Nếu chưa lấp đầy trên 60% diện tích khu công nghiệp thì sẽ không bố trí, xây dựng khu công nghiệp mới.
Hiện cả nước đã có 249 KCN |
Đó là một nguyên tắc sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường áp dụng khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015.
Thực tế cho thấy, mặc dù các khu công nghiệp (KCN) đã có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, việc quy hoạch và phát triển các KCN vẫn còn đó những bất cập.
Tạo cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện cả nước đã có 249 KCN được thành lập tại 56/63 tỉnh thành.
Không chỉ đóng góp khoảng 20% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, các KCN còn tạo nên những cơ hội lớn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm phi nông nghiệp, giảm thất nghiệp và tăng thu nhập, từ đó giảm nghèo ở nông thôn và bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương…
Tính chung giá trị sản xuất công nghiệp tính trên 1 ha đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu USD/1năm, so với giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt khoảng 900 USD/ha/năm.
Một số vùng phát triển KCN từ lâu có tỷ lệ lấp đầy cao của các KCN đã vận hành như Đông Nam Bộ 73%; đồng bằng sông Hồng 73%; đồng bằng sông Cửu Long 89%.
Một trong những mục tiêu quan trọng của CNH, HĐH là hiện đại hóa nông thôn và các KCN đã góp phần tạo nên một diện mạo nông thôn mới.
KCN đã hút hơn 1 triệu việc làm, bình quân 1 ha đất cho thuê thu hút được trên 70 lao động trực tiếp, trong khi đó 1 ha đất nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 10-12 lao động.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương chủ yếu sử dụng đất trồng lúa có năng suất thấp, 1 vụ và không ổn định để phát triển KCN. Đa số các KCN ở miền Trung và miền Nam nếu có sử dụng đất lúa đều là đất có năng suất thấp. Chỉ có một số tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam sử dụng đất lúa có năng suất cao hơn năng suất trung bình để phát triển KCN.
Cần sớm hạn chế bất cập
Nhiều KCN thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung |
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 9/11 cho biết, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN trong cả nước mới đạt 51%.
Bên cạnh đó, cả nước còn có khoảng 650 cụm công nghiệp do địa phương thành lập với tổng diện tích có 33 nghìn ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân mới đạt 44%.
Tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đầu tư đăng ký của dự án còn thấp (đạt khoảng 40%).
Ở một số địa phương phát triển ồ ạt các KCN cũng đã tạo ra những tác động tiêu cực như cuộc sống người dân có đất thu hồi bị ảnh hưởng nếu dự án xây dựng KCN đó bị "treo".
Thực tế cho thấy có địa phương hăng hái mời gọi đầu tư mà chưa coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đơn cử, kết quả điều tra cho thấy, một số lưu vực sông bị ô nhiễm như hệ thống sông Đồng Nai, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu đều gắn với các vùng phát triển các KCN.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn chung, việc quy hoạch và phát triển các KCN, đặc biệt trong phát triển các cụm công nghiệp của các địa phương trong những năm qua còn nhiều tồn tại như một số địa phương phát triển cụm công nghiệp dàn trải, thiếu sự phối hợp thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế... Những bất cập này cần sớm được khắc phục để việc phát triển các KCN thực sự bền vững.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com