Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chung quanh việc áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng kính xây dựng

Thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số ngành và lĩnh vực sản xuất gặp không ít khó khăn do nhiều rào cản kinh tế phải dỡ bỏ, trong đó có ngành kính xây dựng. Một số nhà máy kính xây dựng đã và phải giãn tiến độ xây dựng như Chu Lai, Ninh Bình năm 2010 sẽ đi vào hoạt động, đẩy mức cung ra thị trường trong nước tăng 2,5 lần so với năm 2009.

Sản xuất kính tại Công ty cổ phần kính Đáp Cầu.Ảnh ĐĂNG HỒNG

 Trong khi đó, lượng kính nhập khẩu vẫn tăng mạnh. Theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến nay, lượng kính xây dựng nhập khẩu đã tăng gần gấp ba lần đã làm cho các nhà sản xuất kính xây dựng trong nước thua lỗ nghiêm trọng do việc sụt giảm lượng hàng bán ra. Từ giữa năm 2008, để có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, các DN sản xuất kính trong nước đã liên tục giảm giá bán, nhưng giá kính nhập khẩu vẫn thấp hơn giá kính sản xuất trong nước tới 15,91% đối với kính nhập khẩu từ Thái-lan và 18,01% đối với kính từ In-đô-nê-xi-a. Ðặc biệt là các sản phẩm kính xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ cuối năm 2009 và tháng 1-2010, kính nổi nhập khẩu đang có xu hướng tăng trở lại, cụ thể: giá trị nhập khẩu tháng 11-2009 tăng gần gấp đôi tháng 10-2009 lên 18,780 triệu USD và đến tháng 1-2010, con số này đã là 27,518 triệu USD.

Do sức ép của lượng lớn kính nhập khẩu, các nhà sản xuất kính trong nước đã phải điều chỉnh sản lượng sản xuất xuống còn 50% công suất thiết kế, giữ lượng tồn kho không tăng thêm. Tuy nhiên, việc làm này không hiệu quả do hàng nhập khẩu tăng đột biến, từ 2,55% lên 19,26% và giá bán rẻ hơn hàng sản xuất trong nước từ 12 - 34% đã làm cho hoạt động sản xuất của các DN kính trong nước đình trệ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất kính xây dựng trong nước do không tiêu thụ được sản phẩm, làm suy giảm công suất và hiệu quả hoạt động, tăng tồn kho hàng lên đến mức nguy hiểm.

Trong Văn bản số 3951 ban hành ngày 12-6-2009, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý để Hiệp hội kính xây dựng đề ra các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng kính, vừa để bảo vệ mặt hàng này trong nước đang sản xuất được trong điều kiện công suất dư thừa. Tiếp theo, ngày 1-7-2009, Bộ trưởng Công thương đã ký Quyết định số 3329/QÐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi, chủ yếu là kính xây dựng dùng trong xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po có mã HS theo biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam là 7005.29.90.00 và 7005.21.90.00. Từ tháng 7 đến cuối tháng 10-2009, Cục Cạnh tranh (cơ quan được Bộ Công thương giao thực hiện vụ việc này) đã thực hiện các công việc liên quan tới công tác điều tra như: thành lập nhóm điều tra, gửi câu hỏi tới các bên liên quan, phân tích bản trả lời và phân tích hồ sơ. Tháng 10-2009, Cục Cạnh tranh đã ra kết luận sơ bộ và cuối tháng 11-2009 đã tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 11/2009/TT-BXD về quản lý chất lượng kính xây dựng. Ðây cũng  là giải pháp tình thế, trong đó yêu cầu khắt khe về chất lượng các lô hàng kính xây dựng nhập khẩu.

Ðây là hồ sơ tự vệ đầu tiên mà Việt Nam xem xét kể từ khi gia nhập WTO.  Áp dụng biện pháp tự vệ là biện pháp được phép sử dụng trong thương mại quốc tế nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn đầu của mở cửa tự do thương mại. Biện pháp này được các quốc gia trên thế giới, cũng như các nước trong khu vực sử dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều DN biết cách sử dựng thứ "vũ khí này". Sau khi tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích ý kiến các bên và tổng hợp, phân tích tình hình, cuối tháng 12-2009, Cục Cạnh tranh thông báo Bộ Công thương đã đồng ý gia hạn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính xây dựng thêm hai tháng. Ðể công luận có thêm tư liệu, dẫn chứng liên quan vấn đề này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến, quan điểm của những người trong cuộc.

