Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ: Điêu đứng vì thuế xuất khẩu tăng đột ngột

Ngày 23-9, Bộ Tài chính ban hành Công văn 11270/BTC-CST về việc thu thuế xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.

Theo đó, hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ các loại nguyên liệu, vật tư nêu trên phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định (10%) và có hiệu lực ngay khi ban hành, đã đột ngột tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn chung hiện nay. Quá bức xúc nên gần 100 doanh nghiệp đại diện cho trên 500 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ trên địa bàn Bình Dương đã đồng ký tên vào bảng kiến nghị yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh lại nội dung công văn này. Nếu kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, phá sản vì không gánh nổi thuế suất!




 

Văn bản 11270 gây ra “cái chết bất ngờ”?

Bà Luân Thu, cán bộ phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Pro - Concepts (100% vốn FDI, chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ lạng, gỗ ghép xuất khẩu) ngỡ ngàng phân bua: “Mấy ngày đầu tháng 10, khi nhân viên công ty chúng tôi đến làm thủ tục tại hải quan thì được cơ quan này thông báo phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế suất 10% mới tiếp tục được làm thủ tục xuất hàng, nếu không phải bị cưỡng chế theo quy định! Quá bất ngờ trước 2 chữ “thuế suất” vì từ khi thành lập, đi vào hoạt động đến nay đã hơn 8 năm chúng tôi chưa bao giờ được nghe, cũng như chưa bao giờ phải thực hiện nộp loại thuế này, bởi vì trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam công ty đã nghiên cứu kỹ các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, các biểu thuế, luật thuế do Nhà nước Việt Nam quy định, bản thân doanh nghiệp cũng đã thực hiện đúng cam kết là chỉ sử dụng gỗ nhập khẩu hợp pháp để sản xuất, nếu sử dụng gỗ rừng trồng trong nước phải chịu thuế suất 10% và từ trước đến nay chúng tôi chỉ sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu để sản xuất nên không phải chịu thuế suất. Chỉ 1 tuần cuối tháng 9 chúng tôi phải đóng gần 1,3 tỷ đồng cho 12 hồ sơ xuất khẩu để thực hiện đúng hợp đồng giao hàng nhằm tránh bị phạt do vi phạm hợp đồng, sau đó công ty phát công văn xin lỗi khách hàng với lý do tạm ngưng sản xuất để chờ quyết định mới, vì càng làm càng lỗ”!

Chỉ hơn 30 phút tiếp chuyện với chúng tôi, ông Mike Hsu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pro - Concepts phải xin lỗi đến 5 lần để trả lời điện thoại với khách hàng nước ngoài. Nội dung các cuộc điện đàm thế nào không rõ, nhưng mỗi khi kết thúc cuộc gọi ông đều quay sang chúng tôi dùng hai tay bóp chặt vào cổ và nói tiếng Việt lơ lớ: “Tại sao đánh thuế kỳ vậy, khách hàng đã bỏ đi hết, chúng tôi chỉ có chết”... Quả thật, nếu vấn đề này không được xem xét, điều chỉnh kịp thời sẽ gây ra nhiều “cái chết bất ngờ” trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Không có lộ trình

Ngay khi tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 9-10, Cục Hải quan Bình Dương đã tức tốc phát hành Công văn 1955/HQBD-NV báo cáo Tổng cục Hải quan về những khó khăn, vướng mắc trong việc thu thuế xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu với rất nhiều lý do bất hợp lý, không phù hợp với chính sách quản lý khi phải thực hiện thu thuế xuất khẩu theo Công văn 11270.

Trong lúc phát hành công văn báo cáo khó khăn vướng mắc, nêu rõ những bất hợp lý của Công văn 11270 của Bộ Tài chính, Cục Hải quan Bình Dương vẫn phải thông báo bằng văn bản cho các Chi cục Hải quan trực thuộc phải thi hành đúng theo tinh thần Công văn 11270 do cấp trên chỉ đạo thực hiện. Gần 1 tháng sau khi gặp khó khăn, vướng mắc mà vẫn không thấy trả lời, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục phát hành Công văn 2197/HQBD-NV đề xuất phương án: “Trong thời gian Tổng cục Hải quan chưa có hướng dẫn cụ thể vướng mắc này, để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh trong lúc thị trường thế giới có nhiều biến động, bảo đảm điều kiện cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm việc làm cho công nhân... nay Cục Hải quan Bình Dương đề nghị: 1. Khi đăng ký tờ khai xuất khẩu mặt hàng ván lót sàn bằng gỗ sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu (mã số HS 4409), tạm thời doanh nghiệp chưa tính thuế xuất khẩu (10%). 2. Doanh nghiệp phải có công văn cam kết chấp hành theo đúng văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trong việc nộp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng ván lót sàn từ nguyên liệu gỗ nhập khẩu theo các văn bản 11270/BTC-CST; 11724/BTC-CST của Bộ Tài chính, kể cả truy thu thuế”, nhưng cả 2 đề nghị này vẫn chưa được trả lời đã làm cho người đóng thuế lẫn bên thu thuế càng thêm khó khăn, lúng túng!

