Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các khu kinh tế miền trung làm gì để thu hút đầu tư?

Các kỹ sư vận hành Nhà máy
lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
 - Các khu kinh tế (KKT) miền trung với đặc thù là KKT VEN biển, đang trong giai đoạn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh ven biển miền trung. Mô hình KKT ra đời đã phát huy ngay ưu thế, thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể.


Thời cơ và thách thức

Hầu hết các KKT miền trung được hình thành và phát triển trong thời kỳ đầu CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế nên có những thời cơ và thách thức rất lớn, nhất là trong quá trình xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án tại KKT. Theo số liệu của Vụ Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), đến nay các tỉnh ven biển, miền trung đã hình thành và phát triển mười KKT, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Ðông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Ðịnh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Nam Phú Yên (Phú Yên).

Ðánh giá quá trình đầu tư, phát triển các KKT miền trung, một số chuyên gia kinh tế Việt Nam thống nhất rằng: Phát triển các KKT hiện nay là biểu hiện của nền kinh tế mở cửa và sự thành công ở giai đoạn đầu của thời kỳ CNH đất nước. Ðây là một bước đi đúng đắn, thuận lợi nhiều mặt trong quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững ở khu vực miền trung. Nếu so với các mô hình phát triển đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do và KKT mở ở các nước và thì hiện nay mô hình KKT miền trung đang có nhiều ưu thế trong quá trình lựa chọn những dự án đầu tư và có điều kiện phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức đáng lo ngại về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án hiện nay triển khai rất chậm, thậm chí có nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người". Công tác di dân tái định cư đối với nhân dân nằm trong vùng quy hoạch KKT còn phức tạp. Ðời sống, việc làm của những hộ dân bị giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Hệ sinh thái ở các KKT hiện rất kém và có nguy cơ tiềm ẩn về ảnh hưởng môi trường trong khu vực là rất lớn...   

Thành công của các KKT

Với mô hình, bước đi rõ ràng, trong những năm gần đây các KKT miền trung đã phát triển khá nhanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và được hưởng cơ chế ưu đãi của Nhà nước, bảo đảm từng bước phát triển kinh tế một cách có hiệu quả. Lợi thế rõ nhất của các KKT miền trung vẫn là các cảng nước sâu, như KKT Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Chân Mây, Vân Phong... đã và đang là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư với những dự án đầu tư công nghiệp nặng, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KKT. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích ở các KKT miền trung đã được đầu tư bằng mọi nguồn vốn, từng bước tập trung đầu tư chiều sâu, với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 20%). Nhờ vậy, đến nay, các KKT miền trung đã thu hút khoảng 300 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng vốn đăng ký đạt hơn 30 tỷ USD (trong đó có hơn 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD). Hiện nay, nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, có hiệu quả, tạo động lực mới trong việc thu hút đầu tư và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh đối với khu vực miền trung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bịnh Ðịnh Lê Hữu Lộc cho biết: KKT Nhơn Hội được quy hoạch hơn 12 nghìn ha và đầu tư phát triển theo đa ngành, đa lĩnh vực. KKT này có cảng phi thuế quan, các KCN, khu cảng tổng hợp, khu điện gió, các khu đô thị, khu du lịch và các khu chức năng khác. Với những thuận lợi về đường biển, sân bay Phù Cát và nằm gần TP Quy Nhơn nên KKT Nhơn Hội đã nhanh chóng thu hút được một số dự án lớn trong nước và nước ngoài. Ðến nay, đã có 70 doanh nghiệp ký văn bản ghi nhớ đầu tư và đã cấp phép cho 20 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 16.200 tỷ đồng (trong đó có ba dự án nước ngoài vốn đăng ký 314 triệu USD). Hiện đã có 12/20 dự án đang triển khai xây dựng công trình và năm dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động từng phần...