Các nhà sản xuất trong nước nói gì ?

Trước những khó khăn về sản xuất và tiêu thụ kính xây dựng, hai DN là Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG) cùng làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ kính nổi nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những thiệt hại nghiêm trọng. Khác với các vụ kiện chống bán phá giá, các vụ về tự vệ không cần chứng minh yếu tố bán phá giá mà chỉ cần chứng minh có sự gia tăng đột biến về lượng hàng nhập khẩu, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất  trong nước.

Thực chất loại kính mà các nhà nhập khẩu cho rằng các DN sản xuất trong nước chưa đáp ứng được là loại kính dày từ 12 mm trở lên, kính phản quang và các loại kính mầu đặc biệt hoặc kính có chiều dài hơn 3,658 m. Vì vậy không nhập khẩu các loại kính nêu trên thì nhà sản xuất kính thành phẩm sẽ không có hàng cung cấp cho khách hàng. Hơn nữa, thị trường của mặt hàng kính nổi đang thay đổi theo chiều hướng tích cực và giá bán kính nổi của VFG tăng khoảng 35%. Tuy nhiên theo khảo sát, nhu cầu đối với loại kính dày từ 12 mm trở lên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ (khoảng 10%). Do hiệu quả kinh tế của loại kính này chưa hấp dẫn nên các nhà sản xuất trong nước chưa chú trọng đến chủng loại sản phẩm này chứ không phải do hạn chế về năng lực sản xuất. Các dây chuyền sản xuất hiện tại hai nhà máy của VFG và VIFG đều có thể sản xuất được loại kính có độ dày hơn 12 mm. Nếu nhu cầu đối với chủng loại kính dày ở mức ổn định và được đặt hàng trước thì các nhà sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đưa vào kế hoạch sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. (Hiện nay, các nhà nhập khẩu muốn có hàng nhập khẩu theo nhu cầu cũng phải đặt trước ba đến sáu tháng mới về tới Việt Nam).

Về chất lượng sản phẩm kính nổi trong nước, DN sản xuất trong nước khẳng định luôn bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 7218:2002 và TCVN 7529:2005. Ngoài ra, việc tăng giá bán thời gian gần đây là do sự tăng giá của dầu FO (nguyên liệu chính trong sản xuất kính nổi). Năm 2008, giá kính tăng cao nhất tại thời điểm cuối tháng 7 do giá dầu thế giới đạt mức kỷ lục (hơn 140 USD/thùng), nhưng sau đó giá kính đã giảm liên tục nhiều lần trong quý IV-2008 và quý IV-2009. Nếu so sánh giá kính giữa hai thời điểm này có mức giá dầu FO gần bằng nhau thì giá kính hiện nay còn thấp hơn nhiều so với giá kính trước đây hơn một năm, đó là chưa tính đến các chi phí đầu vào khác như: lương công nhân, điện... đều tăng. Trong thời điểm khó khăn, VFG đã lựa chọn phương án giảm công suất lò chỉ còn 50%, trong khi VIFG cố gắng duy trì công suất ở mức 90% chứng tỏ sự độc lập trong lựa chọn giải pháp của mỗi nhà sản xuất, tuy nhiên cả hai cách làm nêu trên đều không giảm bớt được thiệt hại do lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn tăng đột biến.

Bên cạnh việc hàng nghìn công nhân lao động bị mất việc làm. Ðể giảm mức tồn kho, giảm chi phí đầu vào, một số DN đã phải đập kính thành phẩm để đưa vào nấu lại với một khối lượng không nhỏ, vì đặc thù hoạt động của lò nấu kính là không thể dừng (chi phí cho việc dừng sản xuất rất lớn vì phải tháo dỡ thủy tinh, bảo dưỡng thiết bị, lương cho công nhân chờ việc. Theo tính toán, chi phí khôi phục sản xuất còn lớn hơn (chi phí trung bình cho một DN trong việc ngừng sản xuất mất 20 - 30 tỷ đồng).

