Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có lợi thế lớn trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nói riêng . Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Đồng Nai cũng như những ngành nghề truyền thống khác ở một số địa phương của cả nước đã xuất hiện từ lâu, trải qua nhiều thế kỷ, thời đại gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc .
Tuy hiện nay có một số ngành nghề bị mai một và thu hẹp, nhưng cũng có một số ngành nghề khác vẫn duy trì và phát triển được thế mạnh, gắn liền với tiêu dùng của đời sống nhân dân, kết hợp với phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc của từng vùng, từng địa phương trong cả nước... Một trong số những ngành nghề đó là nghề gỗ mỹ nghệ.
Ngành nghề gỗ mỹ nghệ là nghề mộc cao cấp, đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu về mỹ thuật và thẩm mỹ, nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm là các loại gỗ cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, gụ, giáng hương, huỳnh đường, mít ...Với bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo nên sản phẩm điêu khắc như: tượng Phật Quan âm, tượng Đức Thánh Quan, các bức hoành phi, những bức lèo của các tủ, bàn, ghế theo tích ngũ dơi, nho sóc....
Qua khảo sát hiện trạng ngành nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 200 cơ sở tập trung ở các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, TP Biên Hòa, số còn lại được phân bố rải rác ở các huyện Tân phú, Cẩm Mỹ, Long Thành . Qui mô sản xuất ngành gỗ mỹ nghệ còn mang tính chất nhỏ lẻ, hộ gia đình, mức độ liên kết không nhiều, chủ yếu là hoạt động độc lập riêng rẽ.
Đối với ngành nghề gỗ mỹ nghệ, vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không nhiều, chủ yếu là làm bằng thủ công, một số máy móc thiết bị nhỏ cần sử dụng là máy cưa cầm tay, máy cắt, máy mài, máy phun sơn ... Vì vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ không là vấn đề quan tâm lắm, nhưng vấn đề quan trọng nhất là vốn lưu động để mua nguyên vật liệu sản xuất, dự trữ, và trả tiền công lao động chiếm phần lớn chủ yếu.
Nguồn nguyên liệu chủ yếu là các loại gỗ và các loại gốc cây, để từ đó các nghệ nhân tạo ra những sản phẩm có tính mỹ thuật và nghệ thuật, có thể chia thành hai nhóm sản phẩm như sau: Nhóm thứ nhất là từ những gốc cây qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo ra những bộ bàn ghế, những bức tượng Di Lặc, Thần Tài, Quan Âm, Phước-Lộc-Thọ ... hoặc những con thú như Sư tử, Cọp, Nai, Đại bàng, Tôm, Cua ... Khi khách đến tham quan những sản phẩm trên thì mới thấy hết được sự cần cù, khéo léo và óc sáng tạo, thẩm mỹ của người thợ thủ công; và nhóm thứ hai có mẫu mã kích thước nhỏ là các sản phẩm thuyền buồm, máy bay, xe các loại, ở nhóm này đa phần nguyên liệu là những thanh gỗ vụn như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, gụ, giáng hương, mun, mít, tràm ... nguồn nguyên liệu này hiện nay đều thu mua trôi nổi, mua gỗ tận dụng của các cơ sở chế biến gỗ gia dụng . Sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Đài loan ..., những mặt hàng này rất đa chủng loại riêng thuyền buồm đã có tới 127 loại mẫu mã, máy bay, xe hơi cũng có hơn 200 loại mẫu mã .
Về mặt bằng sản xuất chủ yếu các cơ sở sản xuất sử dụng đất nhà là chính, do đó còn gặp nhiều khó khăn, vì sản xuất trong khu dân cư thì mặt bằng nhỏ hẹp, lại gây nhiều ô nhiễm như tiếng ồn, bụi ... Còn vào các cụm công nghiệp tập trung thì thiếu vốn, thiếu nhân lực.
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là thị trường tiêu thụ, hiện nay ngoài những cơ sở tại huyện Trảng Bom như cơ sở Thành Nhân, cơ sở Trần văn Giáo sản xuất các loại hàng thủ công thuyền buồm, máy bay, xe hơi ...đã có những hợp đồng ổn định, thì một số cơ sở còn lại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhiều cơ sở sản phẩm làm ra không bán được để hàng tồn kho rất nhiều như những bộ bàn ghế, những bức tượng lớn...
Về lao động, dù có nguồn lao động dồi dào nhưng với ngành gỗ mỹ nghệ thì đòi hỏi người lao động phải có tay nghề mộc cao, phải được qua đào tạo, cộng với sự cần cù sáng tạo thì mới tạo ra được những sản phẩm tinh xảo . Do vậy nguồn lao động cũng là một vấn đề bức xúc của các cơ sở hiện nay, hầu hết các cơ sở đều nhận lao động vào vừa học, vừa làm nên năng suất không cao.
Nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm bàn ghế được làm từ những gốc cây, thì nguồn nguyên liệu này tương đối dồi dào, còn nguồn nguyên liệu để dùng cho sản xuất thuyền buồm, máy bay, xe các loại... thì đang khan hiếm dần, một số cơ sở sản xuất ở huyện Trảng Bom, Xuân Lộc phải nhập thêm gỗ từ Singapore, Indonesia...
Nhìn chung, ngành gỗ mỹ nghệ có tốc độ phát triển tương đối ổn định, năm sau cao hơn năm trước, thể hiện qua doanh thu, số cơ sở, lao động, vốn đầu tư đổi mới công nghệ đều có tăng chuyển biến rõ rệt nhất là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuyền buồm, máy bay, xe ...ở huyện Trảng Bom .
Với tình hình phát triển của ngành gỗ mỹ nghệ như hiện nay, thì định hướng phát triển cho những năm tới là một điều hết sức cần thiết, vì đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển nhanh công nghiệp ở khu vực nông thôn . Sản phẩm sản xuất ra phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu là chủ yếu, vì thế góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.
Từ thực trạng ngành nghề gỗ mỹ nghệ trên, cần phải có định hướng chiến lược lâu dài và ổn định để phát triển, vì đa số các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ hiện nay đều thiếu vốn để hoạt động như: thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, mua nguyên vật liệu, xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ xử lý môi trường, đầu tư sản xuất sản phẩm mới ... Do vậy, việc ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm tạo điều kiện để các cơ sở gỗ mỹ nghệ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, các nguồn hỗ trợ từ ngân sách . Thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, về mặt bằng sản xuất, về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các điểm công nghiệp thuộc làng nghề khi bị thu hồi đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích khác . Bên cạnh đó phải củng cố lại các thị trường xuất khẩu từ trước đến nay, đồng thời mở rộng thêm các thị trường mới thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tham dự hội chợ triển lãm, quảng bá các sản phẩm trên website, tổ chức các hoạt động tham quan, học hỏi, khảo sát, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất liên kết, liên doanh, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề và tổ chức được các lớp đào tạo nghề nâng cao để bổ sung lực lượng cho các cơ sở đang thiếu lao động hiện nay.
Tất cả những vấn đề trên rất cần thiết để hỗ trợ ngành nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ của tỉnh Đồng Nai được phát triển ổn định và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của ngành tiểu thủ công nghiệp của địa phương, đảm bảo tăng tưởng đồng đều giữa các vùng, ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy những thế mạnh và tiềm năng hiện có tại địa phương .
TTKC
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com