KKT mở Chu Lai được thành lập năm 2003, là KKT mở đầu tiên của Việt Nam. Ðến nay, KKT mở Chu Lai có 50 dự án, với tổng vốn đầu tư 794 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 195 triệu USD và 33 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 599 triệu USD. Hiện nay, đã có 30 dự án đang đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký 362 triệu USD và có 20 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn 432 triệu USD... Các dự án đi vào hoạt động tại KKT mở Chu Lai không chỉ tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, mà đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Ðặc biệt, trong hai năm 2007, 2008 các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn so với toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2008, tổng vốn đầu tư xã hội thuộc KKT mở Chu Lai chiếm khoảng 14% tổng vốn đầu tư xã hội của tỉnh; tổng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 13,9% so với cả tỉnh; tổng số thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKT mở Chu Lai chiếm khoảng 32% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho hơn sáu nghìn lao động, trong đó có gần 90% là người địa phương...

KKT Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 150 nghìn ha. Ðây là KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế giữ vai trò chủ đạo kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề kinh tế khác. KKT Vân Phong phát triển sẽ tạo một điểm nhấn mới, cùng với KKT mở Chu Lai, các KKT Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên tạo thành mối liên kết, chuỗi những hạt nhân tăng trưởng của khu vực Nam Trung Bộ. Ðến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 82 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD; trong đó có nhiều dự án có quy mô lớn, như Cảng trung chuyển quốc tế, riêng giai đoạn khởi động vốn đầu tư 185 triệu USD; Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; Trung tâm nhiệt điện Vân Phong vốn đầu tư 3,8 tỷ USD; Khu đô thị mới Tu Bông và Khu du thuyền cao cấp vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.

Thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay là KKT Dung Quất. Sau 13 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất hiện đã có 147 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng mười tỷ USD (trong đó có 113 dự án đã cấp phép đầu tư với nguồn vốn hơn 7,6 tỷ USD). Sự phát triển của KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp. Trong ba năm (từ 2006 đến 2008), KKT Dung Quất đã đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu thấp khoảng 500 tỷ đồng/năm (năm 2005 về trước) trở thành thành viên "câu lạc bộ 1.000 tỷ"  kể từ năm 2006. Sản lượng công nghiệp năm 2008 là 2.600 tỷ đồng. Dự kiến năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất đạt khoảng 2,5 triệu tấn thì giá trị sản lượng công nghiệp đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2010, Nhà máy hoạt động đạt 100% công suất thiết kế sẽ cho giá trị sản lượng công nghiệp đạt 100 nghìn tỷ đồng và sẽ nộp thuế khoảng 8.700 tỷ đồng (chưa kể sản lượng của hai nhà máy đóng tàu Vinashin và Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina). Sự phát triển KKT Dung Quất đã khai thác tốt lợi thế về địa lý, nguồn tài nguyên đất đai và tác động lan tỏa, kích thích các ngành sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Những năm qua, KKT Dung Quất tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực mà trọng tâm là lọc hóa dầu, do đó hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đã tập trung đầu tư đồng bộ.

Từ những thành công bước đầu về mô hình KKT, hiện nay, KKT Dung Quất được quy hoạch mở rộng từ 10.300 ha lên gần 45.500 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 998/QÐ-TTg ngày 10-7-2009. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang nghiên cứu phương án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm, bảo đảm xây dựng trở thành một trong những tổ hợp lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước. Như vậy, KKT Dung Quất vẫn phát triển theo hướng thu hút đầu tư mạnh mẽ các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn gắn với mở rộng, hình thành cảng nước sâu Dung Quất II (có điều kiện tự nhiên đáp ứng cho loại tàu từ 250 đến 300 nghìn DWT) và xây dựng KKT Dung Quất thành trung tâm lọc hóa dầu và trung tâm công nghiệp nặng quốc gia. Sự phát triển của các tổ hợp công nghiệp nặng sẽ là tiền đề quan trọng để sau năm 2015, KKT Dung Quất chuyển hướng sang thu hút các dự án công nghiệp nặng, các tổ hợp dịch vụ, tổ hợp đô thị - công nghiệp hiện đại. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, KKT Dung Quất có thể chuyển đổi mô hình quản lý thành phố công nghiệp và sẽ thu hút đầu tư khoảng 15 tỷ USD và đến năm 2020 đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt hơn 70%...  

