Theo một đề án của bộ Công thương, đến nay, rất nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng thậm chí sang cả quý 2 năm sau. Một số doanh nghiệp lớn như may Việt Tiến, may 10, Sài Gòn 2, dệt Phong Phú... đã phải từ chối không nhận thêm đơn hàng nữa do đã hết công suất.
Do chi phí cao, sản xuất dệt may tại một số nước khu vực như Nam Mỹ, Caribê, Trung Mỹ và Đông Âu có xu thế giảm sút và được chuyển dịch sang các nước châu Á (trong đó có Việt Nam), nơi có lực lượng lao động đông và chi phí thấp. Khách hàng nước ngoài đang có xu hướng tìm đến Việt Nam với các sản phẩm trung và cao cấp do sản phẩm của Việt Nam đáp ứng tốt về yêu cầu chất lượng và họ muốn tránh tập trung lệ thuộc vào Trung Quốc đang bị chỉ trích về chất lượng và an toàn...
Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2010, đạo luật bảo vệ môi trường của người tiêu dùng của Mỹ có hiệu lực, dựng nên hàng rào kỹ thuật mới đối với thị trường xuất khẩu dệt may. Theo đó các lô hàng xuất khẩu vào Mỹ phải có giấy kiểm nghiệm của bên thứ ba xác nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu đảm bảo cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng. Do vậy, đề án của bộ Công thương cho rằng, Việt Nam phải có phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn để được Mỹ công nhận và cấp giấy chứng nhận, thay cho các thiết bị nghiên cứu thử nghiệm chất lượng hàng dệt may có từ những năm 1990.
Bên cạnh áp lực từ hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp dệt may đứng trước bài toán cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện đơn giá xuất khẩu vẫn giảm ở mức 10 – 15% và khả năng giá có thể nhích lên nhưng không nhiều. Trong khi áp lực tăng thu nhập của người lao động khá cao. Ngoài ra, hệ thống giao thông vận tải, thủ tục xuất khẩu không cải thiện nhiều. Ba năm qua, thủ tục xuất, nhập khẩu và thời gian không thay đổi, theo đánh giá của báo cáo Doing Business 2010 do ngân hàng Thế giới công bố. Chính vì vậy, đề án đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như doanh nghiệp tận dụng cơ hội thu hút đơn hàng, duy trì được và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm được khách hàng mới. Chú trọng đến việc xây dựng liên kết chiến lược với các khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, khách hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của họ.
Đề án cũng lưu ý, nguy cơ điều tra chống bán phá giá do giá xuất khẩu của Việt Nam giảm 19,7% trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong khi giá trung bình các nước xuất khẩu vào Mỹ giảm có 4,92%.
Theo hiệp hội Dệt may, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt 10,5 tỉ USD, tăng 15% so với năm trước.
(Theo SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com