|
Những “đại gia” trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở phía Bắc như Công ty cổ phần An Khánh, Công ty cổ phần gỗ Placo…đều không thể ngờ, có lúc họ buộc phải để công nhân nghỉ việc.
Cho đến thời điểm này, vẫn có nhiều doanh nghiệp gỗ chỉ còn “leo lét” hoạt động dưới công suất. Lý do là thị trường thế giới sụt giảm.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gỗ 8 tháng đầu năm 2009 đã giảm 15,2% so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 1,55 tỷ USD. Sự yếu đi của “lực cầu ngoại” đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc đối tác nước ngoài ép giá, dựng các hàng rào kỹ thuật và đẩy rủi ro về phía nhà sản xuất trong nước.
Nằm trong số ít những doanh nghiệp gỗ “gặp may”, Công ty Cổ phần nội thất Shinec đã ký được hợp đồng xuất khẩu gỗ khoảng 3 triệu USD cho mùa giao hàng năm nay. Nhưng đi cùng với nó, doanh nghiệp này phải chấp nhận “lý thuyết trò chơi” mới.
Siết chặt “luật chơi”
Trong phân xưởng rộng trên dưới một nghìn m2 của Công ty Cổ phần nội thất Shinec, lượng lao động làm công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dường như nhiều hơn mức bình thường.
Giám đốc Công ty Nguyễn Đắc Hạnh cho biết, bản thân khách hàng cũng không chắc chắn về xu hướng và khả năng tiêu thụ của thị trường thế giới. Chính vì thế, họ dựng lên rất nhiều hàng rào kỹ thuật để nếu cần có thể đẩy rủi ro về phía nhà sản xuất.
Sau thời điểm Đạo luật Nông nghiệp 2008 (Farm Bill 2008) chính thức có hiệu lực, dù thị trường Châu Âu chưa “áp” các tiêu chuẩn tương tự của Mỹ, nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã bắt buộc phải tuân theo các quy định của Farm Bill.
“Chúng tôi tuy không làm hàng cho Mỹ, nhưng hiện nay khách hàng họ vẫn yêu cầu phải tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu của Farm Bill, theo tất cả các quy định về tiêu chuẩn, chứng chỉ…”, Giám đốc Shinec cho biết.
Cũng theo ông Hạnh, nếu như mọi năm doanh nghiệp này vẫn dùng ván MDF loại D1, D2... (loại có formaldehyde - PV) mua trong nước thì nay phải dùng loại ván mua của Thái Lan, không có độc hại.
“Mà loại ván này, chúng tôi cũng không dùng làm sản phẩm, mà chỉ làm vật kê giữa hai palette (giá kê - PV) thôi”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Việc kiểm soát nguyên, phụ liệu từ phía đối tác mua hàng cũng rất chặt chẽ. Vị Giám đốc Shinec cho biết, khách hàng của họ theo sát từ khi mua nguyên liệu, kiểm soát nơi mua, số lượng, thậm chí sẵn sàng đến tận nơi xem xét chất lượng từ nguồn cung cấp.
“Năng lực thiết bị của mình họ cũng kiểm tra. Họ cũng đưa ra quy trình kiểm soát chất lượng, và mình phải theo của họ”, ông Hạnh nói.
Và để theo được với các yêu cầu mới phát sinh, Shinec phải chấp nhận tăng lực lượng làm công tác kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, Công ty này cũng phải mua sắm thêm các công cụ kỹ thuật để hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm.
“Chi phí như thế là tăng lên, nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác được”, ông Hạnh nói.
Nhưng trong khi chi phí đội lên, giá bán sản phẩm không tăng tương ứng. Năm nay, khách hàng có “cơ hội” để ép giá vì việc thì ít mà doanh nghiệp lại thi nhau cạnh tranh chào giá thấp.
“Cũng tùy từng mã hàng, nhưng trung bình giá giảm khoảng 10%. Năm nay, doanh nghiệp nào lãi suất còn lại khoảng 6 - 7% cũng đã là may”, ông Hạnh cho biết.
“Nín thở” chờ phản ứng từ thị trường
Những “lý thuyết trò chơi” mới như kể trên có lẽ nằm trong một “chiến lược" của các nhà nhập khẩu đồ gỗ, đang cố gắng đẩy hết rủi ro cho nhà sản xuất.
Như mọi năm, chỉ những lỗi như sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng, thiếu chi tiết, hoặc bao bì không đúng mới được cho là do nhà sản xuất. Nhưng năm nay, kể cả trường hợp khách hàng không thích cũng được “gói” chung vào lỗi của bên cấp hàng.
Theo ông Hạnh cho biết, mọi năm, những lỗi đơn giản như khoan thiếu lỗ bắt vít, thiếu phụ kiện, xử lý dầu không tốt và bị loang… sẽ được khách hàng tìm biện pháp sửa chữa giúp rồi tính tiền. Nay thì không sửa chữa gì nữa.
“Mọi năm, họ cho phép tỷ lệ hàng bị trả lại khoảng 2,5% thì năm nay cho phép trả lại 0,2% thôi, gần như không cho phép hàng bị trả lại. Nếu không đạt tỷ lệ ấy, họ sẽ kiểm tra toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp trong kho, và doanh nghiệp Việt Nam có hai cách lựa chọn: một là hủy, hai là nhận lại hàng”, ông Hạnh cho hay.
Giám đốc Shinec cũng bức xúc: “Rất vô lý là khách hàng mua rồi không thích mà trả lại, bây giờ cũng quy cho mình hết. Trong trường hợp bên ấy thị trường không bán được hàng thì doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ chịu rủi ro lớn”.
Hàng ngoài trời do các doanh nghiệp như Shinec sản xuất thường có thời gian xuất hàng từ tháng 8 năm nay đến tháng 2 năm sau. Từ tháng 3/2010, tại các thị trường nước ngoài mới bắt đầu bán hàng và đến tháng 8 mới hết mùa hàng.
“Mọi năm, tình trạng trả lại hàng không nhiều lắm. Năm nay, mới bắt đầu vào mùa giao hàng nên còn phải chờ đến hết mùa hàng mới biết rõ tình hình hàng hóa đổi, trả lại”, ông Hạnh lo lắng.
“Nhưng không có cách nào khác là mình phải chấp nhận với họ những điều kiện ấy, chứ không thì không hợp tác được, không làm gì được cả. Mà không làm gì còn chết hơn”, Giám đốc Công ty cổ phần nội thất Shinec thở dài.
(Theo Anh Quân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com