Những hạn chế, khó khăn

Nhìn nhận một cách khách quan, các KKT miền trung ngoài thành công bước đầu trong lĩnh vực quảng bá, thu hút vốn đầu tư có tính khả thi, nhưng thực tế vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh "đói vốn". Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số doanh nghiệp đăng ký vào các KKT miền trung  giảm mạnh so với những năm trước. Tình trạng một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các KKT nhưng chậm triển khai đã làm ảnh hưởng tiến độ đầu tư các dự án. Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị có biểu hiện chiếm giữ đất, gây bất bình đối với nhân dân địa phương. Trưởng Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô, Hồ Sĩ Nguyên cho biết: Ðiều quan trọng, khi tiếp cận nhà đầu tư, chúng ta cần tạo điều kiện tối đa cho họ, nhưng cũng buộc nhà đầu tư phải có những cam kết ràng buộc với cơ quan quản lý dự án. Nhiều nhà đầu tư lớn thường có khoản tiền đặt cọc để bảo đảm đầu tư ổn định. Ðây là cách làm để sàng lọc được những nhà đầu tư kém năng lực tài chính. Tất nhiên, hiện nay có một số nhà đầu tư trong nước triển khai đầu tư dự án rất chậm. Nguyên nhân chính là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp chỉ bảo đảm khoảng 20 đến 30% tổng mức đầu tư, còn lại phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao nên khó triển khai dự án. Chúng tôi đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư để bàn biện pháp giải quyết trên tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư. Thực tế hiện nay, nếu chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh nào đấy, khi nhà đầu tư chậm triển khai dự án, Ban quản lý tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để cấp lại cho nhà đầu tư mới buộc phải làm lại thủ tục ngay từ đầu. Cách làm như vậy đôi khi thời gian không nhanh bằng giúp cho nhà đầu tư đang khó khăn để họ có thể triển khai đầu tư dự án thì hiệu quả hơn...

Có một thực trạng là, các KKT hiện nay giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư còn khá lòng vòng. Một thủ tục cấp phép đầu tư mà có nhiều cơ quan cùng tham gia  giải quyết  kéo dài cả tháng. Công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng ở các KKT miền trung hiện nay còn rất yếu kém, chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, viễn thông... Ngay Sân bay Chu Lai - thường được gọi là "cái kích nổ" cho KKT Chu Lai, Dung Quất cũng chỉ là sân bay nội địa, và chỉ một đường bay Chu Lai - TP Hồ Chí Minh, với  bốn chuyến bay/tuần. Hay như cảng biển Kỳ Hà cũng chỉ là cảng nhỏ tiếp nhận tàu 5.000 tấn, chưa có các tuyến vận tải quốc tế thường xuyên. Thêm vào đó, hạ tầng các khu công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh; đồng thời chưa có hệ thống xử lý nước thải, nguồn điện chưa ổn định; nguồn lao động tại địa phương vừa thiếu, vừa yếu.

(Theo PHAN LỢI, MINH TRÍ, PHONG NGUYÊN, TẤN NGUYÊN // Báo Nhân dân điện tử)

  • Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh
  • Ưu tiên vốn ngân sách cho khu kinh tế ven biển
  • Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Đất đang chờ dự án
  • "Đổ xô" vào Khu nông nghiệp công nghệ cao HCM
  • Khu công nghiệp VSIP I và II: Thu hút hơn 2,8 tỷ USD vốn đầu tư
  • Quảng Nam: Phát triển mạnh các cụm công nghiệp
  • Khởi công xây dựng Khu công nghiệp Hòa Hội
  • Phát triển KCN: Chưa xứng tầm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container