Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vận chuyển hàng hóa qua cảng biển tại TPHCM: Giảm vì quá tải!

Năm 2010 lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của TP HCM giảm từ hơn 75 triệu tấn xuống còn 72 triệu tấn.
Trong khi lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Tàu, Đồng Nai trong thời gian qua đều tăng thì các cảng tại TP HCM lại giảm. Nguyên nhân chính được các đơn vị cảng biển thừa nhận là do hạ tầng cảng biển của TP HCM đã quá tải… 

Thiếu kết nối đồng bộ

Theo nhận xét của ông Lương Công Bằng - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Đường thủy Nội địa - Sở GTVT TP, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giảm sản lượng hàng hóa qua các cảng Cát Lái, Phú Hữu, Hiệp Phước... là do việc kết nối hạ tầng đồng bộ còn hạn chế. Cụ thể, tỉnh lộ 25B - hướng duy nhất cho các phương tiện vận tải ra vào cảng Cát Lái, cảng trung chuyển hàng container lớn nhất nước chưa được mở rộng do vướng giải tỏa mặt bằng. Các cảng mới di dời ra ngoại thành là Phú Hữu đã xây dựng được 320/500 m cầu cảng của giai đoạn 1, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cũng đã xây dựng xong 290/800 m cầu cảng nhưng chưa có đường kết nối vào cảng để có thể khai thác.

Mặt khác, luồng vào cảng là sông Lòng Tàu hiện cũng mới đáp ứng khai thác hai chiều cho tàu 15 vạn tấn và tàu 30 vạn tấn chỉ có thể ra vào khi thủy triều lên. Luồng trên sông Soài Rạp mới đáp ứng cho tàu trên dưới 5 ngàn tấn ra vào. Trong khi đó, hệ thống cảng biển của BR - VT lại phát triển nhanh, hạ tầng được kết nối đồng bộ nên năm qua, lượng hàng hóa qua cảng này đã tăng khá nhanh, đạt tới con số trên 37 triệu tấn, tăng 18% so với năm trước.

Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP cho biết: “Tuyến từ cảng Cát Lái và một số cảng ở khu vực quận 9 qua cầu Phú Mỹ chủ yếu phục vụ cho xe vận chuyển hàng về hướng các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong khi hàng hóa của khu vực này không nhiều, cầu Phú Mỹ do độ tĩnh không cao, mặt cầu khá dốc, phí qua cầu Phú Mỹ lại cao gấp đôi mức phí của trạm thu phí khác, nên xe từ các cảng Nhà Bè, Q 4 ngại đi qua, mà buộc phải đi vòng vào nội thành theo hướng Nguyễn Tất Thành - Khánh Hội - cầu Sài Gòn ra xa lộ Hà Nội hoặc quốc lộ 13... mặc dù các tuyến đường này đang quá tải”.

Thêm một vướng mắc nữa góp phần làm giảm lượng hàng hóa qua cảng là DN ngại phải chi thêm tiền “phí phụ”. Theo một hãng tàu biển, ra vào các cảng của thành phố, hãng tàu phải chi phí thêm khoản tiền hoa tiêu, trong khi vào cảng của BR - VT không bắt buộc phải thuê hoa tiêu.

Chờ các giải pháp

Lượng hàng hóa XNK thông qua các cảng biển của TP HCM trong nhiều năm luôn dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, hướng tới để giảm tải cho tuyến nội thành ra cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, theo ông Trần Hồng Nam - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM cho rằng cần phải quy định cấm xe tải nặng có thời gian nhất định trong ngày. Quan điểm từng bước phân luồng giao thông, hạn chế xe tải nặng, xe container lưu thông qua cầu Sài Gòn và bắt buộc các phương tiện chở hàng hóa ra vào cảng phải lưu thông theo hướng tỉnh lộ 25B - vành đai phía Đông - cầu Phú Mỹ này cũng đã được ông đề xuất với Sở GTVT.

Theo ông Phan Công Bằng, năm 2010 vừa qua, sản lượng hàng hóa thông qua các bến bãi nhỏ nội địa trên địa bàn đã đạt 24 triệu tấn, tăng 9% so với năm trước. Nhưng điều quan trọng đây là nơi trung chuyển hàng hóa container từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ đi các cảng biển trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, Soài Rạp, Lòng Tàu. Vì vậy, nếu chú trọng khai thác hiệu quả tuyến vận tải đường thủy nội địa này cũng sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vốn đang quá tải trầm trọng, nhất là các tuyến quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội, xa lộ Đại Hàn...

Về phía lực lượng hải quan, vừa qua, Cục Hải quan thành phố đã đồng loạt triển khai thực hiện thông quan điện tử nhằm tháo gỡ ách tắc ngay từ khâu làm thủ tục XNK hàng hóa. Nhưng đây cũng chỉ là giải quyết việc dồn ứ thủ tục XNK hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa cho phía hải quan và các đơn vị khai thác cảng... Thực tế cho thấy, TP cần sớm quyết tâm và có những giải pháp đồng bộ để tăng sản lượng hàng hóa qua các cảng.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container