Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cộng lực phát triển hạ tầng

Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng có thể được thành lập dựa trên đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mục tiêu là huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

 

Ý tưởng thành lập một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng theo mô hình hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan, hiện tại các vấn đề liên quan đến việc hình thành quỹ, mức đóng góp ra sao, giao cho cơ quan nào quản lý, sẽ vận hành thế nào… đang trong giai đoạn thảo luận.

“Mục tiêu chung là làm sao để huy động mọi nguồn lực tham gia đóng góp quỹ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng lợi từ nguồn quỹ này, được sử dụng vốn với lãi suất thấp để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam”, Thứ trưởng Trương Văn Đoan nói.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giao thông, theo ông Nguyễn Trọng Tín, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong giai đoạn 2011-2020 đã lên tới hàng trăm ngàn

tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, thì PPP chính là mô hình hiệu quả để Nhà nước và tư nhân cùng cộng lực để phát triển cơ sở hạ tầng - một trong những “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế.

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức một số cuộc hội thảo về PPP, chủ yếu với mục tiêu xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện mô hình này. Nhưng đây là lần đầu tiên, ý tưởng thành lập một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP được đề cập.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, thì quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng có thể sẽ do Nhà nước và các nhà tài trợ thành lập, nhưng các nhà đầu tư, kể cả đầu tư công và tư nhân, sẽ được hưởng lợi, được hưởng lãi suất thấp hơn khi vay vốn từ nguồn quỹ này và được hỗ trợ vốn khi cần thiết để triển khai các dự án hạ tầng. “Hiện nay, các ngân hàng cũng muốn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quỹ này và vận hành mang tính quay vòng. Nghĩa là, sẽ đầu tư vào một số dự án, sau khi thu hồi, sẽ cho các dự án khác vay tiếp”, ông Tín nói và cho biết, nguồn quỹ sẽ được phát triển thường xuyên, chứ không phải cố định.

Liên quan đến việc cần thiết thành lập một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP, ông Edward Roche, chuyên viên tín dụng cao cấp của Cơ quan Tín dụng phát triển DCA (USAID), chia sẻ rằng, thông thường, có thể dùng vốn viện trợ, vốn vay thương mại, hay phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án hạ tầng. Tuy nhiên, vốn vay Chính phủ và vốn vay ưu đãi mặc dù có lợi điểm là chi phí rẻ, thời hạn vay dài, phù hợp với việc đầu tư các cơ sở hạ tầng, nhưng lại hạn chế về số lượng.

Trong khi đó, vốn vay từ các ngân hàng thương mại thì kỳ hạn lại ngắn; quy mô các dự án hạ tầng thường lớn, một ngân hàng không thể đảm đương được việc tài trợ, nên nhiều khi phải hợp vốn nhiều ngân hàng. “Giải pháp là tập hợp tất cả các nguồn vốn vào một quỹ, tối đa hóa lợi ích của từng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư các dự án hạ tầng”, ông Roche nói.

PPP dù đã được xác định là một mô hình quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý, cũng như nghiên cứu để tổ chức các dự án thí điểm. Một dự án hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng Thế giới tài trợ đang được triển khai tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà một trong những mục tiêu quan trọng của giai đoạn đầu là thí điểm thực hiện 3 dự án PPP tại Việt Nam (hai dự án về đường cao tốc và một dự án về cấp nước đô thị).

Cùng với đó, khung khổ pháp lý cũng sẽ được xây dựng cho phù hợp và bước đi đầu tiên sẽ là sửa đổi Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, một trong những hình thức của PPP, cho phù hợp.

Theo ông Tín, năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ nội dung sửa đổi của nghị định này để tạo khung pháp lý cho việc thực hiện mô hình PPP tại Việt Nam. “Đầu tiên phải xem xem PPP thực chất được định nghĩa như thế nào và diện phát triển đến đâu. Trong tương lai, chúng tôi cũng muốn phát triển hình thức PPP trong cả các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tuy nhiên trước mắt chỉ tập trung vào các dự án nào có khả năng thu hồi vốn”, ông Tín nói và cho biết, định hướng chung là Nhà nước sẽ lập dự án, sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong lúc chưa ban hành được danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, thì các nhà đầu tư có thể lập dự án, đề xuất bộ quản lý chuyên ngành hoặc địa phương xem xét thông qua.

Trong động thái này, thì việc Dự án đường Dầu Giây - Phan Thiết đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt thực hiện theo mô hình PPP, với sự tham gia của Công ty Bitexco, cũng có thể coi là một tín hiệu đáng mừng đối với việc hợp tác công - tư để phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để mô hình này được triển khai thành công, thì khung pháp lý phải sớm được hoàn thiện.

 

(Theo Thanh Hà // Báo đầu tư)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
  • Nhà nước hợp tác tư nhân xây hai đường cao tốc
  • Khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai
  • Đầu tư xây dựng: Bao giờ hết khó ?
  • Xây cầu 1.500 tỷ đồng qua sông Hàn
  • Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025
  • Vốn kích cầu xây dựng nhằm vào đâu?
  • Cần Thơ : Tập trung dồn sức kích cầu đầu tư xây dựng cơ bản
  • Triển khai Dự án đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container