Tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp trong những năm gần đây đạt 25 -30%. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp (CCN).
![]() |
CCN Tam Đàn (Phú Ninh) vừa triển khai đầu tư đã có 5 dự án đi vào sản xuất. |
Năm năm qua (2004-2009), việc triển khai đầu tư xây dựng CCN được các địa phương trong tỉnh vào cuộc nhanh. Ngoài nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển CCN, nhiều địa phương đã có quyết sách đúng và táo bạo là ủng hộ nhiều thành phần kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, dân doanh làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN. Nhờ vậy, trong mạng lưới quy hoạch 157 CCN, đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành quy hoạch chi tiết 43 CCN với tổng diện tích 1.170ha, hiện có 20 CCN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đưa vào sử dụng. Đến nay, có 110 dự án đã đi vào sản xuất, với tổng vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động địa phương.
Đi đầu trong việc triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng CCN là huyện Điện Bàn. Đến nay, các vùng đất cát khô cằn của huyện như Trảng Nhật 1, Trảng Nhật 2, An Lưu, Thương Tín… đã có hàng chục nhà máy mọc lên. Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, ông Thân Văn Lào cho biết, toàn huyện đã thu hút 47 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN. Nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, bước đầu đã góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm khá lớn. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của Điện Bàn chiếm 1/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Cùng với Điện Bàn, huyện Đại Lộc đang trở thành một trong những địa phương triển khai xây dựng mô hình phát triển CCN thành công nhất. Trong tổng số 12 CCN đang hoạt động, thì có đến 8 CCN diện tích đất quy hoạch đã lấp đầy dự án. Đến nay, huyện Đại Lộc đã thu hút 38 dự án đi vào sản xuất. Tiêu biểu nhất là dự án Nhà máy Prime Đại Lộc ở CCN Đại Quang, với diện tích thuê đất rộng hơn 50ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 678 tỷ đồng. Dự án Nhà máy Sản xuất cồn Ethanol có công suất 100.000 tấn/năm tại CCN Đại Tân của Công ty cổ phần Đồng Xanh có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Tiếp đến là dự án sản xuất thiết bị và kim dệt may chính xác cao của Công ty TNHH Groz Beckert Việt Nam đang triển khai đầu tư giai đoạn I hơn 550 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Văn Trúc khẳng định: việc đầu tư phát triển CCN là đúng hướng, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế ở địa phương. Năm 2008, tỷ trọng ngành CN-TTCN trong GDP là 74,9%. Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp tại CCN đã giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động.
Rõ ràng việc triển khai đầu tư phát triển CCN vừa và nhỏ trong những năm qua là chủ trương đúng hướng, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, từng bước giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần đổi thay diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là quy hoạch phân bố ngành nghề ở mỗi CCN không cụ thể và na ná như nhau. Chủ yếu là dự án ngành sản xuất chế biến nông lâm, vật liệu xây dựng và may mặc... Các ngành nghề sản phẩm công nghiệp mới vẫn còn hiếm. Bên cạnh đó, công tác xử lý chất thải, xử lý chất rắn để bảo vệ môi trường tại các CCN vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vấn đề đó cần được giải quyết để tạo sự phát triển bền vững của các địa phương.
(Theo baoquangnam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com