Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang thiết lập lại thị trường mới, hàng dệt may Việt Nam (VN) đang có nhiều lợi thế để gia tăng thị phần xuất khẩu. Dự báo trong 5 năm tới, dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của VN. Đứng trước bài toán thiếu lao động tại các đô thị lớn, các doanh nghiệp (DN) dệt may phải tính đến giải pháp căn cơ để giảm áp lực phụ thuộc nhiều vào lao động tại đô thị.
Kiểm tra tay áo veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: Cao Thăng |
Nhiều doanh nghiệp không còn “yêu nghề”
Theo ước lượng, ngành dệt may VN có khoảng 2.000 DN, với 2 triệu lao động. Trong đó, 60% DN tập trung ở các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong thời điểm khó khăn ở cuối năm 2008, nhiều DN dệt may tại phía Nam đã ngưng hoạt động chuyển sang cho thuê mặt bằng, nhà xưởng hoặc chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho rằng, phần lớn trong số này là những DN không tính đến chuyện gắn bó lâu dài với nghề may.
Thực tế hiện nay, ngành dệt may không thể có được con số chính xác về số lượng DN may đã “chuyển nghề”. Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN gắn bó lâu năm với nghề may tại TPHCM thì đã có nhiều DN may tiếng tăm một thời không còn nữa, thay vào đó chủ yếu là các DN lớn thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Điều này được lý giải, khi VN bắt đầu mở cửa, XK dệt may ngày một khá hơn, số lượng DN nở ra. Nhưng sau một thời gian, khi sự cạnh tranh về thị trường, chất lượng ngày một khắt khe hơn, nhiều DN không đủ năng lực đã phải rút lui. Và nay, khi lao động VN không còn là lao động rẻ, dẫn đến sự cạnh tranh về giá, nguồn lao động mất ổn định, nhiều DN tư nhân đã không trụ nổi với nghề. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Di dời cơ sở sản xuất về nông thôn
So với 2 năm trước, chi phí trả cho người lao động tại VN đã tăng lên, tuy nhiên so với khu vực ASEAN, vẫn rẻ hơn của Thái Lan, Malaysia. Đó là chưa kể cuối năm 2008, Trung Quốc đã thay đổi một số chính sách có lợi cho người lao động, nên chi phí tăng 20%. Đây cũng là lý do mà các nhà nhập khẩu nước ngoài chuyển đơn hàng sản xuất về các nước có nhân công rẻ hơn, trong đó có VN.
Nhờ vào những lợi thế trên, hàng dệt may XK vẫn có được dấu hiệu khả quan trong xu hướng giảm của thị trường. Theo đánh giá, ngành dệt may tiếp tục hồi phục trong những tháng cuối năm 2009, đồng thời nhiều khả năng tăng trưởng dần trở lại trong năm 2010. Tuy nhiên, sự “kỳ lạ” của thị trường lao động tại VN hiện nay đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các DN và ngành quản lý. Hiệp hội Dệt May VN đánh giá, vấn đề thiếu lao động của ngành dệt may hiện nay chỉ được giải quyết tương đối cơ bản bằng việc thực hiện song song hai giải pháp: Một, cải tiến quản lý công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó có điều kiện tăng thu nhập để thu hút lao động. Hai là, từng bước di dời các cơ sở sản xuất hàng phổ thông ra khỏi các khu vực thành thị, đưa về những vùng có lực lượng lao động nông nhàn để giảm áp lực thiếu lao động tại đô thị. Vấn đề này cũng nằm trong chính sách di dời sản xuất của TPHCM đối với các ngành có thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày nhằm giảm áp lực cho đô thị. Hiện nay, tỉnh Bình Dương cân nhắc với các dự án có sử dụng nhiều lao động vì việc này dễ dẫn đến cạnh tranh giữa các DN đẩy mức lương tăng cao hơn. Một số DN lớn tại TPHCM xác định gắn bó với nghề may đã tiên phong mở rộng, chuyển sản xuất về các tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn DN còn lại vẫn chưa thiết tha đến việc di dời. Phải chăng các DN này chưa tính đến việc sẽ tiến xa với ngành may?
Cần có thời gian xây dựng tác phong công nghiệp
Tương lai cảng Sài Gòn (TPHCM) sẽ di dời, với áp lực về giao thông và cơ sở hạ tầng hiện nay tại TPHCM thì bắt buộc các DN dệt may có nhà xưởng sản xuất tại trung tâm TP phải tính đến việc di dời về các tỉnh, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) nhận định. Hiện Garmex đã xây dựng nhà máy và chuyển sản xuất bớt xuống nhà máy Tân Mỹ tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và sản xuất trên chuyền LEAN với công nghệ tinh gọn, hiện đại. Các DN tại TPHCM đã đầu tư nhà máy sản xuất tại các tỉnh cho biết, sẽ khó có ngay được sự hài lòng về tay nghề lao động tại địa phương, phải mất 3 - 5 năm đầu tư hoạt động sản xuất mới được tác phong công nghiệp như ở TP. Đây là vấn đề mà tất cả DN phải tính đến, khi mà ngành dệt may vẫn là một trong những ngành XK chủ lực của VN trong 5 - 10 năm tới.
(Theo Mỹ Hạnh/SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com