Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ phân phối sang sản xuất đồ nội thất

Lâu nay trên thị trường, đồ nội thất nhập khẩu chiếm lĩnh, nhưng hiện không còn dễ dàng như trước vì các nhà phân phối cạnh tranh nhau, tìm cách giảm giá thành bằng việc sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.


Trước đây, những bộ sofa như thế này thường là hàng nhập khẩu; nay đã được sản xuất trong nước với giá rẻ hơn nhiều so với hàng nhập mà chất lượng tương đương. Ảnh: Thu Thủy

Hàng nội thất sản xuất trong nước bằng nguyên liệu nhập khẩu sẽ giảm giá thành do giá vốn thấp, không phải chịu thuế nhập và phí vận chuyển.

Ông Dương Quốc Nam, tổng giám đốc công ty Hoàng Nam với hệ thống Phố Xinh, cho biết: “Trước đây hàng của chúng tôi đa số là nhập khẩu, nay 60% được sản xuất và lắp ráp trong nước, như vậy sản phẩm sẽ giảm giá thành so với hàng ngoại nhập nguyên chiếc, có khi giá giảm đến 50%”. Ngoài ra công nhân của công ty luôn có việc làm và một yếu tố quan trọng không kém là đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh chóng. Khi khách muốn mua chỉ cần đưa đơn hàng, sản xuất sẽ đáp ứng trong một hai tuần thay vì đơn nhập hàng có khi phải đợi hai tháng. Yếu tố công nghệ cũng quan trọng, nên “công ty đã nhập hẳn máy tạo hoa văn trên mặt gỗ với giá 50.000 euro để có mẫu độc quyền”, ông Nam nói. Máy này chỉ tạo một hoa văn duy nhất cho một đợt hàng. Và mẫu này cũng đang thịnh hành trên thế giới nhưng giá làm tại Việt Nam sẽ rẻ hơn rất nhiều, như thế mẫu được cập nhật và giá phù hợp với thị trường trong nước.

Việc các nhà phân phối trở thành nhà sản xuất do những thúc bách nhu cầu của thị trường. Ban đầu, để nội địa hoá sản phẩm chỉ bằng việc lắp ráp, sau đó là nhập một phần các bộ phận mà trong nước chưa làm được, rồi từ đó mới tiến tới sản xuất nhiều chi tiết. Việc này khiến cho giá thành giảm rất nhiều và chủ động trong kinh doanh, dần dần trở thành xu hướng mà các nhà kinh doanh nội thất phải hướng tới. Ông Giang Sáng Hy, chủ cửa hàng Hy Dân cho biết, sau một thời gian bán hàng nhập khẩu, hàng cao cấp nhập về muốn giá vừa phải thì lượng hàng phải lớn, “trong khi mình chỉ nhập được ít bộ, vì vậy việc sản xuất trong nước là cách để đáp ứng khách hàng nhanh nhất với giá vừa phải, đây là xu hướng tất yếu”.

Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa phân biệt được giữa hàng lắp ráp và sản xuất trong nước. Các nhà phân phối hiện nay đã mạnh dạn giới thiệu hàng do chính công ty sản xuất với nguyên liệu nhập chứ không còn mập mờ như trước đây.

Các nhà làm hàng xuất khẩu tìm thị trường nội địa, và việc các nhà phân phối đồ nội thất đặt hàng ngay tại trong nước là một hướng đi mới trên thị trường.

(Theo bài và ảnh: Thu Thuỷ // SGTT Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container