Với những căn cứ nêu trên, các nhà sản xuất trong nước có cơ sở lo ngại về những thiệt hại mà kính nhập khẩu gây ra cho sản xuất kính nổi trong nước. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng biện pháp tự vệ đối với kính nổi nhập khẩu bằng hình thức, mức độ và thời hạn để giúp duy trì ngành sản xuất kính nổi còn non trẻ của Việt Nam trước sức ép của hội nhập kinh tế khi Việt Nam mới gia nhập WTO một thời gian ngắn, đặc biệt trong bối cảnh một số nhà máy kính nổi trong nước đang chuẩn bị đi vào sản xuất từ cuối tháng 2-2010 đẩy lượng cung trong nước lên hơn hai lần.

Ý kiến của các nhà nhập khẩu

Trái  với ý kiến của các nhà sản xuất kính xây dựng trong nước, gần 20 DN sản xuất kính thành phẩm và một số nhà nhập khẩu kính đã có buổi họp bàn chung quanh việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi. Nếu các nhà sản xuất kính nổi trong nước yêu cầu thuế tự vệ thì các nhà sản xuất kính thành phẩm lại phản đối kịch liệt. Kinh doanh trên thị trường yêu cầu phải tuân thủ luật chơi cạnh tranh, nhưng cạnh tranh luôn làm cho nhà độc quyền mất thị phần. Tuy nhiên, sự san sẻ thị phần là điều chứng tỏ thị trường đang phát triển, người tiêu dùng được hưởng nhiều lợi ích.

Theo quan điểm của các nhà nhập khẩu, việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa thuộc diện điều tra chống bán phá giá không phải nguyên nhân làm ngành sản xuất kính xây dựng trong nước gặp khó khăn trong kinh doanh mà là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt từ quý IV-2008. Ðồng thời phương thức kinh doanh của các nhà sản xuất trong nước chưa linh hoạt, và khi có nguồn cung phù hợp, khách hàng đã chuyển sang sử dụng nguồn cung nước ngoài. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất kính trong nước thấp nên chất lượng một số loại kính xây dựng không bằng các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Thông thường một lò nấu kính nổi hoạt động liên tục từ 12 đến 15 năm phải dừng sửa chữa, nâng cấp cũng cần được duy tu, bảo dưỡng và thay mới.

Trong công văn gửi Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương ký ngày 9-12, các DN sản xuất kính thành phẩm nêu rõ họ không phải là người nhập khẩu đơn thuần mua đi bán lại mà là những nhà sản xuất tiếp theo, sử dụng kính nổi là nguyên liệu. Do vậy, quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hay không, liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất của các DN này. Hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn là chịu áp lực từ nhiều yếu tố: giá xăng, dầu, phương thức kinh doanh chưa linh hoạt..., chứ không đơn thuần là chỉ do sức ép của hàng nhập khẩu.

Trong quý I-2010, cả nước sẽ có thêm ba nhà máy sản xuất kính nổi đi vào hoạt động: nhà máy kính nổi Chu Lai, Tràng An và Mỹ Trung Việt. Dự báo tổng sản lượng sản xuất sẽ vượt gấp đôi so với nhu cầu thị trường hiện nay. Các DN sản xuất kính thành phẩm cho rằng, nếu áp dụng biện pháp tự vệ, tức là tăng thuế tuyệt đối 0,6 USD/m2 QTC hoặc tăng thuế suất cho thuế nhập khẩu lên mức 40% thay cho mức 5% hiện nay sẽ tác động mạnh đến mặt bằng giá kính trên thị trường trong nước. Theo quan điểm của những người nhập khẩu mặt hàng kính hàng hóa, việc áp dụng biện pháp tự vệ đồng nghĩa với việc triệt tiêu sự cạnh tranh trên thị trường. 70% sản phẩm kính dùng trên thị trường hiện nay có nguồn gốc từ kính nổi do chất lượng tốt và có độ dày và rộng lớn hơn so với sản xuất theo công nghệ cũ. Hơn nữa, người tiêu dùng sẽ chịu giá tăng vì hơn 65% trong tổng giá thành sản xuất kính do mức giá nguyên liệu quyết định. Ðiều này dễ làm người tiêu dùng "quay lưng" với sản phẩm kính dẫn đến khả năng thị trường sẽ chững lại.

