Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc (từ 570 triệu USD năm 2003 lên 2,4 tỷ USD năm 2007 và 2,8 tỷ USD năm 2008). Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn đạt gần 2,7 tỷ USD. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 1,5 tỷ USD và dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2010 đạt khoảng 3 tỷ USD. Mặt hàng gỗ hiện đứng thứ 5 trong số các mặt hàng xuất khẩu của cả nước và Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (chiếm 70%, tương đương 1 tỷ USD/năm). Điều này khiến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với một số rủi ro. Cụ thể, Đạo luật Lacey của Quốc hội Mỹ cấm buôn bán các loại cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm cả gỗ và các sản phẩm gỗ (năm 2008, Quốc hội Mỹ đã sửa đổi Đạo luật Lacey nhằm cấm buôn bán các loại cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm cả gỗ và các sản phẩm gỗ). Đạo luật Lacey đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2010. Theo đó, các nhà nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ cần khai báo nguồn gốc, địa danh, quốc gia nơi khai thác gỗ và tên các loài cây gỗ trong thành phần sản phẩm đồ gỗ nội thất. Đạo luật này còn áp dụng các hình thức phạt đối với các hành vi vi phạm, bao gồm việc tịch thu hàng hóa và phương tiện vận chuyển, phạt tiền, hoặc thậm chí bỏ tù những người có liên quan.
Ở góc độ DN, ông Lê Đằng Giao, Phó giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình (chuyên xuất khẩu các mặt hàng gỗ) cho biết, để thực hiện các điều khoản của Đạo luật Lacey khi tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Công ty đã thu mua nguyên liệu gỗ, yêu cầu các nhà cung cấp đưa ra những bằng chứng có nguồn gốc hợp pháp. “Tuy nhiên, Công ty cũng đang gặp khó khăn, do những năm trước, Mỹ chưa yêu cầu chứng nhận chứng chỉ gỗ từ rừng và nhà cung cấp cũ hầu như không chuẩn bị được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ rừng”, ông Giao nói và cho biết, Hoà Bình phải tìm những nhà cung cấp mới hội đủ yêu cầu trên. Chính điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của DN, vì khi mua gỗ nguyên liệu có giấy chứng nhận, giá cao hơn 10-15% so với giá gỗ không có giấy chứng nhận đó.
Vậy, DN phải làm gì để tuân thủ Đạo luật Lacey? Theo LS. Jogn Magnus (Công ty Miller & Chevalier - Mỹ), trước tiên, doanh nghiệp cần nắm được những quy định của bản khai xuất xứ hàng hóa. Thứ hai, DN nên xây dựng kế hoạch tuân thủ Đạo luật Lacey. Nghĩa là, khi Đạo luật yêu cầu gì, thì DN cần có kế hoạch cụ thể, cần tìm hiểu sản phẩm của DN có liên quan như thế nào tới Đạo luật. Thứ ba, DN phải xây dựng một “quy trình” để quản trị rủi ro có liên quan đến Đạo luật. Thứ tư, DN phải có chương trình đào tạo thường xuyên cho nhân viên trong công ty, để họ nắm được các yêu cầu của Đạo luật.
Các chuyên gia cho rằng, DN cần tuân thủ Đạo luật Lacey để hội nhập, tuy nhiên, doanh nghiệp cần bình tĩnh, vì kể từ khi Đạo luật có hiệu lực tới nay, chưa có DN xuất khẩu sản phẩm gỗ nào của Việt Nam bị trả lại hàng. “Vấn đề là, DN thực hiện Đạo luật Lacey như thế nào cho tốt, vì việc thực hiện tốt quy định của Đạo luật sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng trưởng ổn định, tiến tới nâng cao thị phần trong tương lai”, ông Quyền nhấn mạnh.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com