Mặc dù dệt may đang là nhóm hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao nhưng hiện cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đã có nhiều dự án của ngành dệt may được triển khai trên khắp địa bàn cả nước nhằm mang đến sự phát triển bền vững cho ngành dệt may trong tương lai.
Xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng còn nhiều thách thức.
Tính đến hết tháng 5/2010, xuất khẩu dệt may cả nước đã đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nhóm hàng dệt may đang có xu hướng dịch chuyển từ các khu vực Đông Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ, vốn là các trung tâm sản xuất dệt may sang các khu vực có lợi thế hơn về giá thành và tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á. Bên cạnh đó, định hướng phát triển ngành dệt may tập trung vào sản xuất các dòng sản phẩm trung và cao cấp có giá thành cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường mà xu hướng chủ yếu là đầu tư vào công nghệ và sản xuất chất lượng cao cũng đang là một động thái tích cực đối với sự tăng trưởng kim ngạch của ngành dệt may xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ngành dệt may cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Trong đó khó khăn chủ yếu vẫn là sự thiếu chủ động với nguồn nguyên liệu chính và tình trạng khan hiếm lao động.
Trong khi nguồn phụ liệu cho may mặc và đóng gói trong nước có thể đáp ứng được đến 80- 90% nhu cầu thì vải- nguồn nguyên liệu chính cho dệt may xuất khẩu- vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nước trong khu vực. Hiện nước ta mới chỉ đáp ứng được từ 30- 50% nhu cầu sản xuất cho một số dòng sản phẩm cơ bản như sơ mi, đồ Jeans… nhưng đối với các dòng sản phẩm thời trang nữ như vest, Jacket…. thì gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.
Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cho rằng: Thiếu lao động đang trở thành vấn đề căng thẳng nhất của các doanh nghiệp dệt may đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo chủ trương của Hiệp hội Dệt may, để giải quyết vấn đề về lao động, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung vào việc nâng cấp quản lý, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng để có những sản phẩm giá thành cao, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, theo phản ánh của lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may, trước tình trạng thiếu hụt lao động, một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực thay vì đầu tư vào công nghệ, nâng cấp quản lý lại tập trung mở rộng sản xuất, thu hút lao động từ các doanh nghiệp nhỏ, khiến cho các doanh nghiệp này vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn, tạo ra một xu hướng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Tập trung phát triển các dự án lớn
Để tập trung giải quyết những khó khăn cho ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may và các doanh nghiệp trong ngành đã đưa ra không ít giải pháp. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, những vướng mắc của ngành dệt may vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Sự thất bại của 2/3 dự án Trung tâm nguyên phụ liệu tại TP.HCM và Bình Dương đã cho thấy chủ động được về nguồn nguyên liệu không phải là vấn đề đơn giản trong khi ngành dệt may trong nước chưa thể định hướng được xu hướng tiêu dùng và luôn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ông Diệp Thành Kiệt- Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM- cho rằng: Để giải bài toán về nguồn nguyên liệu, Hiệp hội dệt may Việt Nam và một số nước trong khu vực đã đưa ra giải pháp tạo chuỗi liên kết giữa các nước trong khu vực nhằm tạo ra thế mạnh lớn đồng thời tận dụng những ưu đãi về thuế suất nhập nguyên liệu trong các thành viên của Asean. Tuy nhiên, xu hướng này mới chỉ đang được áp dụng thử nghiệm ở một vài doanh nghiệp lớn và cho đến thời điểm hiện nay chưa thể đánh giá được hiệu quả thực tế của mô hình này.
Chính vì vậy, nhiều dự án cho ngành dệt may đã được triển khai trên khắp cả nước nhằm phát triển bền vững cho dệt may. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết: Từ nay đến năm 2015, các nhà máy, cơ sở dệt nhuộm tại TP.HCM sẽ được bố trí di dời về các địa phương trong vùng vệ tinh như Long An, Đồng Nai, Tiền Giang nhằm giảm bớt áp lực về thiếu lao động và ô nhiễm môi trường cho thành phố. Theo đó, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành khu công nghiệp nhuộm tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ngoài ra, từ nay đến năm 2015, tại tỉnh Long An và Tiền Giang cũng sẽ được xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm…
Phía Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng sẽ xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại TP.HCM và 5 dự án dệt nhuộm trọng điểm tại một số địa phương, trong đó dự án dệt nhuộm Việt Thắng tại TP.HCM sẽ được đầu tư nâng cấp đạt công suất 45 triệu m3 vào cuối năm 2010. Đặc biệt, đến năm 2011 khi Nhà máy xơ Đình Vũ (Hải Phòng) đi vào hoạt động, ngành may mặc có thể đáp ứng được 70% nhu cầu về xơ, sợi phục vụ cho sản xuất. Nguồn cung ứng nguyên phụ liệu dệt may đang tăng trưởng với diện tích trồng bông năm 2009 đạt khoảng 9.000 ha (gấp 3 lần năm 2007) và trong năm nay diện tích này sẽ đạt khoảng 15.600 ha.
Với những hướng giải quyết trên, hy vọng trong thời gian tới ngành dệt may Việt Nam sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu và phát triển bền vững.
(Báo Công Thương Điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com