Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nỗi khổ của DN dệt may

Cùng với những khó khăn về thị trường XK và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hiện nay các DN dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ chính những khó khăn nội tại trong nước như: thủ tục hải quan, giá điện, nhân công, thị trường… Vì vậy mặc dù, kim ngạch XK dệt may của VN về tổng quan có xu hướng tăng, nhưng tình hình liệu đã có thể lạc quan ?


Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN, năm 2009 tổng cầu hàng dệt may trên thế giới có thể giảm 15%, mục tiêu XK từ 9,2-9,5 tỷ USD đang là thách thức lớn với dệt may trong nước.


Khó nơi đất khách, dệt may "về nhà"


Hiệp hội Dệt May VN cũng nhận định, khó khăn lớn nhất rơi vào những DN XK sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 55% thị phần của hàng dệt may XK trong năm 2008). Nhiều nhãn hiệu lớn, nhiều khách hàng truyền thống đã giảm đến 50% đơn hàng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK ngành dệt may đã giảm tới 11%.


Giờ là lúc mà các DN dệt may cần phải xác định được hướng đi cụ thể cho mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các DN cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ, các ban ngành hữu quan đối với ngành may trong việc phát triển thị trường nội địa.


Bà Trần Thị Sinh Duyên - Giám đốc Cty cổ phần May Hai (Hải Phòng) cho biết: Mỹ, EU là những thị trường XK lớn của May Hai, nhưng từ đầu năm tới nay, giá trị XK của Cty vào các thị trường này giảm 30 - 40%, đặc biệt giảm mạnh tại thị trường Mỹ. Ông Vũ Đình Tân - Phó Giám đốc Cty Minh Trí cũng cho biết: XK vào thị trường Mỹ cũng đã giảm tới 30%, sản lượng và kim ngạch XK 5 tháng đầu năm giảm 30% so với năm ngoái khiến DN đang "lúng túng" trong XK.


Trước bối cảnh khó khăn XK đã khiến ngành dệt may tìm kiếm “đường về nhà”, với mục tiêu là thị trường nông thôn với số dân đông đảo. Điển hình là chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa đang được ngành dệt may triển khai qua hệ thống siêu thị bán hàng trực tiếp lẫn các kênh phân phối sỉ, lẻ.


Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN Lê Quốc Ân cho biết: Tiếp cận mạnh hơn thị trường trong nước là hướng đi của hầu hết các DN VN, trong khi đó hầu hết các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì thiếu khả năng này do trước đây tập trung hết cho XK theo đơn đặt hàng của Cty mẹ.


Tuy nhiên ngay cả "sân nhà" cũng đang bị đe dọa bởi hàng dệt may giá rẻ của Trung Quốc tràn lan khắp nơi, đặc biệt là gần đây thông tin về nhiều mặt hàng quần áo và đồ dùng cho trẻ em sản xuất ở Quảng Đông (Trung Quốc) chứa các hóa chất độc hại đang khiến các DN rất lo lắng. Trên thực tế, tại các chợ, siêu thị hàng TQ rất được người tiêu dùng ưa chuộng do mẫu mã đẹp, màu sắc phong phú, nhất là những sản phẩm giá từ 150.000 đồng trở lên. Người bán giới thiệu đó là hàng Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc... nhưng thật ra 80% là của TQ.


Theo các DN ở thị trường nội địa nếu biết khai thác và có chiến lược hợp lý thì đây vẫn là thị trường tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao cho DN. Một trong những kinh nghiệm khai thác thành công thị trường trong nước, đem lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm của nhiều DN dệt may chính là quan tâm, củng cố đội ngũ các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp để có thể đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn.


Thực tế là đa số các DN dệt may lớn cũng đã nhận ra sức tiêu thụ lớn của thị trường nội địa và đang có những chiến lược cụ thể, chẳng hạn như Vinatex Mart đã phát triển tới 22 tỉnh, thành phố, với tổng số 55 siêu thị. May 10, Nhà Bè... nhiều năm qua đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, hiện cũng đang có nhiều chương trình xúc tiến tiêu thụ tại "sân nhà".


Việt Tiến đang thực hiện chiến lược phát triển thị trường trong nước với mức tăng trưởng lên 40%, đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới, nhất là các mặt hàng thời trang cao cấp như Viettien, Vee Sendy, T-Tup, Sciaro, Manhattan... May 10 tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên 30%, May Đức Giang cũng xác định tăng thị phần trong nước trong năm 2009 từ 20-25%...


