Tại hội nghị “cơ hội và thách thức cho ngành gỗ Việt Nam”, Hiệp hội Gỗ và lâm sản đã kiến nghị Chính phủ xem xét không thu thuế xuất khẩu gỗ vì những diễn biến bất lợi trên thị trường xuất khẩu gỗ hiện nay.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, từ cuối năm 2008 đến nay, thị trường tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ trên thế giới đã giảm sút mạnh. Chỉ riêng hai thị trường Mỹ và EU tốc độ tiêu thụ đã giảm tới 30%, kéo theo sự giảm sút về sản xuất và kinh doanh gỗ của các doanh nghiệp VN.
Không những thế, sức cạnh tranh mua nguyên liệu của VN cũng yếu hơn hẳn các nước như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Dự báo, thị trường xuất khẩu gỗ trong năm 2009 này của VN sẽ giảm đến 30 - 35%, thậm chí có những hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc dừng hẳn.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN cho rằng, để thực hiện được tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2009 tăng từ 8 - 10%, các doanh nghiệp cần rà soát các hợp đồng có kỳ hạn, đặc biệt chú ý đến khả năng thanh toán của đối tác. Mặt khác, cần nâng cao năng lực cập nhật và phân tích thông tin về tình trạng pháp lý để giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng đã ký kết...
Về các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN đề nghị, trong giai đoạn trước mắt, Chính phủ tạm thời không thu thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm gỗ; dãn nợ đối với các khoản nợ đến hạn trả những hàng hoá của các doanh nghiệp chưa bán được hàng; giảm và cho chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; kéo dài thời hạn trả nợ gốc vay để mua gỗ nguyên liệu thêm 65 ngày (thời hạn cũ là 275 ngày).
Theo thống kê, trên địa bàn cả nước hiện đã có 2.562 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, trong đó có gần 96% doanh nghiệp dân doanh và nước ngoài, nên nếu biết tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp gỗ sẽ còn rất nhiều cơ hội.
Được biết, trong năm 2008, kim ngạch xuất khẩu gỗ của VN đã đạt gần 3 tỉ USD. Mục tiêu dài hạn của ngành gỗ VN tới năm 2020 là sẽ đảm bảo được 70% nguồn nguyên liệu chế biến (hiện mới đạt 20%), sản lượng ước đạt 22 triệu m3/năm.
(Theo Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com