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Nam, chuyên sản xuất ván lót sàn bức xúc: “Tất cả sản phẩm gỗ do doanh nghiệp nhập khẩu về sản xuất đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hợp pháp, có nhiều cơ quan quản lý, giám sát như Hải quan, Kiểm lâm... nếu không doanh nghiệp không thể nào bán được hàng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu... vì ngoài tiêu chuẩn, chất lượng, các nước nhập khẩu nói trên đều rất quan tâm đến việc trồng, bảo vệ rừng cũng như môi trường, sự sống, mà tất cả các mặt hàng ván lót sàn hiện nay đều chỉ xuất khẩu đến các thị trường trên nên không thể nói là “không rõ nguồn gốc” như ông Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội? Nếu Nhà nước muốn tăng thuế thì phải có lộ trình thực hiện rõ ràng để doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị, chứ làm kiểu này khác nào một đội bóng chưa kịp vào sân chơi trong giai đoạn hội nhập WTO đã bị trọng tài nhà thổi còi, đuổi ra sân...”.

Thiếu cân nhắc?

Không chỉ trong các văn bản kiến nghị tập thể do cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Bình Dương gửi đến Bộ Tài chính, mà cả trong Công văn 1955/HQBD-NV Cục Hải quan Bình Dương đã đề cập thẳng vấn đề doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách” thuế bằng cách “chuyển sang nhập khẩu theo loại hình gia công để sản xuất, xuất khẩu (không chịu thuế khi xuất khẩu) mà không nhập khẩu theo loại hình sản xuất, xuất khẩu”. Trong văn bản kiến nghị tập thể về việc không thực hiện nộp thuế xuất khẩu đồ gỗ theo Công văn 11270 của Bộ Tài chính, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thành đã nêu ra 4 lý do không hợp lý, thiếu cân nhắc khi ban hành công văn này là: Vượt thẩm quyền cho phép; không có lộ trình cụ thể; gây ảnh hưởng dây chuyền, tác động tiêu cực đến an sinh xã hội; ngành thuế chẳng những không thu được thuế xuất khẩu vì nhiều doanh nghiệp đã điêu đứng mà còn mất luôn thuế thu nhập doanh nghiệp vì rất nhiều lý do như: các doanh nghiệp lớn, đủ điều kiện có thể mở thêm doanh nghiệp tại các nước trung gian được xem là thiên đường về thuế như: Hồng Kông, Brunei, Mauritius... để hoạt động và chi phối việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu, rồi lại giao cho chính công ty của mình ở Việt Nam sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo hướng gia công như đã làm cách nay 10 năm. Còn các doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ điều kiện cũng sẽ chuyển hướng làm nhà sản xuất vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn... Như vậy ngành thuế vừa thất thu lớn mà nền công nghiệp nước nhà cũng bị ảnh hưởng, hàng hóa sẽ mất sức cạnh tranh trên thị trường...
 


(Theo báo Bình Dương)

  • Hướng mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nội thất của Trung Quốc sang Trung Đông
  • Thông tin sản phẩm gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ thế giới
  • 9 tháng năm 2008, xuất khẩu đồ nội thất của Trung Quốc tăng 23,3%
  • Nhu cầu thị trường cửa gỗ và cửa sổ của Trung Quốc lên tới hơn 60 tỷ NDT
  • Nhiều rào cản với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ
  • Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ thời gian tới sẽ không có nhiều thuận lợi
  • Luật bảo vệ thực vật của nước ngoài tại Hoa Kỳ ảnh hưởng tới XK gỗ của Việt Nam
  • Thông tin xuất, nhập khẩu về sản phẩm gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ trong nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container