Sản lượng bông trồng của Việt Nam (VN) hiện chỉ mới đáp ứng được 2% nhu cầu của ngành. Có đội ngũ thiết kế lại không có nguyên phụ liệu (NPL) tại chỗ, không có NPL, khó phát triển đội ngũ thiết kế… Cái vòng lẩn quẩn trong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là cản trở lớn nhất cho việc gia tăng giá trị của xuất khẩu dệt may.
Công nghiệp phụ trợ: Chưa tới đâu!
Phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thì ngành dệt may, thời trang VN mới có cơ sở thoát khỏi tình trạng gia công, nâng cao giá trị xuất khẩu, tránh việc bị hàng thời trang nước ngoài chiếm lĩnh. Bộ Công thương đã xây dựng 3 đề án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải phục vụ xuất khẩu (từ năm 2007 đến 2015); phát triển vùng bông chuyên canh theo kiểu trang trại; phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ thiết kế.
3 đề án trên đã và đang triển khai nhưng quá trình thực hiện cũng như mục tiêu đề ra đều quá sức với ngành. Sản lượng bông vải tại VN năm 2008 chỉ mới đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu bông xơ cho ngành sợi. 1 tỷ mét vải còn xa vời với mục tiêu. Nguồn nhân lực, đội ngũ thiết kế cũng mới xây dựng nền móng. Mong muốn và thực tế dường như luôn đối nghịch!
Trong nhiều cuộc họp về phát triển ngành dệt may, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đã nhiều lần trăn trở, chúng ta luôn mong muốn phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, thời trang nhưng vẫn chưa làm ra được! Hiện nay, 80% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho ngành dệt may trong nước và xuất khẩu đều phải nhập của nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may chia sẻ, thật tình chẳng vui sướng gì với những con số dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của cả nước vì trên thực tế chúng ta chỉ gia công là chính.
Việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là việc cho tương lai và cần phải chờ thời gian. Để chữa cháy cho nguồn cung NPL tại chỗ, giải pháp được ngành dệt may đặt ra là hình thành các trung tâm giao dịch NPL, “chợ” bán sỉ NPL cho cả nguồn NPL của nước ngoài tại VN. Có vậy, DN VN sẽ chủ động lựa chọn NPL tại chỗ, rút ngắn thời gian cũng như giảm chi phí mua hàng ở nước ngoài. Và rồi, cũng có DN tiên phong xây dựng trung tâm, làm cầu nối cho người bán và người mua. Nhưng kết quả, không có ai vào, DN phải chuyển đổi công năng để cứu vãn phần nào nguồn vốn bỏ ra đầu tư quá lớn!
Quần áo trẻ em của Công ty may Nhật Tân được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Giải pháp nào?
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Hãng thời trang Sanding, nhận xét, ngành dệt may đã không còn hấp dẫn và đó cũng là nguyên nhân khiến đội ngũ thiết kế hiếm. Trong tình hình khó khăn chung của ngành thời trang trong nước, mức lương trả cho nhân viên thiết kế của Sanding chỉ ở mức 4 - 5 triệu đồng/tháng. Đây cũng một trong những lý do, các DN sản xuất hàng thời trang tiêu thụ nội địa không có được đội ngũ thiết kế thật sự xuất sắc. Thực tế, những nhà thiết kế có chút tên tuổi đều mở cửa hàng riêng. Dường như tất cả các thương hiệu thời trang của VN đều thiếu vắng tên của những nhà thiết kế tên tuổi.
Nhiều nhà thiết kế cho rằng, nếu có sẵn nguyên liệu tại chỗ, bộ phận thiết kế sẽ chủ động, thực hiện nhanh hơn khâu thiết kế mẫu, thay vì thiết kế mẫu trước rồi mới chọn NPL để may.
Hiện nay, các hãng thời trang chuyên về thời trang nữ hầu hết phải mua NPL “thời trang” của nước ngoài. Các tên tuổi nhà cung cấp NPL, vải lớn, nổi tiếng trong nước như Việt Thắng, Thành Công, Phong Phú chủ yếu cung cấp vải may áo sơ mi, quần Tây, Kaki.
Tại TPHCM, ở các chợ sỉ NPL như Soái Kình Lâm (quận 5), chợ Tân Bình đều tràn ngập vải của Trung Quốc, Hàn Quốc. Doanh nghiệp có muốn thực hiện, làm tốt chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng khó làm được.
Hiện thời trang Sanding chuyên về thời trang nam, nữ, trẻ em, sử dụng cao lắm chỉ được 40% NPL trong nước sản xuất, còn lại đều phải sử dụng NPL ngoại nhập. Hiện nay, có nhiều ý kiến khen chê thời trang Sanding, nhưng ông Toàn vẫn lạc quan vào sự gầy dựng thương hiệu trong 11 năm qua và đã có chỗ đứng nhất định trong một phân khúc khách hàng.
Trước sức ép về chi phí mặt bằng, quảng bá, marketing, phát triển hệ thống phân phối hiện nay, các DN trong nước khó cạnh tranh với thương hiệu thời trang nước ngoài. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM đưa ra gợi ý, các DN có tâm huyết xây dựng phát triển thời trang trong nước có thể liên kết tham gia vào một nhóm. Từ đây sẽ phân chia công việc cho từng thành viên, hình thành một chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng nguyên phụ liệu, đến sản xuất và phân phối. Đây là con đường ngắn nhất để gặp nhau. Nếu để tự mỗi DN hoạch định, xây dựng thương hiệu phát triển thì e rằng phải đợi rất lâu nữa ngành thời trang VN mới có được những cái tên như Việt Tiến, Sanding, PT 2000, Blue Exchange, Viethy, Foci, Sifa…
Cũng theo hướng này, ông Toàn cho biết, trong thời gian tới, Sanding cũng hướng phát triển cửa hàng tự bán sản phẩm hoặc liên kết bán theo chuỗi. Trong một cửa hàng sẽ bán nhiều mặt hàng của nhiều DN, phục vụ cho nhiều đối tượng, lứa tuổi. Ngoài việc nỗ lực phát triển khâu thiết kế mẫu mã, NPL tại chỗ, việc có biện pháp xử lý rốt ráo “hàng gian, hàng giả”, hàng ngoại nhập đi bằng đường tiểu ngạch cũng là một trong những giải pháp quan trọng cho sự vực dậy, tìm đất sống cho thời trang trong nước.
Bộ Công thương cũng đã xây dựng đề án phát triển ngành thời trang VN, với sự kết hợp, tham gia của 3 ngành: dệt may, da giày và nữ trang. Ngành dệt may VN cũng đặt nhiều tham vọng, trở thành một trong những trung tâm thời trang ở khu vực ASEAN và châu Á. Điều này được lãnh đạo Vitas đặt kỳ vọng vì Việt Nam đã chính thức được kết nạp trở thành thành viên thứ 6 của Hiệp hội Thời trang châu Á (AFF) vào ngày 22-11 vừa qua.
Đây như là động lực để VN hướng đầu tư nhiều hơn cho ngành thời trang trong thời gian tới. Vì so với 3 “kinh đô” thời trang ở châu Á là Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), thời trang của VN đứng ở đâu? Ngay cả khi so sánh với 2 “kinh đô” ở ASEAN là Singapore và Bangkok (Thái Lan) thì thời trang VN vẫn không thể có chỗ đứng ngang hàng! Chúng ta đã nhìn thấy điểm yếu, chúng ta mong ước và chúng ta hy vọng… vào thời gian.
(Theo MỸ HẠNH // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com