa, có khoản dự trữ nguyên vật liệu, ra sức đẩy mạnh xuất khẩu để cân đối ngoại tệ, lấy ngoại tệ thu được từ xuất khẩu bù cho lượng ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu để hạn chế tối đa ảnh hưởng của biến động.

(Báo Đại Đoàn Kết)

  • Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dệt May VN
  • Thời trang Ý hỗ trợ dệt may, da giày, đồ gỗ Việt
  • Cơ hội mở cho ngành dệt may Việt Nam
  • Thiếu điện, dệt may lo trễ đơn hàng
  • Ngành dệt may: Tái cấu trúc - điều kiện cần để phát triển bền vững
  • Doanh nghiệp dệt may: thách thức giữ nhân lực
  • Cách đột phá nào để trở thành mũi nhọn kinh tế?
  • Tháng đầu năm 2011: Dệt may xuất khẩu gần 1 tỉ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container