Nếu nhìn vào số liệu xuất khẩu đồ gỗ trong thời gian qua thì con số nói trên được xem là rất ấn tượng. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới đạt 219 triệu USD. Con số này đã nhanh chóng tăng lên 1,5 tỷ USD trong năm 2005, đạt 2,59 tỷ USD năm 2009 và lên tới 3,4 tỷ USD vào năm 2010.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho biết, năm 2010, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đã vượt qua những khó khăn của thị trường, nhất là các quy định khắt khe về nguồn gốc gỗ cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật về hoá chất của thị trường Hoa Kỳ và EU. “Đây là hai thị trường lớn, quan trọng nhất của DN Việt Nam. Vượt qua được thử thách tại các thị trường này, DN Việt Nam đã có bước trưởng thành hơn”, ông Quyền nói.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh không đồng nghĩa với phát triển bền vững. Thừa nhận thực tế này, ông Quyền cho biết, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang đặt ra cho DN Việt Nam bài toán hóc búa, trong đó, vấn đề cơ bản là làm sao mua được đúng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ, thay vì gỗ “lậu”.
Cơ cấu DN tham gia sản xuất và xuất khẩu gỗ hiện nay cũng đang có nhiều chuyện đáng bàn. “Chỉ riêng 300 DN có vốn đầu tư nước ngoài đã ‘cáng’ tới 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, trong khi cả nước có tới 3.000 DN chế biến gỗ. Chính phủ khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến gỗ ở gần vùng nguyên liệu, song hiện tại, các nhà máy lại tập trung ở TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng.., trong khi vắng bóng tại khu vực Tây Nguyên”, ông Quyền nêu vấn đề.
Sự yếu kém của các DN trong lĩnh vực này đang kéo theo một loạt hệ luỵ. Trong đó, giá trị xuất khẩu tính theo bình quân một nhân công ở Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với các nước khác. Khảo sát của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, ngành chế biến gỗ của Việt Nam chỉ tạo ra giá trị dưới 10.000 USD/công nhân/năm, trong khi con số này ở Trung Quốc là 16.000 USD, ở Đức là 70.000 USD.
Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng cho biết, các DN trong ngành thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ khi xuất khẩu hàng hóa đang phụ thuộc lớn vào các hợp đồng gia công. Do khả năng tiếp cận trực tiếp với khách hàng nước ngoài còn hạn chế, nên các DN trong lĩnh vực này vẫn thường ở thế bị động.
Vietfores đã nhiều lần nhận xét rằng, DN Việt Nam đang rất yếu ở khâu nghiên cứu thiết kế mẫu mã, nên mới chỉ chủ yếu làm gia công theo đơn đặt hàng của nước ngoài.
Thực tế này làm DN đánh mất cơ hội ngay trên thị trường nội địa. Khảo sát của Vietfores tại một số địa phương cho thấy, bình quân một hộ gia đình ở thành thị chi 3 triệu đồng/năm để mua sản phẩm gỗ. Điều đáng nói là, phần lớn người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ thích các sản phẩm ngoại nhập. Kết quả này cũng dễ hiểu, bởi trên thực tế, chưa có nhiều DN Việt Nam đầu tư khai thác thị trường nội địa một cách bài bản, với các mẫu mã đa dạng.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com