Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may, da giày đầu tiên tại xã Tân Bình, huyện Dĩ An
Một trong những nguyên nhân là do còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu của nước ngoài, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Việc một DN tư nhân đứng ra xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu đầu tiên trong lĩnh vực này ở Bình Dương được xem là cơ hội cho ngành may mặc, da giày thoát dần cảnh gia công, nâng cao tính cạnh tranh.
Bước bứt phá của một DN tư nhân
Dệt may và da giày là hai ngành có kim ngạch xuất khẩu khá cao, đứng hàng “top” trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Về nguồn nguyên phụ liệu chính, đa số các DN đều phải nhập khẩu. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều khả năng cũng như tiềm năng phát triển của ngành dệt may và da giày Việt
Nắm bắt được những khó khăn, cản ngại nêu trên của phía DN, Công ty TNHH Liên Anh đã mạnh dạn đầu tư một trung tâm nguyên phụ liệu dệt may và da giày tại xã Tân Bình, huyện Dĩ An, Bình Dương với quy mô rộng 160.000m2. Trung tâm gồm một khu chợ đầu mối nguyên phụ liệu có 1.386 gian hàng; khu văn phòng, showroom rộng 4.500m2 và một kho ngoại quan rộng hơn 42.000m2. Xét về địa điểm, trung tâm nguyên phụ liệu này hiện nằm giữa khu vực trọng điểm kinh tế của Đông Nam bộ với các tỉnh có công nghiệp dệt may, da giày phát triển là Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương... Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 12 triệu USD và giai đoạn 2 dự kiến là khoảng 10 triệu USD. Hiện trung tâm đã hoàn thành giai đoạn 1 và vừa tổ chức triển lãm nguyên phụ liệu lần đầu tiên vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Tại đợt triển lãm này đã có 160 gian hàng của 60 DN trong và ngoài nước tham gia, số lượng khách đến tham quan đạt hơn 1.000 lượt người.
Theo đó, chủ đầu tư trung tâm nguyên phụ liệu này hy vọng nơi đây sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu sản xuất của cả hai ngành dệt may và da giày, nhằm thúc đẩy DN chuyển từ gia công sang sản xuất. Đây cũng được xem là bước bứt phá đầu tiên của một DN tư nhân nhằm tìm hướng đi tối ưu cho ngành dệt may, da giày Việt
Những cái lợi đối với DN dệt may, da giày
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Liên Anh (chủ đầu tư trung tâm nguyên phụ liệu), khẳng định: “DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu chủ động được nguyên phụ liệu, bởi chi phí để nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài về sẽ đội lên nếu nhập với số lượng nhập ít. Đó là chưa tính đến những rủi ro khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.
Để minh chứng, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đã cho chúng tôi xem bảng chi phí nhập hàng của một công ty sản xuất da giày trên địa bàn Bình Dương. Qua so sánh bảng nhập hàng này cho thấy, lượng hàng nhập tập trung cho càng nhiều đầu mối thì chi phí càng rẻ. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, DN không thể tránh được sai sót về kỹ thuật, nếu tỷ lệ sai sót vượt quá 2% thì lượng hàng nhập riêng lẻ không đủ bù đắp. Và lúc đó nhà sản xuất phải nhập thêm nguyên phụ liệu theo đường hàng không để kịp bù vào, chi phí sẽ đội lên gấp nhiều lần. Ngoài ra, việc không chủ động được nguyên liệu khi phải nhập thêm, DN còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, mất lòng tin với đối tác.
Ngoài các vấn đề nêu trên, việc ra đời trung tâm nguyên phụ liệu tại chỗ sẽ giúp người mua có thể xem được toàn bộ lô hàng trước khi quyết định mua. Như vậy, DN sẽ giảm thiểu được rủi ro khi nhập hàng không bảo đảm, phải trả hàng, chi phí sẽ bị đội lên và còn có nguy cơ phải bỏ đơn hàng vì hàng về không kịp cho sản xuất. Đối với nhà sản xuất FOB (tự mua nguyên phụ liệu, bán thành phẩm) thì với nguồn nguyên phụ liệu phong phú tại chỗ sẽ kích thích được việc thay đổi mẫu mã của nhà thiết kế, từ đó sẽ cho ra nhiều sản phẩm dễ chào hàng và tiêu thụ hàng hơn khi kích thích được thị hiếu người mua. Bên cạnh đó, có thị trường mua bán nguyên phụ liệu tại chỗ sẽ giúp các nhà phân tích, cơ quan chức năng đánh giá được giá thành sản phẩm, có cơ sở để khuyến cáo các DN không nên bán hàng dưới ngưỡng, chống bị áp thuế bán phá giá.
Điều quan trọng hơn là trung tâm nguyên phụ liệu sẽ giúp các DN gia công mạnh dạn trong việc quyết định thay đổi từ gia công sang sản xuất FOB. Đây chính là điều kiện thuận lợi nhất giúp cho lượng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực này tăng đột biến. DN thu lợi nhuận nhiều hơn đồng nghĩa với đóng góp vào ngân sách nhiều hơn. Ngành da giày và dệt may trong nước nhờ đó sẽ thoát dần cảnh lệ thuộc vào đối tác và ngày càng ổn định hơn.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may và Thêu đan TP.HCM, trung tâm nguyên phụ liệu ở Bình Dương ra đời sẽ quy tụ hàng trăm đơn vị trong và ngoài ngành có chỗ giao dịch; thương mại hóa các hoạt động của DN. Ông Kiệt cũng cho rằng đã đến lúc các hiệp hội ngành hàng, bộ ngành liên quan cần có sự hỗ trợ để ra đời được các trung tâm nguyên phụ liệu tương tự...
(Theo BDO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com