Điều vui mừng đối với các DN tại thị trường nội địa là người tiêu dùng trong nước bắt đầu ưa thích hàng nội vì chất lượng tốt, giá cả phù hợp với nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, thời gian qua do có những cảnh báo về hàng Trung Quốc nên rất nhiều người tiêu dùng đã quay lại mua hàng sản xuất trong nước.


Theo các chuyên gia, các DN nên tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, triệt để tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành đáng kể so với hiện nay. Đồng thời phải xây dựng thương hiệu mạnh với uy tín nhãn mác sản phẩm, với các chứng chỉ quốc tế về mặt quản lý theo ISO 9000, ISO 14000, SA 8000. Chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là các thị trường ngách, tăng cường công tác marketing; Phát triển mạnh các mặt hàng mà mình có ưu thế như sản phẩm may của DN Phước Thịnh, các loại hàng dệt kim của hãng Fooce, dệt Thái Tuấn ở TP HCM; Nghiên cứu mẫu mã chủng loại, kiểu dáng sản phẩm để phát triển thị trường trong nước... Đồng thời phải tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước nhằm hạ giá thành sản phẩm và xác định các mặt hàng trọng điểm và mũi nhọn trên thị trường nội địa mà DN cần chiếm lĩnh...


Lại chuyện... thủ tục hải quan


Câu chuyện của Cty TNHH May Minh Trí là một trong nhiều ví dụ điển hình về tình hình khó khăn hiện nay của các DN dệt may. Ông Vũ Đình Tân - Phó Giám đốc Cty cho biết: Minh Trí là Cty chuyên gia công XK vào thị trường các nước. Hàng tháng, lượng hàng nhập và XK của Cty rất lớn. Minh Trí đã đăng ký và đang thực hiện các hợp đồng tại Chi cục Hải quan Đầu tư – Gia công Hà Nội. Theo quy định của Quyết định 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004, khi hàng hoá nhập/XK được miễn kiểm tra, DN chỉ việc nhận hàng và đưa hàng về nhà máy để sản xuất hoặc hàng xuất được đưa thẳng tới Cảng để làm thủ tục và chất hàng lên tàu. DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí giao nhận vận chuyển. Điều này đã giúp DN đảm bảo được thời hạn giao hàng cho khách hàng nước ngoài, công nhân không phải nghỉ chờ việc, chờ nguyên phụ liệu về nhà máy. Đối với các lô hàng hoá phải kiểm tra, DN làm thủ tục kiểm hoá và nhập/xuất hàng tại Cảng cũng rất nhanh và thuận tiện, chỉ trong vòng 4 giờ làm việc đã được thông quan hàng hoá.


Thế nhưng, kể từ ngày 20/4/2009, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 79/2009/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế XK, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu thì tình hình lại khác. Quy định tại mục 6 , khoản C của điều 57 của  Thông tư số 79: Hàng hoá của DN bắt buộc phải làm thủ tục niêm phong chuyển tiếp về cửa khẩu mở tờ khai hoặc kho riêng (kể cả hàng hoá thuộc diện miễn kiểm tra thực tế), hải quan cửa khẩu ghi rõ số niêm phong và tình trạng hàng hoá vào biên bản bàn giao, niêm phong hồ sơ và giao cho chủ hàng chuyển cho chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.


Vì thế, khi hàng về đến địa điểm đăng ký trong đơn chuyển cửa khẩu, DN nộp hồ sơ đã được hải quan cửa khẩu niêm phong cho chi cục hải quan ngoài cửa khẩu để làm tiếp thủ tục thông quan lô hàng. "Chúng tôi hiểu theo quy định hiện hành, việc giám sát các lô hàng phải kiểm tra là việc bắt buộc" - ông Trí cho biết. Tuy nhiên, theo ông Trí đối với các lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra thực tế hàng hoá nếu áp dụng phương pháp giám sát như trên thì nó thực sự không có ý nghĩa ưu tiên gì đối với DN chấp hành tốt pháp luật (không khuyến khích DN chấp hành tốt pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu), đi ngược lại chủ trương đổi mới và hiện đại hoá ngành Hải quan để đi đến thông quan điện tử, không tạo nên sự khác biệt giữa hàng hoá phải kiểm tra và miễn kiểm tra. Hơn nữa việc niêm phong/kẹp chì ở của khẩu nhập sẽ gây tốn kém, chi phí vận chuyển vòng vèo do không cùng tuyến đường, thời gian lưu xe, lưu container chờ thông quan tại Hải quan ngoài cửa khẩu, nếu DN muốn lấy hàng ngoài giờ lại phải đăng ký, làm các thủ tục để di chuyển hàng hoá đến địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu.


