Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành Dệt may và da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD năm 2009

Thực hiện kế hoạch năm 2009, ngành Dệt may và Da giày đang đứng trước khó khăn do thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp, sức mua tại các nước nhập khẩu giảm mạnh...

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về sản xuất, xuất khẩu 2009 với các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, trong giai đoạn khó khăn này, các DN dệt may, da giày phải duy trì sản xuất, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng được mục tiêu đề ra của Chính phủ.
 
Hiện nay, hầu hết các DN dệt may, da giày đều lo lắng về mục tiêu hoàn thành kế hoạch xuất khẩu gần 15 tỷ USD trong năm 2009. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho biết, quý I-2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nên chỉ một số ít DN có thương hiệu và mối quan hệ truyền thống với các nhà nhập khẩu lớn như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Bình Minh... mới có thể thu xếp đơn hàng để sản xuất đến tháng 4-2009, còn hầu hết các DN khác (trong đó có nhiều DN FDI) không thu xếp đủ đơn hàng sản xuất ngay cả cho quý I-2009. Công nhân lo lắng về việc làm và thu nhập, còn nhà quản lý  lo lắng về sự tồn tại của DN. Do vậy, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động là mục tiêu số một của DN trong tình hình hiện nay. Đã đến lúc DN phải phòng thủ bằng cách tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và chủ động tiến công vào các mặt hàng mới khi có điều kiện. Trên thực tế, không trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ, một số DN đã cố gắng duy trì tối đa thị trường truyền thống; đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; xúc tiến vào các thị trường mới như Đông Âu, châu Phi, Nam và Trung Mỹ... Vitas đang cùng các DN lớn tổ chức chuỗi liên kết có cùng đẳng cấp để phát huy lợi thế cạnh tranh, cùng chia sẻ đơn hàng và lao động. Nhận thức được vấn đề thị trường nội địa không thuận lợi so với ngành dệt may, năm 2009 Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) khuyến khích các DN tập trung làm chủ thị trường này cùng với thiết lập kênh phân phối nội địa, đặc biệt phát triển các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất giày nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh ngành sản xuất giày Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm quốc tế... Lefaso cũng đưa ra giải pháp như DN có đơn hàng làm không hết dành cho các DN không có đơn hàng; xây dựng chuỗi liên kết các nhà sản xuất, với mục đích tạo đủ việc làm cho người lao động.
 
 Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 dự báo, sau Tết âm lịch, một số DN FDI, DN nhỏ và vừa sẽ tiếp tục giảm năng lực sản xuất (bình quân giảm 20%), thị trường xuất khẩu giảm 20%, vì vậy toàn ngành dệt may khó đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các DN dệt may ở TP Hồ Chí Minh vẫn cố gắng lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết, bình quân thưởng thêm tháng lương thứ 13. Đây là lúc DN chia sẻ với người lao động để cùng vượt qua khó khăn này.
 
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thị trường Nga sẽ là thị trường trọng điểm về xúc tiến thương mại của năm 2009. Bên cạnh nhiều DN tự chủ động thành lập các đoàn nhỏ đi xúc tiến thương mại, thì nên khuyến khích hỗ trợ những đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam mua hàng. Bộ Công thương đề xuất, Nhà nước cần sớm có quỹ bảo hiểm xuất khẩu để hỗ trợ các DN xuất khẩu vào các thị trường mới, độ rủi ro cao. Mặt khác, Chính phủ cần dành 1% kim ngạch xuất khẩu thanh toán, làm động lực lớn hỗ trợ thu nhập cho công nhân tại các DN xuất khẩu. Ngay trong 6 tháng đầu năm nay, dành 50 tỷ đồng cho các hiệp hội tổ chức các chương trình xúc tiến xuất khẩu vào thị trường châu Phi, Nhật Bản, Đông Âu, Nam Mỹ. Bên cạnh đó, hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn lưu động với các DN thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Về chính sách thuế, Vitas đề nghị chưa áp dụng thuế VAT trên thiết bị nhập khẩu và trên hoạt động ủy thác gia công xuất khẩu; thoái thu ngay 10% thuế VAT trong vòng 3-5 ngày sau khi DN hoàn tất thủ tục xuất khẩu; tạm thời chưa áp dụng thu bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi hết suy thoái kinh tế thế giới.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành cùng DN. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nhiều chính sách về lao động, đầu tư kết cấu hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính... do vậy phải thực hiện ngay những cơ chế, chính sách này. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc sẽ tiếp tục tháo gỡ. Với xúc tiến thương mại, cần đề xuất những cơ chế cụ thể hơn, trong đó có cơ chế thưởng xuất khẩu để bảo đảm sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Các hiệp hội cùng Bộ Công thương tổ chức thêm các hội chợ, triển lãm ở các khu vực để tăng kích cầu trong nước. Riêng hiệp hội chịu trách nhiệm dàn xếp các hợp đồng xuất khẩu trong hiệp hội cho các DN không có hợp đồng, với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động. Về vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu, DN nào khó khăn, hiệp hội phải tập hợp cùng Bộ Công thương làm việc với ngân hàng để tháo gỡ, hỗ trợ hiệu quả xuất khẩu.

(Theo Vinanet)

Bài thuộc chuyên đề: Tổng hợp thông tin dự báo kinh tế Việt Nam 2009

  • Xuất khẩu dệt may Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi hủng hoảng tài chính
  • May Nhà Bè coi trọng phát triển thị trường trong nước
  • Ba gói hỗ trợ giúp dệt may vượt khó
  • Dệt may tập trung vào thị trường bình dân
  • Vinatex xây dựng hệ thống bán lẻ trong nước
  • ASEAN nỗ lực vực dậy ngành dệt may xuất khẩu
  • Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ giảm mạnh trong tháng 11/2008
  • Xuất khẩu giày của thành phố Jinjang (Phúc Kiến – Trung Quốc) tăng 10,75% trong năm 2008
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container