Hai thị trường chính của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam là EU và Hoa Kỳ đang áp dụng những chính sách thương mại mới nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu sự kiểm tra kỹ lưỡng hơn, đồng thời sẽ bị "áp” nhiều quy định khác nhau của các nước thành viên trong EU. " Gỗ xuất khẩu sẽ gặp nhiều rào cản mới” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị cho biết tại Hội thảo tham vấn quốc gia về hành động tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) diễn ra tại Hà Nội trong tuần vừa qua.
Theo ông Hứa Đức Nhị, ngành chế biến gỗ Việt Nam trong thập niên vừa qua đã phát triển mạnh. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu (XK) đồ gỗ từ năm 2000 đến 2010 của Việt Nam tăng gấp 10 lần và đạt khoảng 3,44 tỷ USD vào năm 2010. Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu (NK) đồ gỗ lớn nhất, chiếm khoảng 45% và phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) với 30% thị phần. Tuy nhiên, cả hai thị trường này đang áp dụng những chính sách thương mại mới nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Thực tế, Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho đồ gỗ NK của Việt Nam và một số nước khác từ ngày 1-4-2010 và Quy chế mới của EU về tính hợp pháp của gỗ sẽ có hiệu lực vào tháng 3-2013 sắp tới.
Các chuyên gia cho rằng, việc loại trừ NK đồ gỗ có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp hoặc gỗ có xuất xứ đáng ngờ vào thị trường EU và Hoa Kỳ đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với sự tăng trưởng và uy tín của ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam. Trong khi ngành gỗ đang gặp khó khăn do năng suất thấp, môi trường tài chính bất lợi.
Tuy nhiên, ông Hans Farnhammer, Trưởng ban hợp tác Kinh tế, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, việc tham gia đối thoại và đàm phán về FLEGT với EU thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và sự nghiêm túc từ phía Chính phủ Việt Nam trong giải quyết nạn khai thác bất hợp pháp và các vấn đề thương mại có liên quan. "Việt Nam là một nền kinh tế và trung tâm chế biến gỗ lớn ở quy mô toàn cầu, sự cam kết này cho thấy tiềm năng để có những thay đổi tích cực không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn bao gồm cả toàn bộ khu vực sông Mekong, và thậm chí vượt ra khỏi biên giới Châu Á”, ông Hans nói. Theo ông này, việc kí kết Thỏa thuận đối tác tự nguyện FLEGT sẽ tiếp tục củng cố hơn nữa vị trí của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường EU.
Thực ra, FLEGT là hiệp định tự nguyện song phương nên các DN XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào thị trường EU không nhất thiết phải có chứng chỉ này. Tuy nhiên, không có FLEGT sẽ là thiệt thòi lớn với các DN bởi FLEGT chính là phương thức để EU hài hòa các quy định khác nhau của 27 nước thành viên về gỗ và sản phẩm từ gỗ. Theo đó, DN XK sẽ phải chịu sự kiểm tra kỹ lưỡng hơn, đồng thời sẽ bị "áp” nhiều quy định khác nhau của các nước thành viên trong EU.
Bên cạnh đó, đây cũng được cho là bước đi đầu tiên để đảm bảo việc XK gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang EU sẽ không bị gián đoạn trong những năm tới. Trong tương lai xa, thỏa thuận này sẽ tạo sự chắc chắn về mặt pháp lý và mặt lợi nhuận cho các nhà XK, nhà NK và các nhà đầu tư trong ngành gỗ sẵn sàng giao thương với EU.
"Chính vì vậy, đàm phán giữa Việt Nam và EU không gì khác là nhằm đạt được một thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện cho các DN chế biến gỗ Việt Nam mở rộng XK gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU và tăng khả năng thích ứng của họ với yêu cầu của thị trường EU về tính hợp pháp của gỗ”, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Hà Công Tuấn, cho rằng: Kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ của các DN Việt Nam vào Hoa Kỳ và EU liên tục tăng. Tất nhiên, các DN không thể chủ quan trong việc XK đồ gỗ sang EU, Mỹ hoặc một số nước khác, bởi ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nguồn gỗ NK từ nhiều quốc gia, nên khó kiểm soát tính hợp pháp. Vì thế, Việt Nam có nguy cơ trở thành nhà XK bị rủi ro cao trước những thay đổi của thị trường nếu không có biện pháp kiểm soát về nguồn gốc gỗ.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com