Theo ông Trí, hiện tại rất nhiều lô hàng của DN đang ứ đọng ở cảng do hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu không thống nhất trong việc áp dụng Thông tư 79. Hàng hoá nhập khẩu trong diện miễn kiểm tra không được đưa ngay về nơi sản xuất mà vẫn phải chịu sự giám sát của hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu. Do vậy , chi phí cho 1 lô hàng nhập tăng gấp 2-3 lần do vận chuyển vòng vèo chờ thông quan, chi phí lưu container. lưu xe , bến bãi..., thời gian chờ đợi làm thủ tục gây chậm trễ cho sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ XK.


Và vấn đề nhân công


Ngoài những vấn đề liên quan tới thủ tục thì DN dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác. Đó là giá điện tăng, khó tuyển công nhân, XK giảm... Mặc dù hiện nay các DN đã ký được hợp đồng tới hết tháng 8, thậm chí có DN đã ký tới hết quý 3/2009, nhưng do khó khăn về nhân công và nhiều vấn đề khác nên thậm chí, có DN đã phải san sẻ đơn hàng cho các đơn vị khác. Theo nhiều DN, mặc dù đơn hàng các DN đã ký được có nhiều hơn nhưng cũng chưa thể nói mạnh điều gì, do chưa thể khẳng định suy thoái kinh tế toàn cầu đã tới “đáy” hay chưa.


Phụ trách tuyển dụng một Cty CP may  than thở: Dù đã đưa ra các tiêu chuẩn có lợi nhất cho lao động từ đầu năm đến nay, Cty chỉ tuyển được 800 lao động phổ thông. Sau giai đoạn thử việc, chỉ còn nửa số lao động ở lại. Cty đang cần 700 lao động nhưng tình hình này thì không biết tuyển đâu ra.


Từ những lý do kể trên, cộng với việc tuyển công nhân khó khăn nhiều DN dệt may đang phải "bạc mặt" tìm hướng giải quyết. Ngay bản thân Cty Minh Trí đã tăng lương để bù trượt giá (6%), hỗ trợ tiền ở và đi lại cho công nhân 300.000 đ/tháng... nhưng DN này vẫn gặp nhiều khó khăn về tình hình nhân công.


Giám đốc một DN dệt may chia sẻ: Một trong những khó khăn lớn nhất mà các DN dệt may đang phải đối mặt  là vấn đề nhân công. Mặc dù mức lương so với mặt bằng chung hiện nay không phải thấp (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng), nhưng do giá các mặt hàng tiêu dùng đang có chiều hướng tăng, khiến cho người lao động chưa thực sự chuyên tâm vào công việc. Điều này khiến cho thời gian qua trên 10% lao động của Cty này đã chuyển sang làm những công việc khác.


Mặc dù đã được đóng bảo hiểm và được hưởng các chế độ chính sách khác theo quy định của Luật Lao động, nhưng do đa phần công nhân là những người từ nông thôn ra, trình độ văn hóa và nhận thức có hạn nên họ không nhìn thấy mặt phải của vấn đề này mà họ thường so sánh mức lương này với những nghề tự do khác như: xe ôm, phụ hồ, chạy chợ, giúp việc... hàng tháng họ vẫn có thể kiếm được khoản tiền tương đương nên đã không “mặn mà” với việc vào làm trong nhà máy. Ngoài ra, giá điện tăng khiến cho giá cả của các đầu vào khác như nước, bao bì... đều tăng, trong khi đó, nhiều đơn hàng giá phải giảm tới 30% để cạnh tranh nhưng xem ra tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn - Vị giám đốc này khẳng định.


Theo các chuyên gia kinh tế, giờ là lúc mà các DN dệt may cần phải xác định được hướng đi cụ thể cho mình. Bên cạnh sự nỗ lực của các DN cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ, các ban ngành hữu quan đối với ngành may trong việc phát triển thị trường nội địa.

(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tiêu thụ thời trang nội địa tăng 23%
  • Việt Nam tăng xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may
  • Dự báo ngành Dệt May Việt Nam đến năm 2013
  • Ngành sợi tìm đường xuất khẩu
  • Một số thông tin về thị trường da giày thế giới
  • Xuất khẩu dệt của Ấn Độ mất lợi thế cạnh tranh
  • Dệt may dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu
  • Nhiều nước EU muốn bỏ thuế chống phá giá với giày VN
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container