Công nhân Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương được cảnh sát vận động giải tán. Ảnh: Telegraph. |
Hôm qua, thứ Ba, hàng trăm công nhân một nhà máy dệt ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã phong tỏa đường phố trong ngày thứ hai của cuộc biểu tình đòi tiền lương.
Hãng tin AP cho biết hơn 400 công nhân của công ty dệt quốc doanh Jindi Industry Group ở ngoại ô thành phố Trùng Khánh đã biểu tình ngoài đường, than phiền rằng đã ba tháng nay họ không được nhận lương. Công nhân đã phong tỏa đường phố chính chạy trước cổng văn phòng công ty với hy vọng thu hút được sự chú ý của chính quyền và được thanh toán khoản tiền lương mà công ty đang còn nợ, mỗi người khoảng 400 nhân dân tệ/tháng.
Hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai 13-4 cũng có 300 công nhân tụ tập tại địa điểm này trong một tiếng đồng hồ, nhưng không nói rõ chi tiết.
Công ty Jindi có khoảng 6.500 công nhân và theo Tân hoa xã, công ty đã không thể trả lương vì nhu cầu sản phẩm dệt của Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian khủng hoảng tài chính. Tân hoa xã cũng dẫn lời một quan chức của thành phố Trùng Khánh cho biết chính quyền đang xem xét đứng ra thay mặt công ty để hỗ trợ tài chính cho những công nhân gặp khó khăn.
Cũng theo Tân hoa xã, hồi đầu tháng này, khoảng 1.000 công nhân dệt của nhà máy dệt vải Baoding số 1 ở tỉnh Hà Bắc đã xuống đường phản đối việc sa thải công nhân, tham nhũng trong giới quản lý và trả lương không tương xứng.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, doanh số ngành dệt may xuất khẩu Trung Quốc trong tháng 2-2009 chỉ còn 6,68 tỉ đô la Mỹ, giảm 35% so với tháng 2-2008.
Quan chức địa phương phải “đón tiếp nồng hậu, kiên nhẫn lắng nghe lời khiếu nại của người dân một cách nhiệt tình và trách nhiệm, và nỗ lực hết sức để giải quyết những khiếu nại đó”.
Chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc
* Trong một sự kiện liên quan, hôm nay Chính phủ Trung Quốc ra chỉ thị yêu cầu chính quyền các cấp phải tăng cường nỗ lực tiếp xúc và giải quyết những khiếu nại của người dân trong địa phương mình, không để người dân dồn sự khiếu nại lên cấp trung ương ở Bắc Kinh.
Ở Trung Quốc đang có mối lo ngại sâu sắc rằng tình trạng mất việc làm và nợ lương do kinh tế suy thoái có thể dẫn tới những vụ biểu tình phản đối của đám đông.
Chính phủ Trung Quốc yêu cầu chính quyền cấp tỉnh, thành phố phải tiếp dân và giải quyết khiếu nại ít nhất một lần mỗi ba tháng, cấp quận huyện ít nhất một lần mỗi tháng, còn cấp thị trấn phải tiếp dân bất cứ lúc nào người dân có khiếu nại.
Quan chức địa phương phải “đón tiếp nồng hậu, kiên nhẫn lắng nghe lời khiếu nại của người dân một cách nhiệt tình và trách nhiệm, và nỗ lực hết sức để giải quyết những khiếu nại đó”, bản chỉ thị viết.
Chính phủ Trung Quốc cho biết mỗi năm họ nhận được từ 3 đến 4 triệu đơn khiếu nại, nhưng các tổ chức nhân quyền nhận định con số thực tế cao hơn nhiều. Số người dân Trung Quốc đổ xô về thủ đô để khiếu nại tăng vọt trong những năm gần đây một phần do sự hiểu biết của người dân về pháp luật được cải thiện đáng kể.
Thông thường người khiếu nại bị các quan chức địa phương ngăn trở và đưa về quê trước khi yêu cầu của họ được đề đạt tới các cơ quan liên quan ở trung ương bởi vì quan chức địa phương lo sợ sự khiếu nại của người dân có thể khiến họ bị mất chức hoặc bị điều tra.
(Theo Huỳnh Hoa - Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com