Sự khác biệt về giá giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu chênh lệch từ 20% đến 25%. Hoạt động kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu khá gay gắt.  Nhiều DN đặt hàng trong nước không được giao đủ hàng, giá cả lại tăng mạnh. Các DN sản xuất kính thành phẩm lo ngại, nếu mức thuế suất 40% được áp dụng thì giá kính nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nhiều so với mức giá hiện nay. Do đó, căn cứ để áp dụng biện pháp tự vệ chưa thuyết phục.        

CHỦ TỊCH HÐQT CÔNG TY KÍNH THUẬN THANH PHẠM THANH TÙNG:  Các DN trong nước chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Các mặt hàng kính nhập khẩu hầu hết trong nước chưa tự sản xuất được. Các DN sản xuất kính xây dựng trong nước vẫn chưa đủ năng lực đáp ứng theo nhu cầu của thị trường về số lượng, chủng loại hàng hóa và chất lượng sản phẩm, quy cách sản phẩm. Từ đó, các nhà gia công kính thành phẩm phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng kính xây dựng trong nước vẫn chiếm tỷ trọng cao 70% trong nguồn nguyên liệu.

PHÓ TỔNG GIÁM ÐỐC CÔNG TY HOÀN THIỆN II LÊ ANH HÙNG: Cho phép nhập khẩu mới tạo sự cạnh tranh cần thiết

Các nhà sản xuất kính xây dựng trong nước đang chiếm khoảng 80% thị phần trên thị trường, trong khi giá nguyên liệu kính xây dựng hiện tại đã tăng 35% so với hồi tháng 6-2009, vì vậy cho phép nhập khẩu mới tạo sự cạnh tranh cần thiết. Chỉ trong vòng vài tháng giá kính nguyên liệu trong nước đã có bảy lần điều chỉnh tăng thêm, trong khi đó kính nguyên liệu nhập khẩu lại ổn định giá.

VỤ TRƯỞNG VỤ VẬT LIỆU XÂY DỰNG BỘ XÂY DỰNG LÊ VĂN TỚI: Các DN cần chủ động, linh hoạt trong kinh doanh

Việc áp dụng biện pháp tự vệ kính xây dựng là cần thiết nhằm giữ bình ổn thị trường kính xây dựng, tránh nhập siêu cũng như bảo đảm sự tăng trưởng của các DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong lúc đợi kết luận cuối cùng, các DN cần chủ động điều tiết năng lực sản xuất kinh doanh phù hợp, tái cơ cấu tổ chức để vượt qua giai đoạn khó khăn.

TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI KÍNH VÀ THỦY TINH VIỆT NAM LÊ MINH TUẤN: DN đã biết dùng luật để bảo vệ lợi ích DN

Việc DN hội viên của Hiệp hội đã biết cách sử dụng biện pháp này để tìm kiếm phương thức để bảo vệ hoạt động sản xuất của mình là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ra sức ủng hộ việc phát triển của các ngành sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào việc nhập khẩu, đồng thời để giảm nhập siêu. Hiệp hội mong muốn và đề xuất khi xem xét hồ sơ tự vệ các cơ quan có thẩm quyền sẽ có chính sách phù hợp vừa bảo đảm lợi ích của các nhà sản xuất kính xây dựng và lợi ích của những nhà gia công kính.

 

(Theo MINH THÀNH // Báo Nhân dân)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
  • Hai vấn đề “nóng” trong xây dựng cơ bản: Khai thác nguồn vốn và giải ngân
  • Đường giao thông ngoài cảng Vân Phong xây dựng theo hình thức BT
  • Nhật Bản hỗ trợ 3 dự án xây dựng hạ tầng tại Việt Nam
  • Cần 45.000 tỷ đồng cho các công trình giao thông
  • Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh
  • Ngành Xây dựng: Sẽ có bước chuyển mạnh
  • TP.HCM Tăng tốc hàng loạt công trình giao thông ngàn tỉ
  • Cùng ngành xây dựng vượt khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container